Nguy cơ Nga-Mỹ không còn hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân

Mỹ hôm 31-1 cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước vũ khí hạt nhân hai nước khi cho rằng Moscow từ chối cho phép các hoạt động thanh tra diễn ra trên lãnh thổ của mình.

Hiệp ước New START có hiệu lực vào năm 2011 và được gia hạn thêm 5 năm vào năm 2021. Hiệp ước này giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga có thể triển khai, cũng như việc triển khai các tên lửa và máy bay ném bom trên bộ và trên tàu ngầm có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Theo hãng tin Reuters, hai quốc gia vốn bị hạn chế bởi một loạt thỏa thuận kiểm soát vũ khí trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh nhưng hiện vẫn chiếm khoảng 90% số đầu đạn hạt nhân của thế giới.

Các đại biểu từ Nga tham dự hội nghị đánh giá Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân tại TP New York-Mỹ năm 2022. Ảnh: Reuters

Các đại biểu từ Nga tham dự hội nghị đánh giá Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân tại TP New York-Mỹ năm 2022. Ảnh: Reuters

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng: "Việc Nga từ chối tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thanh tra ngăn cản Mỹ thực hiện quyền quan trọng theo hiệp ước và đe dọa khả năng kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga".

Theo người phát ngôn này, Washington vẫn sẵn sàng hợp tác với Moscow để thực hiện đầy đủ hiệp ước. Người này nhấn mạnh: "Hiệp ước New START vẫn nằm trong lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ".

Lãnh đạo các ủy ban an ninh quốc gia tại Thượng viện Mỹ, cơ quan thông qua các hiệp ước, cho biết việc Moscow không tuân thủ sẽ ảnh hưởng đến các hiệp ước vũ khí trong tương lai.

Các lãnh đạo nói trên gồm Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bob Menendez, Jack Reed và Mark Warner cho hay: "Phải nói rõ rằng việc tuân thủ các nghĩa vụ của hiệp ước New START sẽ rất quan trọng đối với việc Thượng viện xem xét bất kỳ hiệp ước kiểm soát vũ khí chiến lược nào trong tương lai với Moscow".

Hôm 30-1, Nga cho biết hiệp ước New START có thể hết hạn vào năm 2026 mà không có hiệp ước thay thế, đồng thời nhấn mạnh Washington đang cố gây "thất bại chiến lược" cho Moscow ở Ukraine.

Khi được hỏi về khả năng không có hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân sau năm 2026, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov cho rằng: "Đây là một kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra".

Mỹ đã cung cấp hơn 27 tỉ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, gồm hơn 1.600 hệ thống tên lửa phòng không Stinger, 8.500 hệ thống tên lửa chống tăng Javelin và 1 triệu viên đạn pháo 155mm.

Theo một cuộc thăm dò mới của Trung tâm nghiên cứu Pew, ngày càng nhiều người Mỹ cho rằng nền kinh tế số 1 thế giới đang viện trợ quá nhiều cho Ukraine, với hơn 1/4 người được hỏi nói rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang quá hào phóng.

Những khảo sát mới cho thấy một sự thay đổi đáng kể kể từ tháng 3 năm ngoái, khi 42% người được khảo sát nói rằng họ cảm thấy Mỹ vẫn làm chưa đủ cho Ukraine.

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nguy-co-nga-my-khong-con-hiep-uoc-kiem-soat-vu-khi-hat-nhan-20230201074209298.htm