Nguy cơ người tiêu dùng bị xâm hại quyền lợi khi hợp đồng viễn thông không đạt tiêu chuẩn

Theo Ủy ban cạnh tranh quốc gia, 100% hồ sơ theo mẫu trong lĩnh vực viễn thông nộp đăng ký lần đầu theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 (và các văn bản quy định chi tiết) đều tồn tại những lỗi chưa phù hợp theo quy định.

Nhiều doanh nghiệp viễn thông vẫn chưa tuân thủ đúng pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Nhiều doanh nghiệp viễn thông vẫn chưa tuân thủ đúng pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Ủy ban cạnh tranh quốc gia cho biết, từ ngày 1-7-2024 (thời điểm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có hiệu lực) đến hết tháng 4-2025, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã tiếp nhận và thẩm định đối với 308 bộ hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung của các doanh nghiệp thuộc Danh mục nêu trên, trong đó có 68 bộ hồ sơ (chiếm khoảng 22,1%) thuộc lĩnh vực cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất (dịch vụ thoại, dịch vụ nhắn tin, dịch vụ truy nhập Internet);

Dịch vụ viễn thông cố định mặt đất (dịch vụ thoại, dịch vụ truy nhập Internet); dịch vụ truyền hình trả tiền (sau đây gọi chung là “dịch vụ viễn thông”). Kết quả thẩm định hồ sơ đăng ký tại Ủy ban cho thấy, 100% hồ sơ theo mẫu trong lĩnh vực viễn thông nộp đăng ký lần đầu theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 (và các văn bản quy định chi tiết) đều tồn tại những lỗi chưa phù hợp theo quy định.

Trong đó, bên cạnh những nội dung cụ thể chưa phù hợp quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hợp đồng về cung cấp dịch vụ viễn thông còn tồn tại nhiều lỗi cơ bản, lặp đi lặp lại ở nhiều bộ hồ sơ khác nhau.

56/68 lượt hồ sơ, chiếm khoảng 82% tổng số hồ sơ đăng ký lĩnh vực viễn thông phải sửa đổi, bổ sung do tồn tại những nội dung chưa tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; 6/68 lượt hồ sơ, chiếm khoảng 9% tổng số hồ sơ đăng ký lĩnh vực viễn thông được Ủy ban trả lại hoặc doanh nghiệp chủ động rút hồ sơ do nộp không đúng đối tượng, phạm vi phải đăng ký theo quy định.

“Số liệu trên cho thấy, tỷ lệ lượt hồ sơ hoàn thành nghĩa vụ đăng ký còn khá thấp với số lượng hồ sơ phải sửa đổi, bổ sung do tồn tại điều khoản chưa tuân thủ quy định pháp luật chiếm phần lớn (82%) và gấp hơn 11 lần số lượng hồ sơ tuân thủ quy định pháp luật và hoàn thành nghĩa vụ đăng ký (07%).

Hơn thế, số lượng các điều khoản cần hoàn thiện tương đối lớn, tập trung tỷ lệ cao ở nhóm có nhiều điều khoản phải sửa đổi, bổ sung (87,5% hồ sơ có từ trên 30 đến trên 60 đầu mục điều khoản cần sửa đổi, hoàn thiện).

Thực trạng này cho thấy mức độ và ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp còn thấp xét cả từ góc độ chủ động nghiên cứu để soạn thảo hợp đồng theo mẫu tuân thủ quy định pháp luật và lẫn góc độ tiếp thu các ý kiến thẩm định, hướng dẫn của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, có nguy cơ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng”- đại diện Ủy ban cạnh tranh quốc gia cho biết.

H.L

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nguy-co-nguoi-tieu-dung-bi-xam-hai-quyen-loi-khi-hop-dong-vien-thong-khong-dat-tieu-chuan-post612562.antd