Nguy cơ ô nhiễm môi trường do tiêu hủy lợn chưa đúng quy cách
Việc tiêu hủy lợn nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ từ Cambodia vào biên giới An Giang chưa đúng theo quy định đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, thịt lợn đang hút hàng và giá tăng cao nên nguy cơ lợn nhập lậu qua biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp từ nay cho đến Tết cổ truyền.
Thực hiện Công văn số 1076/UBND-KTN ngày 25-10-2019 của UBND tỉnh về việc tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ở khu vực biên giới từ Cambodia vào Việt Nam, từ tháng 10 đến ngày 19-11, các đoàn kiểm tra đã phát hiện bắt giữ 16 vụ vận chuyển lợn trái phép từ Cambodia vào Việt Nam. Trong đó, địa bàn huyện An Phú đang là điểm nóng nhất với 14 vụ vận chuyển lợn lậu bị bắt giữ.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, tổng số lợn nhập lậu bị tiêu hủy là 400 con với tổng trọng lượng hơn 28 tấn. Qua làm việc với những đối tượng buôn lậu lợn, họ đều khai số lợn này nhập lậu từ Cambodia vận chuyển vào An Giang do giá lợn trong tỉnh An Giang thời gian gần đây một kg giá cao hơn 8.000 đồng đến 13.000 đồng so giá lợn ở Cambodia. Trong số lợn bị bắt nhập lậu, có lợn từ Thailand quá cảnh vào Cambodia sau đó tuồn qua biên giới đưa vào tỉnh An Giang.
Việc các ban ngành phối hợp ngăn chặn tuồn lợn vào An Giang trong lúc dịch tả lợn châu Phi vẫn âm ỉ là điều đáng ghi nhận nhưng việc tiêu hủy lợn nhập lậu chưa đúng quy cách đã tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Cụ thể, tối 16-11, tổ công tác Đồn Biên phòng Phú Hữu, huyện An Phú kiểm tra thuyền máy do Nguyễn Văn Hùng điều khiển, chở trên thuyền có 53 con lợn. Hùng khai nhận số lợn này đã mua từ Cambodia rồi đưa vào biên giới An Giang bán kiếm lời. Tiếp theo đó, tối 17-11, tổ công tác chống buôn lậu của Đồn Biên phòng Nhơn Hội, huyện An Phú kiểm tra thuyền máy do ông Lương Văn Hội điều khiển, phát hiện trên thuyền có 30 con lợn nên yêu cầu ông Hội xuất trình hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số lợn trên. Ông Hội lúc đó mới khai nhận đây là số lợn vận chuyển lậu từ Cambodia vào An Giang bán kiếm lời. Tổ công tác đã lập biên bản tịch thu hai vụ nhập lậu lợn cho đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện An Phú tiêu hủy.
Khi tiêu hủy số lợn từ hai vụ nhập lậu này, Đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện An Phú đưa toàn bộ số lợn vào hố tiêu hủy nhưng không phủ bạt nylon lại. Đoàn chỉ rải ít vôi bột trong hố rồi cho lắp đất lại. Vài vụ tiêu hủy lợn trước đó, Đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện An Phú cũng làm theo cách này nên dấy lên vấn đề lo ngại ô nhiễm môi trường.
Khi đưa hình ảnh tiêu hủy này cho Chi cục trưởng Thú y tỉnh An Giang, Trần Tiến Hiệp xem, ông nói việc tiêu hủy chưa đạt yêu cầu. Ông Hiệp cho biết, số lợn trên dù qua xét nghiệm không bị mang dịch tả lợn châu Phi nhưng việc chôn lấp tiêu hủy này có thể gây ô nhiễm môi trường, đó là chưa kể không biết lợn có mang các mầm bệnh khác hay không. Về quy cách đào hố chôn và xử lý như thế là không bảo đảm nhưng vì thiếu kinh phí khi xử lý lợn nhập lậu nên Đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện An Phú đã xử lý như thế. Do vậy, vấn đề này, ông sẽ làm việc lại với Đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện An Phú cũng như các đơn vị khác để khắc phục. Chi cục sẽ báo lại các ban ngành, hỗ trợ kinh phí xử lý lợn nhập lậu bị tiêu hủy gì hiện nay, tình hình vận chuyển lợn lậu vẫn đang diễn biến phức tạp.
Cũng theo ông Trần Tiến Hiệp, từ ngày xảy ra dịch tả lợn châu Phi, tổng số lợn bị tiêu hủy là hơn 28 nghìn con, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi. Việc tỉnh An Giang nỗ lực ngăn chặn dịch, bảo vệ đàn lợn đang gặp rất nhiều khó khăn, nay lại xảy ra tình trạng lợn nhập lậu tràn vào sẽ bị thiệt hại kép. Nhưng nguy cơ nhất là lợn nhập lậu sẽ gây áp lực làm cho đàn lợn trong nước dễ tái nhiễm với dịch tả lợn châu Phi đang được kiểm soát, khi đó gây thiệt hại lớn nền chăn nuôi lợn trong nước.