Nguy cơ ô nhiễm nguồn cấp nước sinh hoạt của TP Đà Lạt
Nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư, rác thải nông nghiệp chưa thu gom xử lý, cùng nước thải từ các nhà vườn canh tác nông nghiệp công nghệ cao đã mang theo một lượng hóa chất nhất định đưa vào hồ Đan Kia, gây nguy cơ ô nhiễm, đe dọa trước mắt và lâu dài đến sự an toàn của nguồn cấp nước sinh hoạt TP Đà Lạt và thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương hiện nay.

Nhà kính trồng rau, hoa đang vươn nhanh ra sát mép nước hồ Đan Kia
• NƯỚC THẢI, RÁC THẢI ĐE DỌA
Từ trên đỉnh Rada - nơi Khu du lịch Lang Biang đang hoạt động, nhìn về hướng Đà Lạt sẽ thấy rất rõ màu trắng của nhà kính đang lấn dần những phần đất quanh thị trấn Lạc Dương, nhất là đoạn bờ phía Đông quanh hồ Đan Kia - hồ cung cấp nước sinh hoạt chính cho TP Đà Lạt. Nhưng phải chạy dọc con đường nhựa của tổ dân phố Đan Kia mới thấy rất rõ bước chuyển mình rất lớn của vùng đất ven hồ Đan Kia này. Con đường đất chạy ven theo những vườn trồng cà phê còi cọc thưa trái ngày nào tại tổ dân phố Đan Kia nay đã thay bằng một con đường nhựa rộng lớn, ven đường là những ngôi nhà to, biệt thự đẹp đẽ vươn cao. Cùng đó là nhà kính mọc lên san sát như nấm sau mưa; rồi những quầy kinh doanh hoa, rất nhiều quầy hoa hồng hiện diện, trong các quầy này người lựa hoa, người đóng hoa thành bó để chất lên xe, bên ngoài xe hơi đời mới đậu san sát ven đường chờ vận chuyển hoa đi. “Làng hoa Vạn Thành trồng hoa hồng nổi tiếng Đà Lạt chỉ ngày trước thôi, giờ thủ phủ hoa hồng Đà Lạt đã chuyển về đây ở Lạc Dương này”, một người dân tươi cười nói với tôi.
Một thống kê của UBND thị trấn Lạc Dương cho biết, trong tổng diện tích đất 7.061 ha của thị trấn, diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm 3.545 ha; còn lại là đất nông nghiệp với 2.355 ha, gồm khoảng 1.000 ha nhà kính (chừng 100 ha rau, 900 ha hoa). Cùng với trồng rau, hoa công nghệ cao trong nhà kính, thị trấn Lạc Dương vẫn còn chừng 500 ha canh tác cà phê; hơn 600 ha canh tác rau ngoài trời.
Không khó để nhìn thấy không ít các nhà kính này nay đã vươn ra rất sát với mép nước hồ Đan Kia, đơn giản để có thể tận dụng tốt nhất nguồn nước mênh mông của hồ, bất chấp cảnh báo rằng việc chuyển ồ ạt từ cây trồng lâu năm như cà phê sang cây trồng ngắn ngày như rau, hoa cần một lượng nước rất lớn từ nước mặt lẫn nước ngầm của hồ này, khiến hồ có nguy cơ thiếu nước cục bộ trong cung cấp nước sinh hoạt cho TP Đà Lạt khi mùa khô kéo dài.
Cùng đó, nước thải từ quá trình canh tác nông nghiệp này với rất nhiều dư lượng phân bón, hóa chất, thuốc trừ sâu từ các nhà vườn được rửa trôi thấm vào đất, theo nước đưa ra các con suối nhỏ và đổ thẳng vào hồ. Nước thải sinh hoạt của cộng đồng dân cư nơi đây cũng là một mối đe dọa an toàn nguồn nước. Đi dọc các con đường nhỏ dẫn vào các khu dân cư ven hồ, có thể thấy nước thải sinh hoạt đen kịt vô tư chảy tràn ra đường, cộng với rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp chưa kịp thu gom, chỉ cần có mưa, nước tràn qua mặt đường đưa chúng thẳng ra hồ Đan Kia.
• BÁO ĐỘNG TÍCH TỤ Ô NHIỄM
Nằm đầu nguồn của sông Đa Dâng trong hệ thống sông Đồng Nai, hồ Đan Kia có diện tích lòng hồ trên 360 ha, cùng một khu vực đầu nguồn cấp nước cho hồ rất lớn. Mặc dù sau nhiều năm sử dụng, hồ đã phần nào xuống cấp, bồi lắng, ước tính chỉ còn sức chứa khoảng 13 triệu khối nước, đạt khoảng 50% dung tích thiết kế nhưng cho đến nay, hồ Đan Kia vẫn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho TP Đà Lạt và một phần của huyện Lạc Dương. Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước tại hồ đang hiện rõ hơn bao giờ hết. Một báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng) cho biết, trong 6 đợt quan trắc chất lượng nguồn nước gần đây tại hồ Đan Kia, đã có 11/66 lượt thông số vượt quy chuẩn cho phép, trong đó có mẫu vượt quy chuẩn đến 4,8 lần.
Như ngành chức năng Lâm Đồng cho biết, chất lượng nước hồ Đan Kia đã và đang có dấu hiệu ô nhiễm bởi các thông số hữu cơ, TSS và Coliform. Nguyên nhân trực tiếp làm cho chất lượng nước ngày càng suy giảm về chất lượng là do bị tác động bởi hoạt động sinh hoạt của người dân phía thượng nguồn; do hoạt động kinh doanh du lịch trên lưu vực; do hoạt động canh tác nông nghiệp trên thượng nguồn; do chưa có biện pháp xử lý rác thải nông nghiệp. Xung quanh hồ Đan Kia hiện có nhiều rác thải sinh hoạt và rác thải từ hoạt động nông nghiệp như: bao bì thuốc bảo vệ thực vật, miếng xốp ươm cây con, ni lông tràn vào hồ. Mùa mưa hồ còn tiếp nhận một lượng lớn lượng nước mưa chảy tràn từ các khu vực dân cư xung quanh đưa nước thải sinh hoạt chưa xử lý vào hồ, làm gia tăng lượng chất rắn lơ lửng trong nước.
Nhưng không chỉ hồ Đan Kia với vấn nạn ô nhiễm, cả 2 hồ nước khác dùng làm nguồn cấp nước sinh hoạt dự phòng cho TP Đà Lạt hiện nay, đó là hồ Chiến Thắng và hồ Tuyền Lâm, cũng đang bị ô nhiễm đe dọa. Trong 6 mẫu quan trắc mỗi đợt cho 6 đợt quan trắc trong năm gần đây tại hồ Chiến Thắng, đã có 4/66 mẫu vượt quy chuẩn cho phép. Còn tại hồ Tuyền Lâm, trong các đợt quan trắc tại vị trí giữa hồ, có 5/66 lượt thông số vượt quy chuẩn, tuy nhiên khi quan trắc nước tại vị trí cầu Suối Tía phía đầu dẫn nguồn nước vào hồ, đã có 3/66 lượt thông số đến ngang ngưỡng cho phép và có đến 31/66 lượt thông số vượt quy chuẩn. Kết luận đưa ra: nguồn nước ô nhiễm vì tác động của hoạt động canh tác nông nghiệp và sinh hoạt của các khu dân cư phía thượng nguồn.
• SẼ CÓ THÊM MỘT HỒ ĐAN KIA MỚI?
Liệu đã đến lúc Đà Lạt cần có một nguồn cấp nước sinh hoạt đủ an toàn để thay thế cho nguồn cấp nước Đan Kia đang bị đe dọa bởi ô nhiễm như hiện nay hay chăng? Câu trả lời này đã được các cấp chính quyền Lâm Đồng đưa ra từ cách đây vài năm.
Trong tháng 5/2021, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cùng các sở, ban, ngành liên quan và huyện Lạc Dương đã có chuyến khảo sát thực địa tại vị trí xây dựng một hồ chứa nước mới (gọi là hồ Đan Kia 2) cũng tại huyện Lạc Dương nhằm thay thế cho hồ Đan Kia (gọi là Đan Kia 1) đang bị ô nhiễm hiện nay. Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, do hồ Đan Kia 1 đang có nguy cơ ô nhiễm, tỉnh đã cấp thiết tìm phương án xây dựng một hồ nước mới để đảm bảo nguồn cấp nước sinh hoạt an toàn cho 2 địa phương này. Theo phương án đưa ra, hồ chứa nước mới Đan Kia 2 sẽ nằm sâu hơn trong vùng Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, ngay trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang - nơi sẽ không có diện tích đất sản xuất nông nghiệp nào hiện diện xung quanh nhằm đảm bảo an toàn cho nguồn nước. Hồ mới này sẽ có diện tích lòng hồ hơn 170 ha, sức chứa dự kiến khoảng 20 triệu m3; tổng chi phí ước tính cho công trình hồ mới này khoảng 1.500 tỷ đồng, trong đó 50% là chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Đây sẽ là công trình hồ đập lớn của tỉnh, không chỉ phục vụ cấp nước sinh hoạt mà còn cung cấp một phần cho sản xuất nông nghiệp và phục vụ phát triển du lịch cho Đà Lạt và huyện Lạc Dương.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đánh giá rằng việc xây dựng hồ Đan Kia 2 này dù phải mất nhiều thời gian và công sức nhưng đây là công trình hết sức cần thiết do đó sẽ được tỉnh trình lên Chính phủ để đầu tư.
Theo chúng tôi, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp trước mắt để chống ô nhiễm cho hồ Đan Kia trong giai đoạn hiện nay, trong đó có việc kiểm soát được các nguồn nước thải chảy vào hồ, vận động người dân ven hồ làm tốt công tác thu gom rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp, thu gom tốt bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng…; Lâm Đồng nên sớm khởi động lại Dự án Xây dựng hồ Đan Kia 2 này và đây chính là giải pháp căn cơ để có nguồn cấp nước sinh hoạt an toàn cho TP Đà Lạt và một phần huyện Lạc Dương về lâu dài.