Nguy cơ ô tô nhập khẩu lấn át thị trường Việt Nam

Hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) đều có lượng xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu chiếm tỉ trọng lớn, thậm chí tới 80-90% tổng lượng xe bán ra, mặc dù đã đầu tư nhà máy tại Việt Nam từ rất lâu. Nếu không thay đổi chính sách, nguy cơ Việt Nam bị biến thành thị trường tiêu thụ ô tô nguyên chiếc cho FDI là rất lớn.

Cần thay đổi chính sách để chặn nguy cơ Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ xe nguyên chiếc cho các hãng FDI. (Ảnh minh họa)

Cần thay đổi chính sách để chặn nguy cơ Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ xe nguyên chiếc cho các hãng FDI. (Ảnh minh họa)

Tiềm năng phát triển công nghiệp ô tô rất lớn

Bộ Công Thương vừa có văn bản đề xuất một số vấn đề liên quan đến ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Theo Bộ đó, so với các mục tiêu được xác định trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1168/QĐ-Ttg, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định.

Cụ thể, hiện Việt Nam đã đạt được chỉ tiêu về số lượng xe sản xuất (SX) trong nước (chỉ tiêu đến năm 2020 đạt 227.500 chiếc, thực tế đã đạt 323.892 chiếc); Về tỷ lệ số xe SX, lắp ráp so với nhu cầu nội địa (chỉ tiêu đến năm 2020 xe SX lắp ráp trong nước chiếm khoảng 67% nhu cầu nội địa. Theo số liệu từ Hiệp hội Các nhà SX ô tô Việt Nam - VAMA, xe SX, lắp ráp trong nước chiếm khoảng 65-70% tổng thị trường, cơ bản đạt mục tiêu đề ra tại Chiến lược).

“Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, ngành SX, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành SX ô tô thực sự (phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản), dây chuyền SX chủ yếu chỉ gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra. Giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực” - Bộ Công Thương nêu thực tế. Bên cạnh đó, còn có một số chỉ tiêu quan trọng chưa đạt như tỷ lệ giá trị SX chế tạo trong nước đối với xe đến 9 chỗ hoặc chỉ tiêu tổng lượng xe xuất khẩu (XK)…

Theo Bộ Công Thương, tiềm năng phát triển công nghiệp ô tô phụ thuộc vào 3 yếu tố, gồm: Quy mô và cơ cấu dân số; Mức thu nhập bình quân đầu người; Và số xe trung bình/1.000 dân. So với các chỉ số này, tiềm năng phát triển công nghiệp ô tô tại Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn, dự kiến nhu cầu tiêu thụ ô tô sẽ bùng nổ trong giai đoạn từ nay đến 2025.

Cần có chính sách, giải pháp kịp thời

Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu (NK) từ các nước thành viên ASEAN đạt tỉ lệ nội địa hóa trên 40% sẽ tiếp tục được miễn thuế NK thêm 5 năm nữa (đến năm 2027). Trong đó, Thái Lan, Indonesia là hai quốc gia XK ô tô sang Việt Nam nhiều nhất (chiếm 75% thị phần) đang được miễn thuế NK. Điều này khiến xe NK từ Thái Lan, Indonesia có sức cạnh tranh rất lớn tại thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, xe lắp ráp SX trong nước cũng sẽ phải chịu cạnh tranh với ô tô NK nguyên chiếc từ các nước, khu vực khác (châu Âu, châu Mỹ theo cam kết của EVFTA, CPTPP) với giá rất cạnh tranh. Ngoài ra, các DN FDI ngoài việc tăng cường NK xe nguyên chiếc sẽ kéo theo tăng cường NK các linh, phụ kiện, phụ tùng với thuế suất 0%. Đây là xu hướng không có lợi cho sự phát triển lâu dài của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và Việt Nam sẽ trở thành thị trường để các quốc gia khác có nền công nghiệp ô tô phát triển hơn như Thái Lan, Indonesia khai thác.

Hầu hết các DN FDI trong VAMA đều có lượng xe ô tô nguyên chiếc NK chiếm tỉ trọng lớn, thậm chí tới 80-90% tổng lượng xe bán ra, mặc dù đã đầu tư nhà máy tại Việt Nam từ rất lâu; Cùng với đó là rất nhiều hãng xe của Hiệp hội Các nhà NK ô tô Việt Nam cũng NK 100% xe ô tô nguyên chiếc và các hãng xe đang tiếp tục gia tăng NK xe vào Việt Nam.

Bộ Công Thương nhận định, với dự báo nhu cầu ô tô của Việt Nam năm 2025 theo phương án trung bình khoảng 800-900 nghìn xe và năm 2030 khoảng 1,5-1,8 triệu xe, nếu không phát triển ngành SX, lắp ráp ô tô trong nước, toàn bộ thị trường xe con là xe NK; Xe khách và xe tải NK 50%, 50% SX trong nước với tỷ lệ nội địa hóa 50%, thì kim ngạch NK năm 2025 dự kiến khoảng 12 tỷ USD và năm 2030 là 21 tỷ USD.

Như vậy, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng trong thời gian tới, nếu Chính phủ và các bộ, ngành không kịp thời có những chính sách, giải pháp phù hợp (một trong số đó là cần sớm bãi bỏ quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô NK) để khuyến khích, hỗ trợ ngành SX, lắp ráp ô tô và công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước phát triển thì Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô cho các hãng FDI tại Việt Nam.

Do đó, Bộ Công Thương đề nghị, không áp dụng quy định mức độ rời rạc tối thiểu của linh kiện ô tô NK để thực hiện Chương trình ưu đãi thuế đối với SX, lắp ráp ô tô và phân loại linh kiện ô tô NK từ ngày 01/10/2022; Đáng chú ý, Bộ Công Thương đề nghị cần bổ sung chế tài để xử lý nghiêm các DN được hưởng ưu đãi theo Chương trình ưu đãi thuế đối với SX, lắp ráp ô tô và phân loại linh kiện ô tô NK nhưng qua quá trình kiểm tra, giám sát cơ quan quản lý Nhà nước phát hiện DN không đáp ứng điều kiện.

Hoàng Tú

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nguy-co-o-to-nhap-khau-lan-at-thi-truong-viet-nam-post469701.html