Nguy cơ sa lầy
Mỹ đang mắc phải những sai lầm nghiêm trọng trong cuộc chiến chống khủng bố tại Somalia...
Trong bài viết mới đây, tờ The New York Times cho biết, Mỹ đang mắc phải những sai lầm nghiêm trọng trong cuộc chiến chống khủng bố tại Somalia-nơi có sự hiện diện của nhóm Hồi giáo cực đoan al-Shabab vốn được xem là nhánh nguy hiểm và có tiềm lực tài chính nhất của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda.
Al-Shabab bị Mỹ xem là một tổ chức khủng bố từ năm 2008. Đến năm 2012, nhóm này cam kết trung thành với al-Qaeda. Theo The New York Times, mục tiêu của al-Shabab là thiết lập một nhà nước Hồi giáo tại Somalia. Al-Shabab đã thực hiện hàng loạt vụ tấn công tàn bạo, trong đó phải kể đến vụ đánh bom xe tại trung tâm thủ đô Mogadishu của Somalia, khiến ít nhất 587 người thiệt mạng hồi năm 2017. Đây được xem là một trong những vụ tấn công khủng bố chết chóc nhất trong lịch sử thế giới hiện đại.
Trong khi triển khai hàng chục nghìn binh lính tới Afghanistan nhằm săn lùng và tiêu diệt những kẻ cực đoan sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, Mỹ lại có cách tiếp cận khác tại Somalia. Thay vì những đợt triển khai binh lính rầm rộ, Mỹ ưu tiên sử dụng đội ngũ tình báo, tiến hành các cuộc đột kích do lực lượng đặc nhiệm thực hiện cùng với các cuộc không kích bằng máy bay không người lái. “Các nhà thầu tư nhân và tay súng địa phương được tuyển chọn cho các nhiệm vụ nguy hiểm. Sứ mệnh của Mỹ ban đầu chỉ giới hạn ở việc săn lùng các tay súng al-Qaeda đào thoát, sau đó mở rộng sang chống al-Shabab và hỗ trợ Somalia xây dựng lực lượng an ninh”, The New York Times cho biết.
Mặc dù Mỹ hiện là nhà viện trợ nước ngoài lớn nhất cho Somalia, với 500 triệu USD vào năm 2020, nhưng rất ít người dân Somalia thấy được bằng chứng của sự hỗ trợ này. Nguyên nhân là vì các tổ chức đối tác tại Somalia che giấu mối quan hệ với Mỹ để tránh bị al-Shabab trả thù. Ngay cả những túi lương thực viện trợ của Washington cũng không hề có logo Mỹ.
Theo The New York Times, việc lo ngại thương vong đối với lực lượng Mỹ đã dẫn đến “sự phụ thuộc lớn bất thường” của Washington vào các nhà thầu tư nhân, nổi bật nhất là Bancroft Global Development-một công ty an ninh tư nhân của Mỹ. Bancroft Global Development đã thuê các cựu binh, chủ yếu từ Đông Âu, châu Phi, để huấn luyện cho các lực lượng Somalia. Tuy nhiên, hoạt động tài chính của Bancroft Global Development đang nằm trong tầm ngắm khi Chính phủ Mỹ phát hiện những bất thường trong quá trình rà soát hợp đồng huấn luyện cho các lực lượng Somalia và Liên minh châu Phi trị giá 33 triệu USD.
Trong khi đó, các cuộc không kích gia tăng tại Somalia kể từ năm 2017 của quân đội Mỹ khiến nhiều dân thường vô tội bị thiệt mạng. Đơn cử như hồi tháng 2-2020, quân đội Mỹ tuyên bố đã tiêu diệt một kẻ khủng bố sau khi một quả tên lửa của Mỹ đánh trúng một ngôi nhà gần thị trấn Jilib ở miền Nam Somalia. Thế nhưng, vài tháng sau đó, quân đội Mỹ lại lên tiếng thừa nhận đã giết hại nhầm một nữ sinh 18 tuổi và khiến em gái của nữ sinh này bị thương.
The New York Times cho rằng “những sai lầm chết người” kể trên đã phủ bóng đen lên chiến dịch chống khủng bố của Mỹ tại Somalia. Kết quả là al-Shabab “đang mạnh nhất trong nhiều năm qua”. Giới phân tích Mỹ ước tính al-Shabab có khoảng 5.000-10.000 tay súng. Al-Shabab tự tung tự tác ở khu vực nông thôn, đánh bom các thành phố và điều hành cả một mạng lưới với các thủ đoạn tống tiền, thu thuế mà theo ước tính của Chính phủ Mỹ, đã giúp nhóm này bỏ túi ít nhất 120 triệu USD hồi năm ngoái. Phạm vi ảnh hưởng của al-Shabab thậm chí còn vươn tới cả thủ đô Mogadishu.
Mặc dù phủ nhận thất bại, song giới chức chính quyền của Tổng thống Joe Biden thừa nhận còn tồn tại nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện sứ mệnh tại Somalia và cáo buộc chính quyền Mỹ tiền nhiệm đã khiến tình hình tại quốc gia Đông Phi trở nên phức tạp hơn. Những người phản đối cách tiếp cận của Mỹ tại Somalia cho rằng al-Shabab chủ yếu chỉ tập trung vào khu vực Đông Phi và khả năng nhóm này tiến hành tấn công nhằm vào nước Mỹ đã bị thổi phồng. Theo Rohrbach, một thành viên thuộc lực lượng biệt kích SEAL của Hải quân Mỹ, nếu al-Shabab thực sự gây ra mối đe dọa với nước Mỹ, “nguyên nhân cũng là vì sự hiện diện của chúng ta tại Somalia khiến chuyện đó xảy ra”. “Sau khi Tổng thống Donald Trump rút phần lớn trong số 700 lính Mỹ đồn trú tại Somalia hồi tháng 1-2021, hiện còn chưa tới 100 lính Mỹ tại quốc gia này. Sau chiến thắng của lực lượng Taliban tại Afghanistan, các tay súng al-Shabab đã ăn mừng, đồng thời hy vọng rằng cũng có thể chờ cho đến lúc lực lượng nước ngoài rút đi để giành quyền lực tại Somalia. Một số nhà phân tích cho rằng Mỹ cần tính đến một cách tiếp cận hoàn toàn mới tại Somalia để tránh nguy cơ sa lầy vào “một cuộc chiến không có hồi kết” nữa với một kết cục thảm hại”, The New York Times nêu rõ.
Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/quoc-te/nguy-co-sa-lay-52763.html