Nguy cơ sạt lở đất, đá rất lớn trong thời điểm này
BBK -Thời tiết mưa liên tục những ngày qua, đất ngấm nhiều nước khiến nguy cơ về lũ ống, lũ quét, đặc biệt là sạt lở đất, đá xảy ra trên các tuyến đường, đồi núi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Khu dân cư tổ 11A, thị trấn Bằng Lũng (huyện Chợ Đồn) được xếp vào danh mục có nguy cơ sạt lở cao. Tại đây có 4 hộ dân có nhà sát với ta luy dương, độ cao của mái ta luy dương vào khoảng 30m. Mùa mưa năm 2022, đất đồi ta luy dương sạt xuống đã vùi lấp và làm hỏng hoàn toàn căn bếp, công trình phụ của gia đình ông Lê Văn Bình, đe dọa đến nhà cửa của những hộ lân cận. Gia đình ông Bình đã phải bỏ ra số tiền lớn để múc đất sạt, xây kè chống xói lở và sửa lại căn bếp nhưng vẫn chưa hết lo lắng khi mưa lớn.
Ông Đặng Đình Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn cho biết: “Mặc dù là khu vực nguy cơ cao về sạt lở nhưng đến nay huyện vẫn chưa có nguồn kinh phí khắc phục. Trước và trong mùa mưa, địa phương đã chỉ đạo thị trấn cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, chủ động bảo vệ tính mạng và tài sản khi có thiên tai xảy ra. Kiên quyết vận động các hộ đến nơi an toàn nếu tình thế cấp bách”.
Khu vực tổ 1, thị trấn Đồng Tâm (huyện Chợ Mới) được xác định là vùng cấp bách về thiên tai. Khoảng 20 hộ dân ở đây có nhà đang bị đe dọa bởi tình trạng sạt lở đất đá, trong đó có 4 hộ buộc phải di dời khẩn cấp. Huyện đã cắm biển, giăng dây cảnh báo khu vực sạt lở này.
Theo thống kê từ Chi cục Thủy lợi tỉnh Bắc Kạn, toàn tỉnh hiện có 343 điểm và hơn 1.700 hộ nằm trong diện có nguy cơ về sạt lở đất đá, trong đó các điểm có nguy cơ cao như Phiêng Toản, Kéo Pựt (xã Thượng Giáo); Nà Bjoóc, Tẩn Lùng (Đồng Phúc), Bản Nản (Khang Ninh); tiểu khu 4, tiểu khu 6 (thị trấn Chợ Rã), huyện Ba Bể… Tổ 11A, Bản Tàn (thị trấn Bằng Lũng); thôn Nà Dạ, Nà Bản (Xuân Lạc); thôn Trung Tâm (xã Đại Sảo), huyện Chợ Đồn…
Huyện Ngân Sơn có Đèo Gió, Khu II (Vân Tùng); Khuổi Tục, Nà Chúa (xã Thuần Mang)… Chợ Mới gồm thôn Nà Đon, Nà Sao, Chợ Tinh 2 (Yên Hân): thôn Bản Đồn, Bản Giác (Hòa Mục); tổ 1, tổ 2, tổ 7 (thị trấn Đồng Tâm)…
Huyện Pác Nặm gồm thôn Nặm Mây (Bộc Bố); thôn Phiêng Tạc, Ngảm Váng, Nặm Khiếu (xã Nhạn Môn)…Huyện Na Rì có thôn Cốc Phia, Nà Lẹng (Văn Lang); khu Nà Tà, Nà Coóc, Nà Nạn thôn Bản Lài (Côn Minh); thôn Khuổi Kheo (xã Dương Sơn)…Huyện Bạch Thông gồm thôn Bản Chiêng (xã Đôn Phong); Khuổi Đẳng, Pù Cà (Sỹ Bình); Tân Hoan, Bản Lạnh (Tân Tú)…. Thành phố Bắc Kạn có thôn Nam Đội Thân, Khuổi Chang (Nông Thượng); tổ 4, tổ 11B, 11C (phường Đức Xuân); tổ 16, (phường Sông Cầu)...
Toàn tỉnh có 343 điểm với hơn 1.700 hộ nằm trong diện có nguy cơ về sạt lở đất, đá. Về đường giao thông có một số tuyến như: Quốc lộ 3, Quốc lộ 3B, đường tỉnh 258B… Ngoài ra còn có 16 điểm sạt lở bờ sông, suối đặc biệt nguy hiểm.
Địa hình của Bắc Kạn chủ yếu là đồi núi, giao thông hiểm trở, nhiều tuyến mới mở, tình trạng san ủi, lấp đất cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng sạt lở. Luôn tiềm ẩn rủi ro thiệt hại về người và tài sản. Tháng 6 vừa qua một cháu bé ở xã Bình Trung (Chợ Đồn) bị tử vong do đất sạt vùi lấp là bài học đau xót về công tác phòng, chống thiên tai.
Theo dự báo những ngày tới thời tiết tiếp tục có mưa, đất đá bị ngấm nước khiến kết cấu đất rời rạc, nhão, dễ sạt lở. Vì vậy để giảm thiểu rủi ro, ngành chức năng phải thường xuyên kiểm tra, rà soát các điểm, công trình có nguy cơ cao về sạt lở. Yêu cầu cắm biển cảnh báo ở những khu vực xung yếu, tăng cường tuyên truyền, cập nhật và phổ biến kịp thời bản tin thời tiết, cảnh báo từ xa, từ sớm để người dân chủ động phòng tránh. Sẵn sàng về lực lượng, phương tiện nhằm hỗ trợ rủi ro khi có thiên tai, sạt lở đất xảy ra. Khuyến cáo người dân hạn chế đi lại khi trời mưa lớn, tránh xa khu vực có nguy cơ sạt lở cao…/.