Nguy cơ sạt lở ở Đà Lạt: Không thể xem thường!

Ghi nhận của PV Pháp Luật TP.HCM sau vụ sạt lở nghiêm trọng vào ngày 29-6 cho thấy nhiều khu vực tại TP Đà Lạt có nguy cơ sạt lở cao khi mưa lớn kéo dài.

Vụ sạt lở nghiêm trọng vào rạng sáng 29-6 tại hẻm 36 đường Hoàng Hoa Thám (phường 10, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) đã gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, đây không phải là vụ sạt lở duy nhất ở khu vực này. Trước đó, nhiều vụ sạt lở đã được ghi nhận.

Những vụ sạt lở khiến dân “kinh hồn bạt vía”

Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi trở lại vị trí xảy ra sạt lở ở phường 10, nơi xảy ra tai nạn thương tâm làm hai người chết, năm người bị thương, hiện trường đã được giăng dây, cảnh báo không cho người lạ tiếp cận. Các công tác khắc phục hậu quả và đánh sập các đoạn taluy còn sót lại vẫn được tiếp tục.

Sau khi chụp ảnh và ghi nhận khu vực này xong, người dân bất ngờ cho chúng tôi biết chỉ cách đây 300-400 m theo hướng đường Khe Sanh về đường Hùng Vương, cách đây hơn 1,5 năm, tháng 11-2021 cũng xảy ra một vụ sạt lở khiến người dân “kinh hồn bạt vía”.

Bà Lan (ngụ số 2 đường Khe Sanh, phường 10, TP Đà Lạt) kể chiều 12-11-2021, trong lúc sinh hoạt trong nhà trên đường Khe Sanh, bà cũng như nhiều người dân tá hỏa phát hiện dấu hiệu sạt lở đất liền tháo chạy ra ngoài. Chừng 30 phút sau, hàng trăm khối đất trôi xuống thung lũng, sâu hơn 50 m. Bờ taluy đá, cây cối và một căn nhà cấp 4 bị vùi lấp, may mắn không gây thương vong.

Vụ sạt lở gây rung lắc trên diện rộng khiến bảy căn nhà 3-4 tầng xung quanh, trong đó có một số khách sạn bị nứt toác, trơ móng. Hơn 20 người, bao gồm cả du khách đang lưu trú phải di dời khẩn cấp. Lúc đó, Đà Lạt cũng được ghi nhận có mưa lớn nhiều ngày.

“Tôi còn nhớ rõ khi đó mọi người kêu nhau tháo chạy ra ngoài, nhà tôi cũng bị sạt lở, rất may không sao. Mấy hôm nay nghe tin khu vực đèo Mimosa này tiếp tục có sạt lở còn có người chết, tội quá. May khu vực của chúng tôi đã được chính quyền gia cố rất kỹ sau sự cố hồi đó” - bà Lan nói.

Chỉ về con dốc bậc thang được gia cố sau nhà, bà Lan cho biết cơ quan chức năng đã cho gia cố rất kỹ trên khoảng đất rất rộng phía sau các căn nhà, làm cả cống thoát nước, có cả các cột ghi nhận rung chấn, cảnh báo khi cần thiết, ở mỗi bậc thang là các rọ đá với lưới gia cố cẩn thận.

Một vụ sạt lở khác là vào tháng 7-2020, cơn mưa lớn ở Đà Lạt gây sạt lở taluy nhà, nhiều cây xanh bật gốc, hàng chục du khách phải sơ tán khỏi khách sạn. Sự việc này xảy ra trên đường Ngô Thì Sỹ (phường 4, TP Đà Lạt).

Thời điểm đó, mưa lớn làm bờ taluy dài 16 m, cao 4 m với kết cấu cọc khoan nhồi bằng bê tông bị sụt lún, đổ xuống dưới. Một khách sạn bốn tầng có nguy cơ sập. Để bảo đảm an toàn, UBND TP Đà Lạt yêu cầu sơ tán toàn bộ 44 người, trong đó có 30 du khách ra khỏi khu vực sạt lở.

Công trình tại đường Khe Sanh (phường 10, TP Đà Lạt) được gia cố sau vụ sạt lở nghiêm trọng vào tháng 11-2021. Ảnh: VÕ TÙNG

Công trình tại đường Khe Sanh (phường 10, TP Đà Lạt) được gia cố sau vụ sạt lở nghiêm trọng vào tháng 11-2021. Ảnh: VÕ TÙNG

Ghi nhận của PV hiện nay, dọc theo đèo Mimosa, cách điểm xảy ra sự cố chiều 29-6 khoảng 500 m, nhiều điểm có nguy cơ sạt lở có thể nhìn rõ bằng mắt thường. Có nơi đất sạt lở bung các gốc rễ cây lớn lên, các mảng đất trượt còn dấu vết rõ ràng… Trong khi đó, phía trên đồi vẫn có các công trình xây kiên cố.

Hiện nay, với một đô thị nén mật độ cao như Đà Lạt, không khó để thấy cảnh nhà chồng nhà, cư dân sống cheo leo, phía trước mặt là thung lũng, sau lưng là đồi cao, như khu vực đồi Dinh (Hòa Bình), đường Đống Đa (phường 3)…

Tỉnh Lâm Đồng đang cho rà soát

Trao đổi với PV ngày 4-7, ông Võ Ngọc Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Chúng tôi đã giao UBND các huyện, TP khẩn trương chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc rà soát, kiểm tra. Qua đó, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, công trình khi mưa lớn kéo dài”.

Theo ông Hiệp, việc khảo sát, kiểm tra ở nhiều nơi, nhất là các khu dân cư, trường học, trụ sở cơ quan, doanh trại, công trường, khu vực khai thác khoáng sản... Qua đó, tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động sơ tán, di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm nếu phát hiện nguy cơ sạt lở đất.

Trước đó, ngày 3-7, UBND TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã quyết định tạm đình chỉ công tác của ông Trần Văn Hiếu, Chủ tịch UBND phường Lộc Sơn, trong thời gian 15 ngày (từ ngày 4-7-2023).

Ông Hiếu được xác định thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Trong đó, nghiêm trọng nhất là để xảy ra vi phạm liên quan đến công trình xây dựng kè taluy tại hẻm 377 đường Trần Phú, phường Lộc Sơn.

Theo lãnh đạo UBND TP Bảo Lộc, cơ quan này tạm đình chỉ công tác của ông Hiếu để làm rõ các vi phạm liên quan đến công trình xây dựng kè taluy nói trên của các tổ chức, cá nhân liên quan, trong đó có cá nhân ông Hiếu.

Tại bờ kè taluy vi phạm, cơ quan chức năng xác định taluy này có độ cao rất lớn, kết cấu không đảm bảo an toàn và nguy cơ đổ sập khi có mưa lớn là rất cao. Hiện đã nứt vách bê tông, cong vênh bờ taluy. Trong khi đó, phía bên dưới chân bờ kè taluy có nhà dân đang sinh sống.•

Đô thị nén và nguy cơ sạt lở

Theo kiến trúc sư Trần Công Hòa, Trường ĐH Yersin Đà Lạt, Đà Lạt có nền đất bazan yếu, do đó cần có các quy chuẩn xây dựng để công trình đảm bảo an toàn. “Tỉnh Lâm Đồng cần xem lại mật độ xây dựng, bởi việc dồn nén công trình như ở nội ô TP Đà Lạt hiện nay cũng có thể xem là một trong những nguyên nhân có nguy cơ sạt lở” - ông Hòa nói.

Trong báo cáo về những kết quả nghiên cứu chính trong lĩnh vực khoa học tự nhiên của Chương trình Tây Nguyên 3 có đánh giá Tây Nguyên là vùng đất màu mỡ với loại đất bazan chiếm tới 20%.

Theo nhóm nghiên cứu của Chương trình Tây Nguyên 3, có nhiều quá trình tự nhiên dẫn đến thoái hóa đất: Quá trình xói mòn và rửa trôi bề mặt, quá trình rửa trôi và tích tụ sét… Để đánh giá định lượng mức độ và quy mô của thoái hóa đất ở Tây Nguyên, với các số liệu phân tích chất lượng đất mới và hỗ trợ của công nghệ GIS, nhóm nghiên cứu đã xây dựng bản đồ thoái hóa đất ở Tây Nguyên với hai dạng: Thoái hóa đất tiềm năng và thoái hóa đất hiện tại.

Kết quả tính toán cho thấy diện tích thoái hóa đất tiềm năng ở cấp độ mạnh và rất mạnh chiếm hơn 1,8 triệu ha (khoảng 34% tổng diện tích Tây Nguyên). Trong đó, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng là những tỉnh có diện tích đất nguy cơ thoái hóa cao. Trước đây, Chương trình Tây Nguyên 2 cũng nhận định: Đất Tây Nguyên bị thoái hóa bởi sự xói mòn tự nhiên và khai thác không hợp lý của con người.

KIÊN CƯỜNG - VÕ TÙNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguy-co-sat-lo-o-da-lat-khong-the-xem-thuong-post740833.html