Nguy cơ tái bùng phát dịch bạch hầu

Một nữ sinh tạm trú ở Bắc Giang vừa thi tốt nghiệp THPT được xác định dương tính với bạch hầu, loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng gây dịch.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang cho biết, địa phương này vừa phát hiện một trường hợp dương tính với bạch hầu, loại bệnh nhiễm trùng - nhiễm độc, lây theo đường hô hấp và có khả năng gây dịch.

Tiêm vắc-xin ho gà là biện pháp quan trọng nhằm phòng, chống dịch bệnh.

Tiêm vắc-xin ho gà là biện pháp quan trọng nhằm phòng, chống dịch bệnh.

Trường hợp vừa có kết quả dương tính với bạch hầu là M.T.B, 18 tuổi. Chị B. hiện tạm trú tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang; có địa chỉ thường trú tại xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

Trước đó, ngày 6/7, CDC Bắc Giang nhận được thông tin từ CDC Nghệ An về trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu tại huyện Kỳ Sơn.

Qua điều tra dịch tễ, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An xác định có 2 trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, đang tạm trú tại xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Đó là chị M.T.B và M.T.S, cùng 18 tuổi.

Ngay sau khi nhận được thông báo, CDC Bắc Giang phối hợp Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa tiến hành giám sát, điều tra các trường hợp tiếp xúc gần, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm.

Kết quả bước đầu, từ ngày 25-28/6, chị B. và S. về Nghệ An thi tốt nghiệp THPT và ở cùng phòng với ca bệnh tử vong. Đến ngày 1/7, cả hai bắt xe từ huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) về huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang).

Đến ngày 5/7, khi biết thông tin bạn cùng phòng tử vong do bạch hầu, đồng thời có biểu hiện đau họng, chị B. và chị S. chủ động ra hiệu thuốc mua kháng sinh uống.

Sau khi xác định dương tính với bạch hầu, chị B. được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) điều trị do hiện tỉnh Bắc Giang không còn huyết thanh kháng độc tố bạch hầu.

Từ ca bệnh nêu trên, Sở Y tế Bắc Giang yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương xử lý môi trường tại các khu vực có nguy cơ cao; tăng cường rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, thực hiện cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính (mỗi mẫu bệnh phẩm được lấy cách nhau 24 giờ và không quá 24 giờ sau khi điều trị kháng sinh).

Hiện chị S. và các trường hợp có tiếp xúc gần với ca bệnh B. đã được đưa vào khu vực cách ly. Theo yêu cầu của lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, các trường hợp này được điều trị dự phòng bằng kháng sinh 7 ngày và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định.

Các đơn vị chức năng tại Bắc Giang cũng được yêu cầu chuẩn bị đầy đủ sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh bạch hầu xảy ra.

Ngoài ra, các trạm y tế trên toàn tỉnh khẩn trương rà soát các đối tượng trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ 3 mũi vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - Hib và DPT4 để tổ chức tiêm bù, tiêm vét...

Được biết, vài năm trở lại đây, tại Tây Nguyên, một số tỉnh miền núi phía Bắc có ca bệnh trở lại. Hầu hết các địa phương này thuộc vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh giảm hoặc gián đoạn dẫn đến số ca bệnh tăng.

Mới đây, sau gần 20 năm không xuất hiện ca bệnh, tỉnh Hà Giang đã ghi nhận hơn 30 ca mắc bạch hầu, trong đó có trường hợp tử vong. Ngoài ra, Thái Nguyên cũng ghi nhận 2 ca mắc bạch hầu. Trước đó, vừa qua tỉnh Điện Biên ghi nhận 3 trường hợp mắc bạch hầu, có 1 ca tử vong.

Trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh bạch hầu thuộc nhóm B, là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Thực tế, ngay cả khi được điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh cũng lên tới 5-10%.

Bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae. Đây là một trong những căn nguyên gây tử vong hàng đầu trong thế kỷ XIX và những năm đầu thế kỷ XX.

Bệnh có thời gian ủ bệnh khoảng 2-5 ngày. Trong thời gian này, người bệnh không có biểu hiện. Bệnh dễ lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bệnh.

Với các triệu chứng ban đầu như viêm thanh quản, nổi hạch dưới hàm, đau họng..., bệnh có thể diễn tiến thành viêm phổi, viêm dây thần kinh, suy tim, viêm kết mạc... gây tử vong sau 6-10 ngày. Tỷ lệ tử vong có thể lên tới khoảng 5-10% và lên đến 20% ở trẻ dưới 5 tuổi, người lớn trên 40 tuổi khi mắc bệnh.

Ở Việt Nam, thời kỳ chưa thực hiện tiêm vắc-xin, bệnh bạch hầu thường xảy ra và gây dịch ở hầu hết các địa phương, đặc biệt là ở nơi có mật độ dân cư cao. Bệnh xuất hiện nhiều vào các tháng 8, 9, 10 trong năm. Sau khi có vắc-xin, tỷ lệ mắc bệnh giảm xuống dưới 0,01/100.000 dân.

Theo chuyên gia, tim là bộ phận dễ bị biến chứng nghiêm trọng nhất. Khoảng 30% bệnh nhân bạch hầu thể nặng có biến chứng viêm cơ tim, loạn nhịp tim, suy tim và tử vong.

Tiếp theo, bạch hầu có thể gây ra các biến chứng thần kinh, chiếm khoảng 5% trong tổng số ca bệnh nặng. Bệnh có thể gây tổn thương hệ thần kinh ngoại vi và cả hệ thần kinh trung ương.

Nhóm người có nguy cơ tử vong cao thường dưới 15 tuổi, trên 40 tuổi, nhóm người có biến chứng thận và tim mạch, người có sức khỏe yếu, bị suy giảm miễn dịch hoặc bệnh nhân đang đặt phương tiện hỗ trợ trong cơ thể, ví dụ thay van tim nhân tạo hoặc đặt shunt ở não thất, đặt catheter ở tĩnh mạch.

Hiện nay, vắc-xin là biện pháp nhanh chóng, tiết kiệm và an toàn để phòng bệnh bạch hầu. Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, từ khi vắc-xin ngừa bạch hầu-ho gà-uốn ván được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 1981, số ca bạch hầu tại nước ta đã giảm mạnh.

Trong nhiều năm trở lại đây, bệnh quay trở lại với các ca bệnh rải rác ở các tỉnh miền trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, các tỉnh Tây Nguyên, gần đây là các tỉnh miền núi phía bắc. Qua điều tra dịch tễ, đây đều là các vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Vắc-xin phòng bạch hầu có trong tất cả các vắc-xin kết hợp 2 trong 1; 3 trong 1; 4 trong 1; 5 trong 1; 6 trong 1. Vắc-xin 6 trong 1 và 5 trong 1 có thể tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuần tuổi đến 2 tuổi. Vắc-xin 4 trong 1 có thể tiêm cho trẻ từ 2 tháng đến dưới 7 tuổi.

Vắc-xin 3 trong 1 có thể tiêm cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn. Ngoài ra, vắc-xin 2 trong 1 ngừa bạch hầu, uốn ván có thể tiêm cho trẻ từ 7 tuổi đến người lớn.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nguy-co-tai-bung-phat-dich-bach-hau-d219502.html