Nguy cơ thảm họa hạt nhân từ xung đột ở Ukraine

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine không chỉ tạo những tác động khó lường từ khía cạnh an ninh, kinh tế, mà còn có thể gây ra thảm họa hạt nhân sau sự kiện một cơ sở của Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine bị cháy do hoạt động quân sự.

Cháy tại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Ukraine

Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 4-3 đã kêu gọi Nga và Ukraine không giao tranh tại khu vực gần Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, cảnh báo “đặc biệt nguy hiểm” nếu nhà máy điện hạt nhân lớn nhất của Ukraine này bị tổn hại.

IAEA đưa ra cảnh báo trên sau khi có thông tin Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nằm bên bờ sông Dnieper đã bị cháy sau một hoạt động quân sự. Theo một quan chức của Ukraine, điểm bị cháy là tòa nhà 5 tầng dùng cho mục đích đào tạo thuộc Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở thành phố Energodar. Đám cháy sau đó đã được khống chế và dập tắt.

Toàn cảnh Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine

Toàn cảnh Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine

IAEA cho biết, các thiết bị thiết yếu tại nhà máy này không bị ảnh hưởng sau vụ hỏa hoạn, không có sự thay đổi về mức độ phóng xạ tại khu vực và hiện các nhân viên nhà máy đang thực hiện các hành động giảm nhẹ/khắc phục hư hại. Trước đó, ông Rafael Grossi - Tổng Giám đốc IAEA cho biết, phía Nga đã thông báo với cơ quan này về việc binh sĩ của họ đã kiểm soát khu vực xung quanh Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya. Phía Nga khẳng định, nhân viên người Ukraine tại Nhà máy Zaporizhzhya vẫn tiếp tục làm việc bình thường “nhằm đảm bảo an toàn hạt nhân và giám sát nồng độ phóng xạ”.

Tọa lạc tại thành phố Enerhodar, phía Tây Bắc tỉnh Zaporizhzhia, Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia không chỉ là lớn nhất của Ukraine mà còn cả của châu Âu. Cơ sở này còn nằm trong top 10 nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới. Quyết định xây dựng nhà máy được Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đưa ra năm 1977. Các lò phản ứng hạt nhân được khởi công từ năm 1980. 5 lò phản ứng đầu tiên được khánh thành trong giai đoạn 1985 - 1989, trong khi lò phản ứng thứ 6 hoàn thành năm 1995, sau khi Liên Xô sụp đổ.

“Các nhà máy điện hạt nhân không được thiết kế cho các vùng chiến sự. Các cơ sở hạt nhân của Ukraine có thể trở thành mục tiêu trong chiến dịch quân sự và dẫn tới gián đoạn hoạt động”.

Chuyên gia James M. Acton (Nhà phân tích hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế - Carnegie Endowment for International Peace)

Theo số liệu của Công ty năng lượng nguyên tử quốc gia Ukraine (Energoatom), Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia có 6 lò phản ứng hạt nhân theo công nghệ nước áp lực (PWR), mỗi lò có công suất 1.000 MW. Mặc dù tổng công suất thiết kế của nhà máy đạt 6.000 MW nhưng phải đến tháng 1-2021, nhà máy mới hoạt động hết công suất lần đầu trong lịch sử sau khi lò phản ứng số 5 được sửa chữa, cũng như một đường dây 750 KV kết nối nhà máy với mạng điện bên ngoài được khánh thành. Trước đó, công suất của nhà máy chỉ đạt tối đa 5.300 MW.

Hiện nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đóng góp khoảng 1 phần 5 sản lượng điện hàng năm của Ukraine và khoảng 47% sản lượng điện của hệ thống năng lượng nguyên tử nước này. Theo số liệu được cơ sở này cung cấp từ đầu năm 2014, có khoảng 11.500 người lao động làm việc trong nhà máy,

Vị trí Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (Đồ họa: Guardian)

Vị trí Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (Đồ họa: Guardian)

Nguy cơ tái hiện thảm họa hạt nhân Chernobyl?

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nằm cách vùng chiến sự tại Donbass khoảng 200km, do đó không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc xung đột trước đây giữa Chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai miền Đông. Tuy nhiên, khi chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nguy cơ này đang tăng lên do nhà máy nằm ở phía Đông Nam Ukraine, ở vị trí giữa các thành phố Kherson (đã rơi vào tay quân đội Nga) và Marioupol (đang bị bao vây).

Vụ trung tâm đào tạo của Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bị cháy do hoạt động quân sự cho thấy nguy cơ thảm họa hạt nhân từ các nhà máy điện hạt nhân là hoàn toàn có thể xảy ra. Theo một quan chức của Ukraine, vì đám cháy ở Nhà máy Zaporizhzhia gần với một lò phản ứng đã ngưng hoạt động nhưng vẫn còn chứa các nguyên liệu hạt nhân, nên không loại trừ khả năng xảy ra rò rỉ, dù khả năng này là rất thấp. Theo các chuyên gia, lò phản ứng hạt nhân là những cấu trúc lớn, kín và được xây bằng bê tông. Chúng không bắt lửa nhưng nếu một đám cháy xảy ra phá vỡ cấu trúc của lò phản ứng thì nó có thể trở nên nguy hiểm.

6 lò phản ứng của Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia

6 lò phản ứng của Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia

Ngay cả khi các lò phản ứng không bị tấn công, mối đe dọa với nhà máy điện hạt nhân vẫn có thể xảy ra. Nhà máy Zaporizhzhia có 6 lò phản ứng và được xem là có khả năng chống lại cả việc máy bay rơi trúng. Nhưng việc điện bị cắt và các máy phát điện phụ không hoạt động dẫn đến tình trạng không thể thực hiện quy trình làm nguội và như vậy có thể gây ra thảm họa. Theo nguyên tắc, lò phản ứng phải liên tục được làm mát. Nếu điện hoặc nước ở nhà máy điện hạt nhân bị cắt, quá trình làm mát sẽ dừng lại, phản ứng dây chuyền hạt nhân sẽ không thể kiểm soát được, việc tan chảy nhiên liệu có thể diễn ra trong vòng một vài ngày hoặc một vài giờ, tùy thuộc vào mức độ phóng xạ của lò phản ứng, giải phóng ra một lượng lớn phóng xạ.

Ngoài các lò phản ứng, Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia còn có một kho chứa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Nó bao gồm khoảng 150 thùng chứa nhiên liệu hạt nhân. Nếu đạn bắn trúng những thùng chứa đó, Ukraine cũng sẽ phải đối mặt với một thảm họa hạt nhân. Trong quá khứ, Ukraine từng phải đối mặt với thảm họa hạt nhân Chernobyl. Ngày 26-4-1986, một vụ đã xảy ra tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (Liên Xô), phá hủy hoàn toàn lò phản ứng của tổ máy điện thứ tư và một lượng lớn chất phóng xạ đã được thải ra môi trường. Đây là vụ tai nạn lớn nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân cả về số người thiệt mạng, thiệt hại về kinh tế và hậu quả của nó.

Trước khi vụ tai nạn xảy ra, lò phản ứng của tổ máy thứ tư chứa 180 - 190 tấn nhiên liệu hạt nhân (uranium dioxide). Theo các ước tính hiện được coi là đáng tin cậy nhất, từ 5-30% khối lượng này được cho đã bị thất thoát vào không khí. Đám mây từ lò phản ứng đang cháy mang theo nhiều chất phóng xạ khác nhau, chủ yếu là hạt nhân phóng xạ Iod và Caesium, trên hầu hết châu Âu. Toàn bộ hơn 115 nghìn người đã được sơ tán khỏi khu vực cấm 30km xung quanh Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, hơn 600.000 người đã được huy động để khắc phục hậu quả.

Trong 3 tháng đầu tiên sau vụ nổ, có 31 người chết, 19 người khác chết từ năm 1987 đến 2004 có thể do hậu quả trực tiếp. Khoảng 5 triệu hecta đất nông nghiệp và một khu vực bán kính 30km được tạo ra xung quanh nhà máy điện hạt nhân đã bị hủy canh tác, hàng trăm khu định cư nhỏ cùng phương tiện giao thông cơ giới và ô tô cá nhân... đã bị phá hủy và chôn vùi. Liên Xô đã phải quyết định từ bỏ trạm radar Duga số 1, một trong những thành tố chính của hệ thống phòng thủ chống tên lửa của nước này.

Hoàng Sơn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nguy-co-tham-hoa-hat-nhan-tu-xung-dot-o-ukraine-post497469.antd