Nguy cơ thiếu hụt lao động du lịch sau đại dịch Covid-19

Dịch Covid-19 khiến phần lớn lao động trong lĩnh vực du lịch phải nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội mới, điều này tạo ra khoảng trống khó lấp đầy, khiến ngành du lịch đứng trước nguy cơ thiếu lao động sau đại dịch.

Năm 2019, tỉnh Lào Cai có khoảng 32.000 lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, trong đó có 14.500 lao động trực tiếp và 17.500 lao động gián tiếp. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, các cơ sở kinh doanh du lịch buộc phải cho nhân viên nghỉ việc. Do phải nghỉ việc quá lâu, không nhận được sự hỗ trợ cần thiết, áp lực cuộc sống khiến nhiều lao động du lịch có xu hướng chuyển hẳn sang nghề mới.

Nhân sự phục vụ du lịch có nguy cơ thiếu hụt.

Nhân sự phục vụ du lịch có nguy cơ thiếu hụt.

Theo ông Lê Anh Đại, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, ước tính có 80% - 90% lao động trong lĩnh vực du lịch phải nghỉ việc vì các cơ sở không có khách hoặc phải dừng hoạt động. Ban đầu, nhiều doanh nghiệp giữ lại bộ máy chủ chốt để chờ cơ hội khôi phục lại khi dịch bệnh được kiểm soát, nhưng dịch bệnh kéo dài, khó dự đoán, khó khống chế nên bắt buộc các doanh nghiệp phải “nhả người”, để lao động có thể hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp cũng như tìm kiếm cơ hội việc làm mới.

Khi dịch bệnh được kiểm soát ở một số địa phương, du lịch nội địa dần mở cửa trở lại cũng là lúc các cơ sở kinh doanh “khát” lao động. Để chuẩn bị các điều kiện cần thiết, sẵn sàng đón khách du lịch, nhiều cơ sở đã lên kế hoạch tuyển dụng nhân sự sớm nhưng khó khăn. Nguyên nhân là do nhiều lao động đã chuyển sang ngành nghề khác, một số lao động ngoài tỉnh không thể trở lại làm việc vì chưa được tiêm vắc-xin, số lượng lao động chưa qua đào tạo lớn, chất lượng lao động chưa cao, khả năng phục hồi trong thời gian ngắn còn chậm… khiến lao động chưa mặn mà với ngành du lịch ở thời điểm hiện tại.

Ông Phạm Cao Vỹ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sa Pa chia sẻ: Đối với lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, việc tuyển dụng nhân sự gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là lao động phục vụ, buồng phòng, lao động phổ thông, bởi đa số trước đây đã nghỉ và có việc làm mới. Họ không muốn trở lại nghề khi tình hình dịch bệnh phức tạp, cơ hội du lịch phục hồi cũng rất thấp. Nhiều lao động ngoại tỉnh khi nghỉ việc đã trở về địa phương, chưa tiêm đủ các mũi vắc-xin, chưa có phương tiện di chuyển cũng khó có thể trở lại Lào Cai để làm việc ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nhóm nhân sự cấp quản lý, nhân viên kinh doanh lĩnh vực khách sạn lại có thể tuyển được gần như ngay lập tức vì đa số họ vẫn có mặt tại Lào Cai. Sự thiếu hụt về nhân sự khi du lịch phục hồi chắc chắn sẽ xảy ra nếu các cấp, các ngành và cơ sở kinh doanh không có giải pháp từ thời điểm này.

Khác với lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, các đơn vị kinh doanh lữ hành lại không thiếu lao động phổ thông, nhưng khó tuyển dụng nhân sự chất lượng cao. Đối với lĩnh vực này, các cơ sở mong tìm được nhân sự chất lượng, có nhóm khách hàng lớn, quan hệ rộng để kết nối tour, tuyến, giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng phục hồi. Tuy nhiên, do thời điểm dịch bệnh khó khăn, nhiều lao động vững tay nghề đã nghỉ hẳn hoặc chuyển sang môi trường làm việc khác. Họ đã có sự ổn định với công việc mới và không muốn mạo hiểm đánh đổi vị trí việc làm hiện tại để trở về nghề cũ khi tình hình du lịch chưa mấy khả quan.

Là giám đốc doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành ở Lào Cai, ông Lê Anh Đại trăn trở: Chúng tôi đã thăm dò một số nhân sự có tay nghề trước đây của công ty, nhưng họ không có ý định trở lại nghề. Còn đối với lao động phổ thông, thực sự doanh nghiệp không muốn huy động, bởi họ không có tay nghề, làm việc kém hiệu quả. “Chúng tôi đã tìm hiểu các gói hỗ trợ lao động nhưng do điều kiện bất cập với thực tế nên doanh nghiệp đành khoanh tay đứng nhìn. Rất mong các nhà hoạch định chính sách đưa ra các giải pháp để chúng tôi có thể tiếp cận, hỗ trợ lao động, tạo đà phục hồi sau đại dịch” - ông Đại nói.

Thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đã sẵn sàng triển khai kế hoạch phục hồi du lịch sau đại dịch. Đứng trước nguy cơ thiếu lao động, ngành du lịch cần có phương án cụ thể, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và cơ sở đào tạo đẩy mạnh công tác đào tạo lao động, nâng cao tay nghề, bổ sung lượng lao động thiếu hụt khi hoạt động du lịch sôi động trở lại.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/349703-nguy-co-thieu-hut-lao-dong-du-lich-sau-dai-dich-covid19