Nguy cơ thiếu thuốc gây tê cho bệnh nhân răng - hàm - mặt
Một số bệnh viện, phòng khám nha khoa phản ánh về việc thuốc gây tê được dùng phổ biến đang cháy hàng do nguồn cung đứt gãy. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, mặt hàng này có tới 5 số đăng ký được cấp phép
Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về nguy cơ thiếu thuốc gây tê trong điều trị nha khoa tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương. Hiện lượng thuốc tê dự trữ tại bệnh viện này còn khoảng 2.000 ống, đủ dùng trong khoảng 2 tuần tới, trong khi mỗi ngày bệnh viện điều trị cho khoảng 1.000 bệnh nhân. Với 2/3 dịch vụ ngoại trú phải sử dụng thuốc tê, bệnh viện đang phải chật vật xoay xở.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương, cho biết hiện có 3 loại thuốc gây tê được sử dụng trong nha khoa cung ứng vào bệnh viện. Loại thuốc tê có nguy cơ khan hiếm là thuốc tê chuyên dụng dành cho nha khoa, trong đó chứa Lidocain 2%. Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi, bệnh viện đã liên hệ với các nhà cung ứng khác cung cấp thuốc tê nồng độ adrenaline 4%. Loại thuốc này tốt và đắt hơn thuốc tê đang dùng và dùng thuốc thay thế xen kẽ, phù hợp trong điều trị. "Thuốc tê không phải chỉ có một loại, nếu không có loại này thì có loại khác thay thế để bảo vệ quyền lợi cho người bệnh, không để bệnh nhân bị gián đoạn điều trị" - PGS Bính nói.
Tương tự, đại diện một số phòng khám răng hàm mặt cũng cho biết hiện 2 thuốc gây tê có xuất xứ từ Pháp gồm Lino-cain và Adelanin (bao bì màu đỏ) rất khan hiếm. Tình trạng này diễn ra hơn 1 tháng qua. Do không mua được loại thuốc này nên một số bệnh viện và phòng khám phải chuyển sang mua và sử dụng loại của Hàn Quốc. "Thuốc của Pháp thì hiệu quả điều trị tốt hơn và phản ứng phụ cũng thấp hơn, tuy nhiên do thị trường khan hiếm nên một số loại thuốc tê dùng trong nha khoa đã bị đẩy giá tăng tới 1,5 lần. Cũng có khan hiếm thuốc nên có những bệnh nhân chưa cần thiết điều trị ngay, bệnh viện hoặc phòng khám cũng trì hoãn chờ thuốc về" - một bác sĩ chia sẻ.
Theo một số bệnh viện, nguyên nhân của việc chậm cung ứng thuốc là do giấy phép nhập khẩu thuốc tê đã hết hạn từ tháng 3-2022, chờ thủ tục hoàn thiện từ Cục Quản lý dược (Bộ Y tế). Về vấn đề này, đại diện Bộ Y tế cho biết bộ này đã nhận được công văn của Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương về tình hình cung ứng thuốc gây tê của bệnh viện. "Đối với mặt hàng thuốc gây tê hiện có 5 số đăng ký khác nhau, do đó các cơ sở y tế có thể dùng xen kẽ hoặc thay thế bằng các loại thuốc khác tương tự. Tuy nhiên, kể cả loại thuốc mà các bệnh viện phàn nàn là thiếu hiện vẫn còn hơn 4.000 lọ có thể đủ dùng trong một vài tuần. Cục Quản lý dược đang rà soát, xem xét hồ sơ của đơn vị nhập khẩu. Dự kiến, một vài ngày tới giấy phép nhập khẩu của đơn vị này sẽ tiếp tục được gia hạn" - đại diện Bộ Y tế thông tin.
Xử lý dứt điểm việc gia hạn đăng ký lưu hành thuốc
Sáng 21-9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bộ Y tế, các hiệp hội, doanh nghiệp trong nước, nước ngoài về tình hình, kết quả thực hiện chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định 376/QĐ-TTg, ngày 17-3-2021, của Thủ tướng Chính phủ.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu lớn nhất của chiến lược phát triển công nghiệp dược là bảo đảm có đủ thuốc tốt, giá hợp lý nhất cho người dân. Ông lưu ý Bộ Y tế cần sửa Luật Dược nhanh nhất có thể. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế xử lý dứt điểm vấn đề gia hạn số đăng ký lưu hành thuốc; khẩn trương có báo cáo về cơ chế tham chiếu thuốc phát minh (biệt dược gốc) trong đăng ký lưu hành thuốc; sớm hoàn thành quy định về phí thẩm định hồ sơ cấp phép số đăng ký lưu hành thuốc… Bộ Y tế cần họp, làm việc định kỳ với hiệp hội, doanh nghiệp dược phẩm, các bộ, ngành liên quan để xử lý ngay những vấn đề cụ thể phát sinh trong thực tiễn.
Theo Bộ Y tế, thuốc trong nước hiện chiếm 45% tổng giá trị tiền thuốc điều trị. 228 nhà máy sản xuất dược đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, trong đó 14,3% tự động hóa hoàn toàn, 68,1% có thiết bị tự động.