Nguy cơ tổn thương tâm lý của nhân viên y tế hậu Covid-19
Dịch Covid-19 kéo dài không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, tâm lý của các y bác sĩ cũng bị tác động.
Trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, nước ta đã ghi nhận hàng trăm nghìn ca nhiễm cùng hơn 20.000 bệnh nhân tử vong. Bộ Y tế và các địa phương đã huy động khoảng 24.000 cán bộ, nhân viên y tế, học viên, sinh viên ngành y tế và lực lượng tình nguyện viên tham gia hỗ trợ TP.HCM cùng một số tỉnh, thành phố phía Nam chống dịch Covid-19.
Đến nay, tình hình dịch bắt đầu có những dấu hiệu tích cực, nhiều đoàn chi viện đã được phép rút về địa phương để chuẩn bị cho kế hoạch sống chung an toàn với SARS-CoV-2. Dẫu vậy, nỗi lo về ảnh hưởng hậu dịch đối với nhân viên y tế vẫn hiện hữu.
Nguy cơ tổn thương tâm lý
Chia sẻ với Zing, chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện, Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết nhiều quốc gia trên thế giới trải qua đợt bùng phát dịch Covid-19 cũng đã xuất hiện các tình trạng như stress mức độ cao, kiệt sức nghề nghiệp, trầm cảm, lo âu ở nhân viên y tế tham gia chống dịch.
“Những vấn đề này có thể đến từ sự quá tải của hệ thống y tế, nguy cơ bị nhiễm virus, thời gian làm việc kéo dài, cảm xúc lo lắng chung trước đại dịch hay nỗi bận tâm về gia đình”, ông giải thích.
Vị chuyên gia này còn cho biết nhiều nhân viên y tế gặp phải tình trạng bị kỳ thị, thiếu cảm thông của hàng xóm do họ thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao.
Ngoài ra, khi tình hình dịch bắt đầu được kiểm soát, một số y bác sĩ còn có thể đối mặt với các triệu chứng của rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Cụ thể, họ gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc, gặp ác mộng hoặc hồi tưởng về những ký ức đau buồn sau khi phải chứng kiến nhiều bệnh nhân qua đời.
Theo ông Thiện, hai vấn đề có thể xuất hiện ở nhóm nhân viên y tế tuyến đầu bao gồm:
Tổn thương đạo đức (Moral Injury): Đây là tình trạng nội tâm của nhân viên y tế bị xung đột khi phải chứng kiến hoặc đưa ra quyết định liên quan tính mạng bệnh nhân. Họ phải đối mặt với những tình huống chọn lựa dẫn đến kết quả tiêu cực. Những quyết định này đôi khi mâu thuẫn với giá trị đạo đức của họ hay chuẩn mực hành nghề.
“Trong bối cảnh dịch lan rộng, số bệnh nhân tăng cao và gây quá tải cho ngành y tế, tình trạng này rất dễ xảy ra”, vị chuyên gia tâm lý khuyến cáo.
Cạn kiệt lòng trắc ẩn (Compassion Fatigue): Tình trạng này thường diễn ra với những ngành nghề chăm sóc con người như bác sĩ, điều dưỡng, nhà tâm lý hay nhân viên xã hội... Đó là tình trạng kiệt quệ về tinh thần cũng như thể chất, dẫn đến suy giảm khả năng thông cảm với người khác.
Một số người (nhân viên y tế) có thể phát sinh rối loạn tâm thần, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như khả năng đáp ứng yêu cầu công việc.
Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện
Kiệt sức nghề nghiệp cũng là một trong những yếu tố liên quan vấn đề này. Người ở trong tình trạng cạn kiệt lòng trắc ẩn thường bị giảm khả năng tập trung, khó hài lòng với bản thân, luôn cáu kỉnh và có cảm giác bất lực.
Ông Thiện nhấn mạnh nếu không được phát hiện và đưa ra những giải pháp can thiệp kịp thời với vấn đề sức khỏe tinh thần sau đại dịch, các y bác sĩ sẽ có nguy cơ đối mặt với những khó khăn trong tâm lý.
Vị chuyên gia nói: “Một số người có thể phát sinh rối loạn tâm thần, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như khả năng đáp ứng yêu cầu công việc. Nhiều trường hợp thậm chí rơi vào trầm cảm, nguy cơ tự sát cao”.
Tình trạng kiệt sức nghề nghiệp còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân của các y bác sĩ. Hậu quả này cũng tỷ lệ thuận với các sai sót y khoa.
Các nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra tình trạng nhiều nhân viên y tế nghỉ việc sau đại dịch Covid-19. Tình trạng này nếu diễn ra ở mức độ lớn sẽ mang đến khả năng thiếu hụt nhân lực cho ngành y tế.
Nhìn nhận nghiêm túc về sức khỏe tinh thần của nhân viên y tế
“Vừa qua, tôi từng trợ giúp một số đồng nghiệp gặp khó khăn về tâm lý trong quá trình tham gia điều trị Covid-19 tại Việt Nam. Có trường hợp sau khoảng thời gian dài công tác ở khu hồi sức Covid-19, người này trở về nhà và thường xuyên gặp ác mộng với tiếng máy móc của phòng hồi sức cùng hình ảnh các bệnh nhân diễn biến nặng, tử vong”, chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện chia sẻ.
Theo ông Thiện, đây là dấu hiệu điển hình của rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Những cơn ác mộng cũng đã ảnh hưởng lớn tới giấc ngủ của nhân viên y tế này.
Để hỗ trợ đồng nghiệp này, ông Thiện phải áp dụng tiến trình nâng đỡ và trị liệu tâm lý. Trong đó, chuyên gia tâm lý sẽ lắng nghe, phản hồi và nâng đỡ cảm xúc cùng các kỹ thuật, liệu pháp chuyên môn để giúp nhân viên y tế này đối diện, vượt qua khó khăn đang gặp phải.
Từ đây, ông cho rằng chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế cần được quan tâm và nhìn nhận một cách nghiêm túc trên cơ sở khoa học.
Vị chuyên gia cho hay: “Từ kết quả nghiên cứu đã được thực hiện, một số yếu tố có thể cải thiện sức khỏe tinh thần của nhân viên y tế sau đại dịch là sức bật tinh thần (resilience), kết nối xã hội (social connectedness), nâng đỡ xã hội (social support)...”.
Qua đó, ông Thiện kết luận để trợ giúp cho nhân viên y tế hiệu quả, việc đầu tiên cần làm là đưa ra các biện pháp để họ nhận diện và phát hiện khó khăn tinh thần đang gặp phải. Sau đó, thông qua quá trình can thiệp tâm lý, họ được tăng nội lực, khả năng ứng phó của bản thân với nghịch cảnh.
Cuối cùng, các chuyên gia tâm lý cần huy động nguồn lực từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và xã hội để trợ giúp y bác sĩ về vật chất cũng như tinh thần để giải quyết vấn đề.