Nguy cơ từ chất thải của F0 lẫn lộn với rác thải sinh hoạt

Thời gian qua, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh tăng mạnh với hàng nghìn ca/ngày. Hầu hết các khu dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học đều xuất hiện ca bệnh, tỷ lệ điều trị F0, cách ly tại nhà lớn, cũng đồng nghĩa lượng rác thải có nguy cơ lây nhiễm tồn tại ở cộng đồng khá cao. Tuy nhiên, việc quản lý chất thải từ F0 chưa được quan tâm đúng mức, là điều kiện để phát sinh dịch bệnh trong cộng đồng.

Công nhân Công ty CP Môi trường Đô thị Hòa Bình thu gom rác thải về nơi tập kết tại phường Tân Hòa (TP Hòa Bình).

Công nhân Công ty CP Môi trường Đô thị Hòa Bình thu gom rác thải về nơi tập kết tại phường Tân Hòa (TP Hòa Bình).

Ông Nguyễn Văn Hưng, tổ dân cư số 16, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) cho biết: Với số ca dương tính trên địa bàn tăng cao, lượng khẩu trang, quần áo, đồ dùng của người bệnh cũng tăng lên đáng kể, thế nhưng hầu hết các gia đình người bệnh đều coi như rác thải thông thường. Tất cả bỏ vào một túi nilon chờ đơn vị vận chuyển đến thu gom. Khẩu trang y tế cũng như các đồ dùng phục vụ người bệnh đã qua sử dụng tiềm ẩn nhiều mầm bệnh như về hô hấp, cúm, đường tiêu hóa. Việc thải, bỏ khẩu trang sau khi sử dụng đồng nghĩa mầm bệnh, vi khuẩn còn tồn tại, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Theo ông Hưng, để giải quyết tình trạng chất thải y tế khi điều trị F0 tại nhà, chính quyền và cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của toàn xã hội thực hiện các biện pháp quản lý, thu gom chất thải nguy hại, hạn chế phần nào mầm bệnh lây lan ngày càng phức tạp.

Công ty CP môi trường đô thị Hòa Bình là đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt cho toàn bộ TP Hòa Bình với lượng rác xấp xỉ 70 tấn/ngày đêm. Đại diện công ty cho biết: Trong bối cảnh dịch bệnh, điều kiện làm việc của người lao động rất áp lực. Người dân vẫn chưa có ý thức quản lý, phân loại chất thải y tế cũng như rác thải sinh hoạt. Công ty khuyến cáo, nhắc nhở người lao động khi làm nhiệm vụ thu gom, vận chuyển rác thải thực hiện các biện pháp bảo vệ, mặc bảo hộ lao động, sát khuẩn thường xuyên, tự bảo vệ mình để hạn chế dịch bệnh phát sinh.

Thời gian qua, ngành y tế và các ngành chức năng, chính quyền các cấp đã khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp giữ gìn vệ sinh, thực hiện quy định "5K" trong phòng, chống dịch, hướng dẫn phương pháp điều trị F0; tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với hành vi thiếu ý thức, thải bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định… Tuy nhiên, việc thực hiện chưa được nghiêm túc, theo đó tiềm ẩn nguy cơ phát sinh mầm bệnh, ảnh hưởng đến môi trường.

Theo Bộ Y tế, chất thải sinh hoạt ở phòng cách ly F0 tại nhà được đánh giá có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, Bộ Y tế yêu cầu cần xây dựng phương án thu gom, vận chuyển và xử lý đúng, đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn tại các địa phương trên toàn quốc.

Để tăng cường quản lý chất thải phát sinh từ các F0 điều trị tại nhà, Bộ Y tế đề nghị Bộ TN&MT chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai giải pháp vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời thường xuyên kiểm tra việc vận chuyển, xử lý chất thải, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Bộ Y tế yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố có phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh đối với F0 điều trị tại nhà trên địa bàn. Theo hướng dẫn phân loại của Bộ Y tế, chất thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly của F0 quản lý tại nhà (bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ), khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người chăm sóc khi tiếp xúc với F0 được coi là chất thải lây nhiễm. Các chất thải này phải được bỏ vào túi hoặc thùng có lót túi, bên ngoài túi, thùng đựng chất thải có chữ "Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2".

Ngoài ra, các loại chất thải sinh hoạt phát sinh từ các khu vực khác của nhà có người F0 thực hiện phân loại theo hướng dẫn của địa phương. Các địa phương bố trí người thu gom túi, thùng đựng chất thải lây nhiễm để đưa đến nơi lưu giữ, chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp. Lưu ý, trong quá trình thu gom, túi đựng chất thải phải được buộc kín miệng túi, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải làm phát tán mầm bệnh ra bên ngoài. Trong tài liệu hướng dẫn chăm sóc người mắc Covid-19 tại nhà, Bộ Y tế cũng từng đưa ra những lưu ý quan trọng khi xử lý đồ dùng, rác thải của F0 để tránh lây nhiễm dịch bệnh. Đối với rác thải, cần đặt thùng rác có nắp kín và mở bằng chân, có lót túi nilon bên trong ở phòng của người nhiễm. Rác thải cần được thu gom, xử lý hàng ngày hoặc khi thùng rác đầy. Hàng ngày bỏ khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng vào túi đựng chất thải, thực hiện xịt cồn 70 độ để khử trùng và buộc chặt miệng túi, sau đó bỏ vào thùng đựng chất thải lây nhiễm được đặt trong phòng của người cách ly.

L.C

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/163446/nguy-co-tu-chatthai-cua-f0-lan-lon-voi-rac-thai-sinh-hoat.htm