Nguy cơ ung thư khoang miệng tăng gấp 5 lần vì món đồ uống nhiều người mê
Ung thư khoang miệng đang trở thành mối đe dọa, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi, trong đó phụ nữ chiếm tỷ lệ gia tăng đáng lo ngại. Nghiên cứu mới đây của Đại học Washington đã chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa việc tiêu thụ đồ uống có đường và nguy cơ ung thư khoang miệng, mở ra một hướng nghiên cứu mới về nguyên nhân gây bệnh ở nhóm đối tượng này.

Theo nghiên cứu, ung thư khoang miệng đang gia tăng các trường hợp ở những người không hút thuốc, đặc biệt là ở những phụ nữ trẻ tuổi.
Đồ uống có đường làm tăng nguy cơ ung thư khoang miệng ở phụ nữ
Ung thư khoang miệng được nhận định chủ yếu liên quan đến những người đàn ông lớn tuổi tiếp xúc với các nguy cơ bao gồm hút thuốc lá, uống rượu và nhai trầu.
Với sự ra đời của các chiến dịch y tế chống hút thuốc tổng số ca ung thư khoang miệng liên quan đến hút thuốc ở các quốc gia phương Tây đã giảm dần. Tuy nhiên, theo thống kê vẫn có hơn 355.000 ca ung thư khoang miệng mới được chẩn đoán trên toàn cầu vào năm 2020 với gần 177.000 ca tử vong.
Điều đáng lo ngại nhất là sự gia tăng các trường hợp ở những người không hút thuốc, đặc biệt là ở những phụ nữ trẻ tuổi. Một nghiên cứu mới được công bố của Đại học Washington cho thấy, những phụ nữ uống ít nhất một loại đồ uống có đường mỗi ngày có nguy cơ mắc ung thư miệng cao hơn gần 5 lần so với những người chủ yếu không uống đồ uống có đường.
Nghiên cứu này được đưa ra trong bối cảnh các trường hợp ung thư khoang miệng đang gia tăng ở mức báo động ở nhóm bệnh nhân chủ yếu là người trẻ, những người thường không có các yếu tố nguy cơ truyền thống như hút thuốc hoặc uống rượu và không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào khác nhận biết được.
Theo tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Brittany Barber, Phó Giáo sư khoa Phẫu thuật tai mũi họng và cổ, Trường Y khoa Đại học Washington: "Ung thư khoang miệng ít phổ biến hơn ung thư vú hoặc ung thư ruột kết với tỷ lệ mắc bệnh hằng năm khoảng 4-4,3 ca trên 100.000 người. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh ung thư khoang miệng đang gia tăng ở những phụ nữ không hút thuốc và không uống rượu.
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, ở phụ nữ, việc tiêu thụ một hoặc nhiều loại đồ uống có đường mỗi ngày có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư khoang miệng cao hơn 4,87 lần hoặc tăng 3 người trên 100.000 người được chẩn đoán. Do đó, các bác sĩ lâm sàng cần phải nhận thức được những rủi ro về sức khỏe răng miệng liên quan đến việc tiêu thụ đồ uống có đường và tình trạng ung thư khoang miệng đang gia tăng ở phụ nữ".
Nguyên nhân đồ uống có đường có thể gây ung thư khoang miệng
Trong khi đồ uống có đường trước đây được cho là có liên quan đến ung thư trực tràng và các bệnh ung thư đường tiêu hóa khác nhưng chúng chưa bao giờ được nghiên cứu liên quan đến ung thư đầu và cổ.
Những phát hiện mới nhất dựa trên các nghiên cứu trước đó cho thấy, đồ uống có đường có liên quan đến bệnh nha chu ở người trẻ tuổi, từ đó dẫn đến ung thư miệng.
Các tác giả cho biết, mặc dù mối liên hệ này không chỉ ra quan hệ nhân quả nhưng giả thuyết của họ là chế độ ăn nhiều đường hơn có thể góp phần gây ra tình trạng viêm mạn tính, từ đó góp phần vào nguy cơ ung thư khoang miệng.
Theo tiến sĩ Ilya Likhterov, Phó Giáo sư khoa Tai – Mũi - Họng của Trường Y khoa Đại học California-San Francisco, có những bệnh nhân trẻ không hút thuốc, không uống rượu, không có các yếu tố nguy cơ ung thư truyền thống về môi trường gây ra ung thư khoang miệng. Ông nghi ngờ việc tiêu thụ đồ uống có đường có thể là nguyên nhân khiến "hệ vi sinh vật đường miệng" bị tổn hại ở những người tham gia mắc bệnh ung thư miệng.
"Giống như trong ruột, hệ vi sinh vật đường miệng có vi khuẩn "tốt" và vi khuẩn "xấu". Lượng đường nạp vào làm thay đổi sự cân bằng và đó có thể là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ mắc ung thư khoang miệng. Khả năng đó có thể là hướng nghiên cứu sâu hơn tập trung vào tác động của việc thay đổi vi khuẩn miệng đối với hệ thống miễn dịch và khả năng chống lại đột biến của hệ thống này" - tiến sĩ Ilya Likhterov cho biết.
Đường không phải là tác nhân trực tiếp gây ra bệnh ung thư mà có thể là tình trạng viêm mạn tính do bệnh răng miệng và nướu răng, sự thay đổi trong hệ vi sinh vật trong miệng hoặc thậm chí là các can thiệp nha khoa sau đó. Do vậy, mọi người cần lưu ý thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh; hạn chế tốt đa tiêu thụ đồ uống và thực phẩm có đường; duy trì vệ sinh răng miệng tốt; khám răng miệng định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các vấn đề sức khỏe liên quan.
Những tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe tổng thể
Đồ uống có đường, đặc biệt là các loại nước ngọt, nước trái cây có thêm đường, hay các loại nước có chứa siro ngọt, có thể gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe nếu tiêu thụ quá nhiều. Dưới đây là một số tác hại chính:
Tăng nguy cơ béo phì: Đồ uống có đường chứa lượng calo cao, nhưng lại thiếu chất xơ và các dưỡng chất thiết yếu. Khi tiêu thụ quá nhiều, chúng sẽ dẫn đến tích tụ mỡ thừa, gây ra béo phì và các bệnh liên quan.
Đường huyết cao và nguy cơ tiểu đường: tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nhanh mức đường huyết, gây tình trạng kháng insulin nếu dùng thường xuyên. Điều này có thể dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2.
Bệnh tim mạch: nghiên cứu cho thấy tiêu thụ nhiều đồ uống có đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, do sự gia tăng các yếu tố nguy cơ như béo phì, huyết áp cao, và mức cholesterol không lành mạnh.
Vấn đề về răng miệng: đồ uống có đường dễ dàng tạo điều kiện cho vi khuẩn trong miệng phát triển, gây ra sâu răng và các bệnh về nướu.
Tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính: các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tiêu thụ nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, xơ vữa động mạch, và các rối loạn chuyển hóa khác.
Ảnh hưởng đến gan: việc tiêu thụ nhiều đường, đặc biệt là fructose (thường có trong siro ngô), có thể làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ, một tình trạng có thể dẫn đến các bệnh gan nghiêm trọng.
Do đó, để bảo vệ sức khỏe, việc giảm tiêu thụ đồ uống có đường là rất quan trọng. Thay vào đó, bạn có thể lựa chọn nước lọc, nước ép tự nhiên không thêm đường hoặc trà thảo mộc.