Nguy cơ và cách xử lý khi được nhờ cầm hộ hàng hóa
Hiện nay có nhiều trường hợp nhờ người khác xách, trông hộ hành lý ở bến tàu, bến xe, sân bay... Khi lực lượng chức năng kiểm tra thì phát hiện trong hành lý nhờ xách đó có hàng hóa bị nghiêm cấm như ma túy, cổ vật, động vật hoang dã… Trên đây là một số nguy cơ và cách xử lý khi được nhờ cầm hộ hàng hóa qua biên giới hoặc tại sân bay, bến tàu, bến xe.
Nhiều người cho rằng, việc có người nhờ cầm hộ hàng hóa qua biên giới hoặc tại sân bay, bến tàu, bến xe là rất bình thường.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, giúp người khác cầm hộ hoặc vận chuyển hàng hóa có thể sẽ phải đối mặt với trách nhiệm pháp lý rất nặng nề. Cụ thể, theo khoản 4, Điều 5, Luật Phòng chống ma túy năm 2021, việc giao nhận chất ma túy, tiền chất trái quy định của pháp luật là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.
Còn theo khoản 1, Điều 250, Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào vận chuyển trái phép chất ma túy không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị phạt tù từ 2 - 7 năm.
Trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; vận chuyển qua biên giới… có thể bị phạt tù từ 7 - 15 năm.
Theo quy định tại điểm a, điểm b, khoản 4, Điều 250 Bộ luật Hình sự năm 2015, trường hợp vận chuyển nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao coca có khối lượng 5 kg trở lên; vận chuyển heroin, cocain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 g trở lên thì bị phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, trong đó có Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy).
Ngoài ra, cũng theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, việc vận chuyển hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, di vật, cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hóa qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật, tùy mức độ, giá trị hàng hóa có thể phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm.
Điều 189 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 20-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”: Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100 - đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của bộ luật này; di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 2 - 5 năm: có tổ chức; vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; vật phạm pháp là bảo vật quốc gia; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; tái phạm nguy hiểm.
Về cách xử lý khi được người khác nhờ trông, vận chuyển hàng qua bến tàu, bến xe, sân bay…, cơ quan chức năng đề nghị người dân khi được nhờ cầm hộ hàng hóa, nhất là cầm hộ qua biên giới, cần phải kiểm tra, xác định rõ hành vi đó có trái quy định của pháp luật không.
Trường hợp di chuyển tại sân bay, bến tàu, bến xe, nơi công cộng cần cảnh giác với những hành vi lạ, bất thường; không nên xách đồ hộ người lạ khi chưa biết rõ về hành lý; giữ hành lý và giấy tờ tùy thân của mình cẩn thận; có trách nhiệm thông báo với nhân viên an ninh hoặc cơ quan công an nơi gần nhất khi phát hiện hoặc bị phát hiện hành lý của mình nghi có chứa “chất cấm”, “hàng cấm” và hợp tác để xác minh, điều tra làm rõ các yếu tố “cố ý” hoặc “vô ý” của hành vi vận chuyển hàng cấm, chất cấm.
Lực lượng công an sẽ phối hơp chặt chẽ với các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những hành vi vận chuyển trái phép ma túy, hàng hóa bị nghiêm cấm, nhất là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức vận chuyển ma túy trái phép qua biên giới.