Nguy cơ va chạm ngoài kiểm soát giữa tàu chiến Trung Quốc và Đài Loan

Với việc liên tục hoạt động dọc vùng tiếp giáp lãnh hải, tàu chiến Trung Quốc và Đài Loan hầu như cận kề nhau từng ngày, từ đó có nguy cơ đâm va ngoài ý muốn.

Điển hình là một cuộc liên lạc radio giữa hai tàu khu trục cho thấy tình hình khu vực có thể vượt ngoài tầm kiểm soát. Trong cuộc trao đổi hồi tháng 11.2022 ở phía đông Đài Loan, tàu Ma Kong của Đài Loan thông báo với tàu Xiamen của Trung Quốc: “Tàu của quý vị đang tiếp giáp lãnh hải 24 hải lý của chúng tôi. Hãy đổi hướng”. Tuy nhiên, tàu Xiamen đã đáp lời: “Không có ranh giới 24 hải lý nào cả. Tàu chúng tôi đang di chuyển đúng hướng”.

Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời, không công nhận bất kỳ đường ranh giới nào và viễn cảnh thống nhất chỉ là vấn đề thời gian. Quan hệ giữa đảo Đài Loan và Trung Quốc đại lục gia tăng căng thẳng nhiều năm qua, sau khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền tại hòn đảo và từ chối công nhận chính sách "Một Trung Quốc".

Thủy thủ Đài Loan theo dõi hoạt động của tàu chiến Trung Quốc - Ảnh: Quân sự Đài Loan

Thủy thủ Đài Loan theo dõi hoạt động của tàu chiến Trung Quốc - Ảnh: Quân sự Đài Loan

Tình hình eo biển Đài Loan leo thang sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là Nancy Pelosi, đến hòn đảo vào tháng 8.2022. Sau những cảnh báo ngoại giao bất thành, Trung Quốc tổ chức loạt tập trận bắn đạn thật với quy mô chưa từng có tiền lệ quanh hòn đảo ngay sau khi bà Pelosi kết thúc chuyến thăm.

Theo các nguồn tin quân sự Đài Loan, các tàu hải quân Trung Quốc hiện diện lâu dài ở vùng biển gần đường trung tuyến và ở phía đông bắc vùng tây nam đảo Đài Loan. Bằng cách liên tục hoạt động dọc vùng tiếp giáp lãnh hải, tàu chiến hai bên hầu như cận kề nhau từng ngày, từ đó có nguy cơ đâm va ngoài ý muốn.

Trong năm 2022, quân đội Trung Quốc đã mở rộng hoạt động trên không - hải phận quanh Đài Loan. Tổng cộng ít nhất 555 máy bay quân sự đã vượt qua đường trung tuyến, tăng gần 280 lần so với năm 2021 - chỉ có 2 máy bay. Từ tháng 8 - 12.2022, các hoạt động của hải quân Trung Quốc cũng trở nên phổ biến với tổng cộng 671 tàu hoạt động trong 149 ngày.

Có khoảng 70 máy bay không người lái (UAV) của Trung Quốc bay vào Vùng nhận dạng Phòng không (ADIZ) của Đài Loan sau chuyến thăm của bà Pelosi. Trong đó, có 31 chuyến bay của UAV trinh sát BZK-005 - kiểu UAV từng được đưa vào hoạt động lần đầu tiên hồi năm 2013 trên biển Hoa Đông gần Nhật Bản.

Ngày 5.1, quân đội Mỹ cho biết một tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke của nước này có tên Chung-Hoon đã băng qua eo biển Đài Loan.

"Sự kiện tàu khu trục Chung-Hoon băng qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ nhằm đảm bảo sự tự do và rộng mở tại khu vực vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", tuyên bố của quân đội Mỹ cho biết.

Tàu khu trục của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan vài ngày sau khi quân đội Mỹ cho biết tiêm kích J-11 của Trung Quốc áp sát trinh sát cơ RC-135 của Không quân Mỹ đang làm nhiệm vụ trên không phận quốc tế ở Biển Đông vào ngày 21.12.

Đáp lại, Bắc Kinh chỉ trích hành vi “khiêu khích” của Mỹ, cho rằng việc Washington thường xuyên điều tàu chiến, máy bay thực hiện hoạt động trinh sát ở cự ly gần trong khu vực đe dọa an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Giới lãnh đạo Mỹ trong phát ngôn chính thức luôn thừa nhận nguyên tắc "Một Trung Quốc", song vẫn duy trì quan hệ không chính thức với Đài Loan. Washington chủ trương ủng hộ quyền tự định đoạt tương lai của người dân hòn đảo, đồng thời gia tăng mua bán quốc phòng với Đài Loan vài năm qua.

Hiện tại, Mỹ đang là đối tác cung cấp vũ khí chính của Đài Loan bất chấp phản đối từ Trung Quốc. Tháng trước, Mỹ thông qua hợp đồng bán vũ khí trị giá 180 triệu USD cho Đài Loan. Cùng tháng, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng ký thông qua gói hỗ trợ quân sự trị giá 10 tỉ USD cho Đài Loan.

Bảo Vĩnh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nguy-co-va-cham-ngoai-kiem-soat-giua-tau-chien-trung-quoc-va-dai-loan-191867.html