Nguy cơ vệ tinh Nga va chạm mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc
Thân tên lửa Trung Quốc và vệ tinh quân sự Nga đã ngừng hoạt động nhiều khả năng sẽ chỉ cách nhau 12 m vào sáng 16-10 và khả năng xảy ra va chạm là 10%.
Mạng lưới theo dõi vệ tinh LeoLabs (Mỹ) hôm 15-10 cảnh báo nguy cơ xảy ra va chạm giữa một thân tên lửa của Trung Quốc mang tên Trường Chinh 4B và một vệ tinh quân sự của Liên Xô đã ngừng hoạt động mang tên Parus vào sáng 16-10.
Theo đài RT, LeoLabs cho biết hai vật thể này nhiều khả năng sẽ chỉ cách nhau 12 m vào lúc 7 giờ 56 ngày 16-10 (theo giờ VN) ở độ cao 991 km phía trên biển Weddell, ngoài khơi bán đảo Nam Cực. Theo tính toán hiện tại của LeoLabs, khả năng xảy ra va chạm giữa hai mảnh rác vũ trụ này là hơn 10%.
“Đây có lẽ là một trong những vụ va chạm tình cờ tồi tệ nhất mà chúng ta từng thấy trong một thời gian ngắn” – nhà khảo cổ vũ trụ Alice Gorman thuộc ĐH Flinders (Úc) nói.
Hai mảnh rác vụ trụ này nặng tổng cộng khoảng 2.800 kg và di chuyển tới gần nhau với tốc độ tương đối 52.920 km/giờ.
Tên lửa Trường Chinh 4B của Trung Quốc được phóng đi vào ngày 10-5-1999 trong khi vệ tinh quân sự Parus của Nga được phóng lên không gian vào ngày 22-2-1989. Vệ tinh Parus chủ yếu được sử dụng để liên lạc và dẫn đường.
Trang tin Business Insider dẫn lời nhà thiên văn học Jonathan McDowell cho biết vì vệ tinh của Nga và thân tên lửa của Quốc đều ngừng hoạt động nên không ai có thể can thiệp để di chuyển chúng ra khỏi quỹ đạo của nhau. Nếu chúng va chạm, một vụ nổ tương tương với việc kích nổ 14 tấn TNT sẽ khiến các mảnh vụn bay theo mọi hướng.
Một vụ va chạm (nếu có) giữa hai mảnh rác vũ trụ lớn sẽ không gây nguy hiểm cho con người bên dưới vì điểm va chạm cách xa mặt đất. Tuy nhiên, những mảnh vỡ mà vụ va chạm tạo ra có thể gây ra nhiều vấn đề lớn trong không gian.
“Nếu xảy ra va chạm, điều này có thể tạo ra hàng ngàn cho tới hàng chục ngàn mảnh rác vũ trụ. Sự kiện này có thể tạo ra vấn đề lớn hơn nhiều so với con người có thể tưởng tượng” – ông Dan Ceperley, Giám đốc điều hành LeoLabs nhận định.
Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/nguy-co-ve-tinh-nga-va-cham-manh-vo-ten-lua-trung-quoc-944256.html