Nguy cơ 'vỡ trận' ở châu Phi do thiếu máy thở điều trị Covid-19
Theo dữ liệu của Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC), Nam Sudan chỉ có 4 chiếc máy thở và 24 giường chăm sóc đặc biệt (ICU) cho dân số 12 triệu người.
Số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã vượt mốc 2,4 triệu trường hợp, trong đó đã có hơn 160.000 người tử vong. Các nước trên thế giới, trong đó có cả những nước có nền y tế tiên tiến cũng đang chạy đua để thu mua các trang thiết bị y tế trọng yếu như máy thở, ICU hay đồ bảo hộ y tế…
Các chuyên gia cảnh báo dịch bệnh Covid-19 có thể tàn phá những nước có cơ sở hạ tầng y tế yếu kém.
Ví dụ, Nam Sudan, chỉ có 4 chiếc máy thở và 24 giường chăm sóc đặc biệt (ICU) cho dân số 12 triệu người, theo dữ liệu của Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC). Điều đó có nghĩa là ở quốc gia châu Phi này cứ 3 triệu người mới có 1 máy thở.
Burkina Faso có 11 máy thở, Sierra Leone 13 và Cộng hòa Trung Phi có 3; trong khi Venezuela có 84 giường ICU cho dân số 32 triệu người và 90% các bệnh viện đối mặt với tình trạng thiếu thuốc men và các nguồn lực quan trọng khác, theo tổ chức phi chính phủ IRC.
“Chúng ta đã chứng kiến dịch bệnh Covid-19 nhanh chóng làm tê liệt hệ thống y tế ở những nước có nền y tế tương đối tiên tiến. Vì vậy, các nước có hệ thống y tế yếu kém chắc chắn không ngoại lệ và thậm chí còn phải chịu những tác động khắc nghiệt hơn”, Elinor Raikes, Phó Chủ tịch IRC nói với CNN.
Cuộc chạy đua toàn cầu
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 5 người mắc Covid-19 thì có 1 người cần điều trị tại bệnh viện. Điều này khiến các nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi đại dịch tìm cách thu mua máy thở và các thiết bị hỗ trợ hô hấp khác…
Theo Trung tâm an ninh y tế của Đại học Johns Hopkins, các bệnh viện Mỹ có thể cần thêm tới nửa triệu máy thở. Anh với hơn 120.000 ca mắc Covid-19, cũng đang tìm cách mua 18.000 máy thở.
Italy, một trong những nước bị tác động mạnh nhất ở châu Âu, tới nay đã phân phối hơn 2.700 máy thở tới các khu vực bị ảnh hưởng. Trong khi đó, Pháp nói rằng nước này đặt mục tiêu sản xuất thêm 10.000 máy hỗ trợ hô hấp. Đức, nước có nhiều giường ICU hơn so với Italy, đã gửi 50 máy thở cho Tây Ban Nha và 60 cho Anh trong tháng 4/2020.
Bác sỹ Alison Pittard, thuộc khoa chăm sóc đặc biệt tại Anh cho biết, khoảng 15-20% số người nhập viện vì Covid-19 cần sử dụng máy thở, trong khi 75% bệnh nhân điều trị tại ICU cũng cần thiết bị này.
Nguy cơ của các nước châu Phi
Một khu vực đang được theo dõi chặt chẽ là châu Phi – hiện mới chỉ ghi nhận khoảng 20.000 ca mắc kể từ khi xác nhận trường hợp đầu tiên tại Ai Cập hôm 14/2.
Bác sỹ Matshidiso Moeti, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Phi của WHO, nói rằng Covid-19 có nguy cơ không chỉ khiến hàng nghìn người chết mà còn tàn phá các nền kinh tế, xã hội.
Theo WHO, có chưa đến 2.000 máy thở ở 41 nước châu Phi, trong khi tổng số giường ICU ở các 43 nước trên lục địa này là chưa đến 5.000. Như vậy có nghĩa là chỉ có 5 giường ICU cho mỗi 1 triệu dân trong khi con số này ở châu Âu là 4.000 giường cho 1 triệu dân.
Mặc dù dịch Covid-19 ở châu Phi lây lan chậm hơn so với các khu vực khác trên thế giới, nhưng số ca mắc bắt đầu tăng nhanh trong những tuần gần đây.
“Tất cả các nước ở châu Phi đang đối phó với dịch bệnh Covid-19 một cách quyết liệt”, bác sỹ Mary Stephen thuộc Văn phòng WHO tại châu Phi cho biết, đề cập tới việc nhiều nước đang tích cực rà soát ca bệnh ở các điểm nóng.
Phần lớn các nước trong khu vực đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, từ giới nghiêm, giới hạn đi lại ở một số quốc gia cho đến phong tỏa hoàn toàn ở một số nơi khác.
Số ca mắc Covid-19 ở Châu Phi hiện chưa ở mức cao, nhưng khu vực này lại có tỷ lệ mắc các bệnh khác như lao, HIV, sốt rét, tiêu chảy khá cao. Đây mới là nguyên nhân gây lo ngại.
Elaine Nsoesie, trợ lý giáo sư về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Boston cho rằng, tỷ sự phổ biến của các bệnh mạn tính đang gia tăng ở các nước châu Phi. Nếu những người mắc bệnh mạn tính mà không được chẩn đoán sớm, họ sẽ có nguy cơ cao hơn khi mắc Covid-19.
Ủy ban Kinh tế Châu Phi (UNECA) của Liên Hợp Quốc ngày 18/4 cho biết ít nhất 300.000 người châu Phi sẽ chết vì đại dịch Covid-19 và hàng chục triệu người có nguy cơ bị đẩy vào tình trạng cực kỳ nghèo đói. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng dự báo, mặc dù Châu Phi cho đến nay chỉ ghi nhận khoảng 20.000 ca mắc Covid-19, nhưng con số này có thể tăng vọt lên 10 triệu trường hợp trong vòng từ 3 - 6 tháng.
Cuộc khủng hoảng tác động kép
Hơn hết, các chuyên gia y tế đang lo ngại Covid-19 sẽ ảnh hưởng tới những người có nguy cơ cao vốn đã phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp khác, đặc biệt là ở các vùng xung đột.
“Covid-19 hiện nay được quan tâm nhiều hơn cả các các cuộc khủng hoảng khác vốn đã và đang diễn ra. Đại dịch này sẽ có tác động kép, đa chiều và nó thậm chí còn có thể dẫn tới các cuộc khủng hoảng khác như mất an ninh lương thực hay thậm chí cả xung đột” Kate White,thuộc tổ chức Bác sỹ Không biên giới (MSF) nói.
Nói tới việc điều trị Covid-19, các chuyên gia cho rằng, các nước có hệ thống y tế tốt sẽ đối phó tốt hơn với dịch bệnh này. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở việc có đủ máy thở hay không.
“Trong một tình huống giả định, chúng ta có thể có nhiều máy thở: đủ cho mỗi người. Nhưng nếu bạn không có đủ nhân viên để chăm sóc bệnh nhân và theo dõi máy thở, thì việc bạn có bao nhiêu máy thở cũng không còn quan trọng nữa”, Pittar nói./.