Nguy cơ xảy ra cuộc chiến 'thương mại xanh' giữa Mỹ và EU
Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) của Mỹ được cho là khiến xuất khẩu các sản phẩm thuộc về 'kinh tế xanh mới' của châu Âu, ví dụ như ô tô điện vào thị trường Mỹ, gặp bất lợi.
Theo trang Idnes.cz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thăm cấp nhà nước đã có một bài phát biểu tại Washington với cảnh báo rằng Mỹ sẽ phá hủy ngành công nghiệp châu Âu khi trên tay cầm một chiếc bánh mỳ baguette.
Theo truyền thống, nước Pháp theo chủ nghĩa bảo hộ thương mại và không có biểu tượng nào của Pháp tốt hơn là chiếc bánh mì baguette đã được dùng để cáo buộc đồng minh bên kia đại dương đi theo chủ nghĩa bảo hộ.
Phát biểu của Tổng thống Macron liên quan đến Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) của Mỹ. Đạo luật này khiến việc xuất khẩu các sản phẩm thuộc về “kinh tế xanh mới” của châu Âu, ví dụ như ô tô điện vào thị trường Mỹ, gặp bất lợi.
IRA là một thành tựu lớn của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Đạo luật này cho phép chính quyền cung cấp ngân sách hỗ trợ lên đến 370 tỷ USD cho các doanh nghiệp Mỹ khi họ chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
Đại diện của Liên minh châu Âu - ông Macron đánh giá IRA là sự hỗ trợ hoàn toàn không công bằng từ phía nhà nước mà hậu quả nghiêm trọng của đạo luật này có thể dẫn đến sự phá hủy nền công nghiệp châu Âu.
Các công ty tại châu Âu đơn giản là sẽ không được hỗ trợ sản xuất ô tô điện hoặc pin điện và họ sẽ chuyển sản xuất sang Mỹ, nơi họ được miễn thuế địa phương và nhận hỗ trợ của nhà nước. Chỉ tính riêng Pháp, nước này có thể thiệt hại tới gần 10 tỷ USD bởi đạo luật trên.
Người châu Âu lo ngại về một cuộc chiến thương mại mới với Mỹ vào thời điểm khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng và những tác động khác của cuộc xung đột ở Ukraine. Nhưng người Mỹ lại không nghĩ vậy, họ cho rằng đây là vì lợi ích của họ.
Rõ ràng cách tiếp cận của Mỹ phản ánh sự khác biệt cơ bản trong suy nghĩ giữa Mỹ và châu Âu, điều mà thương mại song phương đã gặp phải nhiều lần trong quá khứ. Người Mỹ có hai ưu tiên cơ bản: An ninh quốc gia và kinh doanh thành công trong khi người châu Âu có hai ưu tiên hàng đầu khác: giảm lượng khí thải và tiếp cận bình đẳng với thị trường.
Ví dụ, người Mỹ, những người từ lâu đã coi Trung Quốc là đối thủ lớn nhất và đang bắt đầu bảo vệ các công nghệ tiên tiến của mình hay ít nhất là khôi phục một phần hoạt động sản xuất chip trong nước.
Trong bối cảnh đó, có thể hiểu chính phủ muốn hỗ trợ các công nghệ khác hiện đại, thân thiện với môi trường hơn, nhưng mục đích chủ yếu là hạn chế sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Và nước Mỹ có tiền để chi cho việc này, nếu không, Mỹ có thể sử dụng đầu tư của tư nhân hoặc chính phủ.
Đối với người châu Âu, quan điểm an ninh vẫn là thứ yếu mặc dù đã trải qua kinh nghiệm đáng buồn, chẳng hạn như sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng giá rẻ của Nga. Và sự phát triển nhanh chóng của kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh kỹ thuật số, chưa bao giờ là điểm mạnh của các doanh nghiệp châu Âu.
Các công ty khởi nghiệp ở châu Âu thường có tầm nhìn xa hơn ngay từ đầu, bởi vì họ thiếu một thị trường kỹ thuật số thực sự hoạt động và cũng như vốn đầu tư. Châu Âu thể hiện mình nhiều hơn với tư cách là một cơ quan quản lý.
Điều này là tốt từ quan điểm của người tiêu dùng, những người được bảo vệ bởi các quy tắc của châu Âu hơn là của Mỹ, nhưng đồng thời các quy định này không hoàn toàn tạo ra một môi trường kích thích để phát triển kinh doanh.
Để minh họa về những khác biệt này, hãy nhìn lại cuộc tranh luận kéo dài hai thập kỷ về thực phẩm biến đổi gen. Người Mỹ áp dụng nguyên tắc miễn là các thực phẩm đó không được chứng minh là có hại thì được phép sử dụng, trong khi người châu Âu theo truyền thống tuân theo nguyên tắc phòng ngừa.
Chuyến thăm của ông Macron cho thấy ngay cả những đồng minh thân cận nhất cũng nhìn nhận các ưu tiên của họ hoàn toàn khác như thế nào trong tình trạng chiến tranh đe dọa liên minh chung. Và việc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vẫn đứng ngoài cuộc tranh chấp hiện nay chứng tỏ hệ thống các thể chế và quy tắc toàn cầu, được dày công xây dựng trong những thập kỷ gần đây, đang bị xói mòn như thế nào. Ngay cả những người đã xây dựng và đang cố gắng cứu tổ chức này cũng gặp vấn đề với WTO.
Có thể được mô tả ngắn gọn tranh chấp hiện tại là một cuộc chiến “thương mại xanh” và là điều mà mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu cần phải tránh trong bối cảnh hiện nay./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nguy-co-xay-ra-cuoc-chien-thuong-mai-xanh-giua-my-va-eu/271257.html