Nguy cơ xung đột hạt nhân trên thế giới gia tăng
Số lượng đầu đạn hạt nhân trên thế giới đã giảm chút ít trong 12 tháng qua nhưng nguy cơ xung đột hạt nhân đã gia tăng.
Đó là cảnh báo được Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) đưa ra trong báo cáo mới hôm 17-6. "Đang diễn ra kiểu chạy đua vũ trang mới, không phải về số lượng đầu đạn mà là về công nghệ" - chuyên gia Hans M. Kristensen của SIPRI nhận định với trang Euronews.
Tính đến đầu năm 2019, theo ước tính của SIPRI, các nước Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel, Triều Tiên có tổng cộng 13.865 vũ khí hạt nhân, so với con số 14.465 vũ khí vào đầu năm 2018. Mỹ và Nga hiện chiếm hơn 90% số lượng vũ khí hạt nhân toàn cầu. Trong khi đó, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan tiếp tục tăng quy mô kho vũ khí này.
Sự sụt giảm về số lượng đầu đạn hạt nhân nói trên một phần do các nước sở hữu vũ khí hạt nhân thay đổi chiến lược, chuyển từ tăng số lượng sang hiện đại hóa chúng. Theo ông Kristensen, các nước đã lên những kịch bản khác nhau để phục vụ nỗ lực phát triển công nghệ và vũ khí mới. Chẳng hạn như Nga đang phát triển vũ khí có thể xuyên thủng lá chắn tên lửa của Mỹ. Trong khi đó, Washington tìm kiếm loại vũ khí hạt nhân chiến thuật tầm ngắn để đối phó các thách thức của Moscow.
Một lý do khác là Nga và Mỹ tiếp tục tuân thủ Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới và loại bỏ những đầu đạn cũ có từ thời chiến tranh lạnh. START mới - hạn chế số lượng vũ khí hạt nhân chiến lược mà Washington và Moscow được phép sở hữu - sẽ hết hiệu lực vào năm 2021 và hiện chưa có cuộc đàm phán nghiêm túc về việc gia hạn hiệp ước này.
Đáng lo hơn, theo ông Kristensen, nguy cơ xung đột hạt nhân đang gia tăng vì những yếu tố như kế hoạch làm mới kho vũ khí hạt nhân của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, căng thẳng giữa Mỹ và Iran…