Nguy cơ xung đột lan rộng ở Trung Đông

Việc thủ lĩnh phong trào Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát ở Thủ đô Tehran của Iran đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện ở Trung Đông, khi căng thẳng giữa Israel với Hamas, Hezbollah và Iran bị đẩy lên một nấc thang mới.

Bộc lộ lỗ hổng an ninh

Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) xác nhận, khoảng 2 giờ sáng ngày 31.7 (theo giờ Tehran) ông Ismail Haniyeh và một trong số các vệ sĩ của ông đã thiệt mạng trong vụ không kích nhằm vào nơi ở của ông tại Thủ đô Tehran của Iran. Trước đó, hôm 30.7, ông Haniyeh đã tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian. Cuộc không kích chắc chắn sẽ kích hoạt nhiều cuộc điều tra trong những tổ chức quân sự của Iran, bởi có vẻ như sự việc diễn ra bất ngờ và không có báo cáo nào về hoạt động phòng không trước vụ ám sát.

Thủ lĩnh Phong trào Hamas Ismail Haniyeh. Ảnh: Al Jazeera

Thủ lĩnh Phong trào Hamas Ismail Haniyeh. Ảnh: Al Jazeera

Theo AP, Iran không có nhiều máy bay phản lực chiến đấu tiên tiến có thể hỗ trợ phòng không và thiết lập ưu thế trên không, nên IRGC và quân đội Iran đã triển khai nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa. Thế nhưng, không có hệ thống radar hoặc hệ thống phòng thủ tên lửa nào, trong số nhiều hệ thống do nước ngoài sản xuất hoặc do địa phương phát triển hoạt động ở các phạm vi khác nhau thành công trong việc ngăn chặn cuộc tấn công vừa qua.

Tờ Politico đánh giá vụ ám sát thủ lĩnh Ismail Haniyeh không chỉ là tổn thất của Hamas, mà còn bộc lộ lỗ hổng an ninh đáng báo động của Iran, vì ông Haniyeh là một trong những nhân vật trung tâm trong lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian, đáng ra phải được bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Người thủ lĩnh ôn hòa

Ông Ismail Haniyeh được sinh ra trong trại tị nạn năm 1962 trong một gia đình người Hồi giáo Palestine tại Dải Gaza. Ông gia nhập Hamas khi lực lượng được thành lập trong Intifada lần thứ nhất năm 1987 và trở thành người đứng đầu văn phòng chính trị của Hamas vào năm 2017.

Vai trò của ông Haniyeh được đánh giá là quan trọng trong việc định hình chiến lược và chính sách của Hamas, đặc biệt là liên quan Israel và Chính quyền Palestine. Tuy nhiên, ông không tham gia vào các hoạt động quân sự của Hamas tại Dải Gaza. Theo Reuters, ông Haniyeh là nhà đàm phán hàng đầu của Hamas trong cuộc đàm phán ngừng bắn nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Dải Gaza. Nhiều nhà ngoại giao coi ông là người ôn hòa so với các thành viên cứng rắn hơn của Hamas.

Ngay cả khi phải đối mặt với sự ra đi của 3 người con trai và 4 người cháu trong cuộc không kích của Israel nhằm vào chiếc xe của họ hồi tháng 4 năm nay, ông vẫn khẳng định, cuộc đàm phán ngừng bắn ở Dải Gaza giữa Hamas và Israel sẽ không bị ảnh hưởng vì đối với ông, lợi ích của người dân Palestine phải được đặt lên trên hết.

Gia tăng nguy cơ xung đột toàn diện

Giới quan sát quốc tế đánh giá vụ ám sát thủ lĩnh Ismail Haniyeh là động thái đáng lo ngại khiến căng thẳng tại khu vực Trung Đông leo thang nghiêm trọng, thậm chí gia tăng nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh toàn diện.

Theo CNN, ông Ismail Haniyeh từ lâu đã đóng vai trò trung tâm trong phong trào Hồi giáo Hamas, dẫn dắt nhóm này vượt qua nhiều cuộc chiến với Israel và trải qua các cuộc bầu cử. Ông là nhân vật chủ chốt trong các cuộc đàm phán liên quan đến lệnh ngừng bắn cũng như trao đổi con tin đang diễn ra ở Dải Gaza giữa Israel và Hamas. Gần đây hơn, ông tham gia xử lý các cuộc đàm phán và hoạt động ngoại giao cho Hamas, gồm cả những cuộc đàm phán ngừng bắn đang diễn ra (do Ai Cập, Qatar và Mỹ làm trung gian) với Israel để chấm dứt cuộc chiến ở Gaza.

Do đó, các bên nhận định cái chết của ông là một đòn giáng mạnh vào lực lượng Hamas, khiến mục tiêu đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên có thể ngày càng xa vời. Nhà phân tích chính trị và chính sách đối ngoại của Đài CNN Barak Ravid cho rằng, cái chết của thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến các cuộc đàm phán giữa nhóm này với các nước trung gian Ai Cập và Qatar, về thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin ở Dải Gaza.

Hãng tin AP nhận định, vụ tấn công kép ở Beirut và Tehran đã dập đi hy vọng về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza và có thể đẩy Trung Đông vào một “cuộc xung đột quy mô lớn hơn”. Có thể nói, vụ ám sát diễn ra vào giai đoạn tương đối căng thẳng, nhạy cảm tại Trung Đông khi chuỗi tấn công qua lại giữa Israel và nhóm Hezbollah ở Lebanon đối diện với nguy cơ lan rộng thành chiến tranh khu vực, song song đó là cuộc khủng hoảng nhân đạo tàn khốc đang diễn ra ở Dải Gaza do xung đột Hamas - Israel gây ra.

Trong khi đó, Giáo sư Abusada cho rằng, vụ ám sát có khả năng khiến Hamas rút khỏi các cuộc đàm phán ngừng bắn với Israel, ít nhất là trong vài ngày hoặc vài tuần tới, nhưng cuối cùng tổ chức này sẽ phải quay trở lại đàm phán để ngăn chặn cuộc chiến và mang lại hòa bình cho người Palestine ở Dải Gaza. Ông cho rằng, nhóm này có rất ít lựa chọn để tự mình đáp trả vụ ám sát lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh, vì cánh quân sự của nhóm đã bị suy yếu sau 10 tháng chiến đấu với Israel tại Gaza.

Người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết, hiện “không có dấu hiệu nào cho thấy tình hình sắp leo thang” ở Trung Đông và một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza vẫn có thể được diễn ra.

Cộng đồng quốc tế gấp rút hạ nhiệt căng thẳng

Tình hình Trung Đông đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết và sự kiện này đã gây ra một loạt phản ứng mạnh mẽ từ các quốc gia trên thế giới.

Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani cảnh báo, việc sát hại ông Haniyeh có thể gây nguy hiểm cho các nỗ lực bảo đảm lệnh ngừng bắn ở Gaza. Trên nền tảng X, ông Al Thani viết: “Hòa bình cần những đối tác nghiêm túc và lập trường toàn cầu là chống lại sự coi thường mạng sống con người”. Về phần mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã lên án vụ ám sát đồng minh thân cận và ông Ismail Haniyeh, nhưng kêu gọi tránh để tình hình leo thang ra ngoài tầm kiểm soát.

Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) đã tổ chức cuộc họp khẩn để thảo luận về tình hình leo thang căng thẳng nguy hiểm ở Trung Đông. Cuộc họp diễn ra theo đề nghị của Iran và được Nga, Trung Quốc, Algeria ủng hộ. Phát biểu trước các đại sứ tham dự phiên họp, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị Rosemary DiCarlo đã tái khẳng định sự cần thiết phải hạ nhiệt căng thẳng khu vực, đồng thời hối thúc cơ quan quyền lực nhất Liên Hợp Quốc “có hành động ngoại giao nhanh chóng và hiệu quả”.

Các thành viên cũng khẳng định tính cấp thiết phải hạ nhiệt tình hình, đạt được lệnh ngừng bắn và triển khai các nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn xung đột leo thang toàn khu vực. Hội đồng Bảo an một lần nữa lưu ý tới tác động của giao tranh gây ra cho dân thường, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, các nhân viên nhân đạo và nhà báo.

Tổng Thư ký LHQ António Guterres đã hối thúc cộng đồng quốc tế hành động một cách mạnh mẽ và khẩn trương nhằm giảm leo thang xung đột, ngăn chặn mọi động thái có nguy cơ đẩy toàn bộ Trung Đông tới bên bờ vực chiến tranh, đồng thời hướng tới một nền hòa bình và ổn định lâu dài cho tất cả mọi người.

Trước những diễn biến căng thẳng tại khu vực, hai hãng hàng không Mỹ là United và Delta cho biết sẽ tạm dừng các chuyến bay tới Tel Aviv. Tương tự, các Hãng hàng không Air France và Transavia France của Pháp cho biết họ sẽ tạm dừng các chuyến bay giữa Paris và Beirut cho đến cuối tuần.

Ai sẽ thay thế ông Ismail Haniyeh?

Sau cái chết của thủ lĩnh chính trị cấp cao Ismail Haniyeh, nhiều người bắt đầu tìm kiếm và tò mò về những gương mặt sáng giá kế nhiệm ông. Theo AP, Khalil al-Hayya - nhân vật quyền lực trong Hamas và thân cận với ông Haniyeh cho biết, bất kỳ ai thay thế ông Haniyeh cũng sẽ “theo đuổi cùng một tầm nhìn” về các cuộc đàm phán chấm dứt chiến tranh.

Theo các chuyên gia, ông Khaled Meshal - cựu Chánh văn phòng chính trị Hamas - là một trong số những ứng cử viên sáng giá thay thế ông Haniyeh. Ông Meshal đã sống ở Doha từ lâu và thường ngồi cạnh ông Haniyeh trong các cuộc gặp với các bộ trưởng và chức sắc đến thăm; đồng thời ông có thể thu hút được được nhiều sự đồng thuận ở Hamas hơn bất kỳ ai khác. Bên cạnh đó, hai nhân vật cấp cao của Hamas ở Doha là Mousa Abu Marzouk và Khalil al-Hayya, cũng có thể là ứng cử viên cho vị trí này.

Cơ quan tham vấn chính của Hamas dự kiến sẽ họp sớm, có thể là sau lễ tang của Haniyeh vào ngày 2.8 tại Qatar, để chỉ định người kế nhiệm. Một tuyên bố của Hamas cho biết, lễ tang được tổ chức tại Tehran vào ngày 1.8, với lễ cầu nguyện tang lễ của người Hồi giáo vào 2.8 tại Doha, sau đó là lễ an táng ông tại Lusail, thành phố lớn thứ hai của Qatar.

Châu Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/nguy-co-xung-dot-lan-rong-o-trung-dong-i383041/