Nguy cơ xung đột toàn cầu về nguyên liệu hiếm
Liên minh châu Âu (EU) đã xác định 30 loại nguyên liệu được dùng để sản xuất các vật dụng công nghệ cao như điện thoại thông minh, pin mặt trời và xe điện. Sản lượng toàn cầu của nhiều nguyên liệu này chỉ vài ngàn tấn mỗi năm, nên chúng được gọi là nguyên liệu hiếm và chỉ do số ít quốc gia kiểm soát.
Sự vượt trội của Trung Quốc
Trung Quốc hiện là nước có quyền khai thác 2/3 trong số 30 nguyên liệu thô quan trọng nói trên, bao gồm antimon, baryte và các nguyên tố đất hiếm. Nước này là 1 trong 3 nhà cung cấp hàng đầu của nhiều nguyên liệu, vượt xa Mỹ và Nga. Sự thống trị này một phần đến từ lượng lớn các mỏ ở khắp Trung Quốc, nhưng quan trọng hơn nhờ nước này đã có chiến lược trong phát triển khai thác và chế biến các nguyên liệu hiếm.
Năm 1987, lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từng nói: “Trung Đông có dầu mỏ, Trung Quốc có đất hiếm”, đã mô tả sự thống trị thị trường toàn cầu của nước này không chỉ trong lĩnh vực khai khoáng mà còn trong công nghiệp chế biến. Cụ thể, luyện kim chủ yếu được thực hiện ở Trung Quốc. Với khoáng sản khai thác được trong nước hay từ nước ngoài, Trung Quốc đều xử lý trước khi được xuất khẩu ra nước ngoài một lần nữa. Điều đó khiến Trung Quốc vừa là nhà sản xuất nguyên liệu thô quan trọng lớn nhất, vừa là nhà nhập khẩu hàng đầu nguyên liệu được khai thác ở nơi khác.
Để đảm bảo tiếp cận trực tiếp hơn nữa, các công ty Trung Quốc đầu tư vào các mỏ nước ngoài, khai thác coban ở Congo hoặc bạch kim ở Nam Phi. Đó là chiến lược Bắc Kinh áp dụng đối với các nguồn tài nguyên Trung Quốc thiếu, cũng như đối với những nguồn tài nguyên nước này có rất nhiều, chẳng hạn như florit hoặc kim loại silicon được sử dụng trong các tấm pin mặt trời. Bên cạnh việc kiểm soát chuỗi cung ứng nguyên liệu thô quan trọng, sự thống trị của Trung Quốc còn được tạo điều kiện bởi các quy định lỏng lẻo, cho phép các doanh nghiệp nước này thuê nhân công giá rẻ mạt và bỏ qua các chi phí theo dõi môi trường. Sự thống trị này cũng có được nhờ việc sử dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu và cung cấp trợ cấp cho các công ty xây dựng nhà máy.
Rủi ro gián đoạn nguồn cung
Sự thống trị của Trung Quốc không phải là mối quan tâm duy nhất đối với nguồn cung trong tương lai. Nhiều nguyên liệu được khai thác ở các quốc gia châu Á hoặc châu Phi có tình trạng bất ổn dân sự, tham nhũng hoặc lãnh đạo độc tài. Coban là thí dụ điển hình. Gần 60% nguồn cung toàn cầu bắt nguồn từ Congo, nơi xung đột nội bộ đã xảy ra trong nhiều thập niên. Do vậy, coban được gọi là "khoáng sản xung đột", do được khai thác ở nơi bất ổn và được bán để duy trì cỗ máy chiến tranh.
Có những dấu hỏi về nguồn cung trong tương lai của 10 nguyên liệu thô quan trọng được khai thác ở các quốc gia có tòa án không độc lập và tỷ lệ tham nhũng cao. Các mối lo ngại xung quanh antimon, bismuth, gali, gecmani, đất hiếm nhẹ và nặng, được khai thác ở Tajikistan, Trung Quốc, Nga và Lào, cũng như magiê, niobi, phốt pho và vonfram được tìm thấy ở Kazakhstan, Nga, Trung Quốc và một số nơi khác. Các chuyên gia lo ngại nguồn cung trong tương lai của chúng có thể bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa gia đình trị, lãnh đạo phi dân chủ, hạn chế giao dịch, bất ổn dân sự hoặc thậm chí là âm mưu quân sự trong nước.
Nếu điều này diễn ra, chúng có thể khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, chi phí thời gian ngừng hoạt động cao do ngừng sản xuất và lời kêu gọi tẩy chay của người tiêu dùng khi sản phẩm bị công khai liên quan đến vi phạm nhân quyền. Những rủi ro như vậy ảnh hưởng đến người sản xuất cũng như người mua. Các nền kinh tế công nghiệp hóa bị thiếu nguồn lực cho các công nghệ trong tương lai, trong khi các quốc gia khai thác mỏ có nguy cơ mất thu nhập và việc làm. Chẳng hạn, vào năm 2019, công ty khai thác mỏ Glencore của Thụy Sĩ đã thông báo đóng cửa Mỏ Mutanda của họ ở miền Nam Congo, khiến hàng ngàn công nhân mất việc làm.
Đi tìm giải pháp
Theo một nghiên cứu của Ủy ban châu Âu (EC), các ngành công nghiệp hàng không vũ trụ, quốc phòng, điện tử, ô tô và sử dụng nhiều năng lượng đều cần được tiếp cận với ít nhất 21 trong số 30 nguyên liệu hiếm. Không có chúng, việc sản xuất quang điện, năng lượng gió và xe điện dựa vào pin lithium-ion sẽ không thể thực hiện được. In 3D, máy bay không người lái, người máy và công nghệ kỹ thuật số khác cũng vậy. Trong số 30 nguyên liệu thô quan trọng, bauxite, kim loại silicon, borat và coban được coi là quan trọng nhất đối với công nghệ.
Vì vậy, để phát triển bền vững, các nhà nghiên cứu cần nhanh chóng tìm ra những giải pháp thay thế. Thí dụ, pin cho xe điện có thể tiếp tục làm tăng nhu cầu đối với lithium của Chile, nhưng công nghệ đó có thể được thay thế bởi động cơ đẩy hydro đòi hỏi ít vật liệu kim loại quan trọng. Tuy nhiên, Hilpert cho biết những nguyên liệu thô này có thể sẽ vẫn quan trọng, giống như quặng sắt, đồng, niken và nhôm trước đây. Ông nói: “Trong tương lai, xung đột sẽ là về các nguyên liệu thô quan trọng”.
Nghiên cứu của EC tính toán mức tăng tối đa 44 lần về nhu cầu lithium để sử dụng trong xe điện vào năm 2050. Tuy nhiên, mức sử dụng than chì và coban có thể chỉ cao hơn 11 lần so với mức hiện tại. Khai thác các mỏ mới sẽ là cách dễ dàng nhất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đối với một số trong số 30 nguyên liệu thô quan trọng, trữ lượng chưa được khai thác đã được xác định. Thí dụ, các mỏ đất hiếm ở Brazil và Việt Nam, coban ở Cuba và Nga, và titan ở Brazil và Kenya.
Một lựa chọn khác là tái chế. Tuy nhiên, quá trình này nói chung phức tạp và tốn kém, bởi các công ty sản xuất máy tính xách tay, điện thoại di động và tua-bin gió không công bố các thành phần họ chế tạo trong sản phẩm của mình, nên chỉ có họ mới có thể tái chế chúng. Và trong khi một số kim loại, chẳng hạn như vonfram hoặc coban có thể được tái chế với số lượng đáng kể, điều đó không áp dụng được cho toàn bộ nguyên liệu. Một nghiên cứu khác của EC đã phát hiện các nguyên liệu thô như gali và indi hoàn toàn không thể tái chế được. Trong những trường hợp đó, tùy chọn duy nhất khác là thay thế.
Hiện nhiều nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Nga, Hàn Quốc… xem việc phát triển công nghệ khai thác khoáng sản hiếm trên vũ trụ sẽ định dạng lại trật tự nền kinh tế toàn cầu.