Nguy hại khoe con, khen con quá mức!

Thành tích của con trẻ khiến bố mẹ mừng vui, hớn hở nhưng phải chăng chúng ta đã cường điệu quá mức tài năng, học lực, điểm số của bọn trẻ?

Kết thúc năm học vừa rồi, các trang mạng xã hội lại ngập tràn thành tích của bọn trẻ được bố mẹ khoe. Nào là ba điểm 10 tròn vành vạnh của cháu tiểu học, nào là điểm tổng kết lớp 11 trên chín phẩy, nào là con kiếm thêm được tấm giấy khen về thành tích bơi lội, cờ vua…

Người quen vào chúc mừng, thật bụng khen trẻ giỏi cũng có, người ghen tỵ dấm dẳng mấy câu trêu chọc cũng có. Nhân tiện, mấy bà mẹ nghiện khoe con được dịp đăng tải thêm hình ảnh cậu con trai cầm chổi quét nhà, cô con gái rửa chậu chén bát bẩn cùng tiếng cười hỉ hả. Ngay lập tức "cơn mưa" lời khen được dịp xối xả: "Quá đỉnh!", "Tài năng dồi dào mà kỹ năng sống vượt trội!", "Ăn gì mỗi ngày mà giỏi toàn diện thế các cháu?"… Thật là một bức tranh đầy hài hước!

Nỗ lực của con trẻ trong học tập hay sự tiến bộ trong nếp sinh hoạt thường ngày là điều đáng trân trọng. Chúng ta không nên thờ ơ xem đó là việc cỏn con chẳng đáng luận bàn, bởi một lời ngợi khen đúng lúc sẽ là động lực để trẻ tiếp tục nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê, cố gắng, kiên trì. Tuy nhiên, đừng vội vàng đánh giá bất kỳ thành tích nào của con trẻ là vượt trội, xuất sắc, là "thần đồng", là "thiên tài nhí"… bởi chiếc áo "quá khổ" mà chúng ta vô tình ướm vào người con sẽ khiến bọn trẻ chịu đựng vô số áp lực!

Một đứa trẻ luôn được khoe trên mạng rằng "hát hay, múa giỏi, giao tiếp lịch thiệp" bỗng khi gặp trong đời thực, con đã chẳng thể cất nổi lời chào cô chú ư? Một đứa trẻ luôn được bố mẹ khoe rằng "bắn tiếng Anh như gió" nhưng gặp người nước ngoài lại chỉ có thể ú ớ đôi ba từ ư? Rõ ràng là người lớn đã đề cao quá mức năng lực thực tế của trẻ khiến không ít lần trường hợp rơi vào tình huống dở khóc, dở cười.

Trẻ con một khi đã được nuôi dưỡng trong những lời khen không ngớt sẽ sản sinh thói kiêu căng, tự phụ, tự mãn với thành tích hiện tại. Để rồi trẻ rất dễ bị ảo tưởng về bản thân, đánh mất hẳn nỗ lực phấn đấu hoặc là trở nên kiêu căng, tự phụ và "xem mình là nhất". Điều này thật sự nguy hại cho sự phát triển lâu dài về nhân cách của con trẻ!

Một đứa trẻ đã được "đóng khung" giỏi đều các môn học sẽ phải luôn cố gắng giữ vững phong độ, học miệt mài để duy trì thành tích, nếu chẳng may tụt hạng sẽ phải gánh lấy cơn giận dữ của bố mẹ. Lắm lúc trước áp lực vô hình từ bố mẹ và người dưng trên mạng, con buộc phải nói dối, giấu giếm thành tích thực và trượt dài trong thành tích ảo của bản thân!

Khoe con là điều bình thường, khen con là lẽ tất nhiên. Nhưng mong rằng bố mẹ hãy khoe con đúng mức, khen con đúng mực và đừng bao giờ mặc cho con một chiếc áo "quá khổ"!

Trang Nguyễn

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/nguy-hai-khoe-con-khen-con-qua-muc-20200808210540885.htm