Nguy hại khôn lường khi bị tắc ruột do ăn măng

Những ngày sau Tết là thời gian các bác sĩ khoa tiêu hóa tại các bệnh viện phải tiếp nhận số lượng bệnh nhân cao gấp nhiều lần ngày thường. Do dịp Tết, người dân thường tiêu thụ nhiều đồ ăn, trong đó có những thực phẩm khó tiêu có thể làm tăng nguy cơ tắc ruột.

Tắc ruột vì ăn canh măng

Theo thông tin từ Bệnh viện E (Hà Nội), bệnh viện đang điều trị cho một nam bệnh nhân (72 tuổi, trú tại Hà Nội) bị tắc ruột sau khi ăn canh măng lưỡi lợn.

Trước đó, ngày 30 Tết, bệnh nhân có ăn canh măng lưỡi lợn hầm với xương. Do răng đã rụng gần hết, ông không thể nhai được kỹ khiến măng không tiêu được tắc ở ruột. Ngày mùng 1 Tết Quý Mão, người đàn ông này được con cháu đưa vào viện cấp cứu vì đau bụng, buồn nôn sau khi ăn canh măng lưỡi lợn.

TS Nguyễn Đình Liên - Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng từng cơn, bí trung và tiểu tiện, buồn nôn. Trong quá trình phẫu thuật nội soi, bác sĩ phát hiện ở ruột có khối rắn chắc, nghi ngờ tắc ruột do bã thức ăn. Kết quả cho thấy bã thức ăn từ măng khô.

Măng là loại thực phẩm nhiều chất xơ, rất khó tiêu.

Măng là loại thực phẩm nhiều chất xơ, rất khó tiêu.

TS Nguyễn Đình Liên cho biết, măng là loại thực phẩm nhiều chất xơ, rất khó tiêu. Ngoài ra, trong dịp Tết, người dân thường tiêu thụ nhiều đồ ăn mặn khiến cơ thể tăng hấp thu nước ở ống tiêu hóa, đặc biệt là đại tràng. Hiện tượng này sẽ làm cho khối phân bị "vắt" kiệt nước, rắn, di chuyển rất khó khăn, làm tăng nguy cơ tắc ruột. Bệnh nhân bị tắc ruột thường xuất hiện các triệu chứng như đau bụng từng cơn, đau vùng thượng vị, nôn. Khi có những biểu hiện này, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.

“Để phòng nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa và tránh tắc ruột, các gia đình cần lưu ý khi ăn uống nên nấu chín, ninh nhừ thức ăn cho trẻ nhỏ và người cao tuổi” - TS Nguyễn Đình Liên khuyến cáo.

Trước đó, hồi tháng 8/2022, chỉ trong hai tuần, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận điều trị cho 20 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng do tắc ruột do ăn nhiều măng khô và mít.

Theo các bác sĩ, tắc ruột non là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp. Măng, mít, ổi, cóc… là những món ăn khoái khẩu của nhiều người. Tuy nhiên, nếu ăn không đúng cách, ăn quá nhiều, đặc biệt là ăn nhiều khi bụng đói có thể gây tắc ruột, biến chứng dẫn đến tử vong. Những người dễ bị tắc ruột do bã thức ăn là người già răng rụng, người đã phẫu thuật cắt dạ dày, người có thói quen ăn nhanh không nhai kỹ. Khi xuất hiện các triệu chứng như: đau bụng, nôn, bí trung tiện, chướng bụng, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị. Nếu không được xử trí kịp thời, tắc ruột do ứ đọng bã thức ăn có thể gây biến chứng hoại tử ruột, thủng ruột, viêm màng bụng, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân… dẫn tới tử vong.

Các bác sĩ lưu ý, trước khi ăn các món có nhiều nhựa như: ổi, hồng ngâm, măng khô, cần phải ăn khi no. Để phòng nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa, đặc biệt ở người cao tuổi, người dân cần lưu ý thức ăn phải nấu chín, ninh nhừ, nhai kỹ khi ăn.

Suýt tử vong vì hóc đoạn lòng luộc dài 25cm

Trong một hoàn cảnh khác, ngày 28/1, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Quảng Nam cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận một bệnh nhân trú phường Điện An, thị xã Điện Bàn, bị suy hô hấp do dị vật đường thở. Theo người nhà, do vừa ăn lòng lợn, vừa nói chuyện, bệnh nhân bị sặc dẫn đến khó thở, ho sặc sụa, da tím tái, tím môi và tím đầu chi.

Các bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân bị hóc lòng luộc dài 25 cm. Ảnh: BVCC.

Các bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân bị hóc lòng luộc dài 25 cm. Ảnh: BVCC.

Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp suy hô hấp cấp do dị vật đường thở, nên đã gắp dị vật qua đèn soi nội khí quản. Quá trình cấp cứu kéo dài khoảng 10 phút, các bác sĩ đã gắp thành công dị vật dài khoảng 25cm là đoạn lòng luộc nằm giữa 2 dây thanh quản ra ngoài. Sau khi lấy dị vật, bệnh nhân tỉnh, thở đều, da môi hồng hào.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Thương - Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Quảng Nam, các trường hợp mắc dị vật đường thở là rất nguy hiểm, người bệnh có thể tử vong bất cứ lúc nào. Vì vậy, việc nhanh chóng xác định được vị trí dị vật mắc và tiến hành nội soi gắp dị vật là rất quan trọng, quyết định đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

Bác sĩ khuyến cáo, người dân cần chú ý ăn, uống đúng cách, không được nằm khi ăn hoặc uống bất cứ loại gì. Chúng ta nên ăn miếng nhỏ và gập cổ khi nuốt, không được ngửa cổ; không xem tivi, đọc báo, nói chuyện... làm mất tập trung khi đang ăn; tránh dùng các thuốc an thần, gây ngủ ngoài chỉ định.

Liên quan đến vấn đề hóc dị vật, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý, khi bị hóc dị vật, nạn nhân thường có những biểu hiện như: ho sặc sụa, tím tái mặt mày, khó thở do dị vật mắc vào thanh quản, một số trường hợp thiếu oxy có thể xuất hiện những triệu chứng như: giãy giụa, mặt đỏ bừng, ngã vật xuống…

Cho rằng hóc dị vật là một trong những tai nạn thường gặp, có thể dễ dàng tự khắc phục, rất nhiều người đã tự ý chữa hóc dị vật bằng mẹo. Thông thường, chúng ta vẫn cố gắng sử dụng tay móc họng hoặc dùng vật cứng móc ngoáy sâu vào họng. Nhiều người còn sử dụng nguyên cục cơm, hoa quả cố nuốt trọn để mong lấy được dị vật ra. Điều này vô cùng nguy hiểm vì có thể gây nên trầy xước, dẫn đến các biến chứng như: viêm thanh quản, viêm tấy có mủ.

Theo các chuyên gia y tế, nhằm phòng tránh biến chứng của dị vật đường thở đối với trẻ nhỏ và người cao tuổi, chúng ta cần phải chú ý thêm trong quá trình chăm sóc, cần ghi nhớ cách sơ cứu khẩn nếu gặp tình trạng này. Điều này sẽ giúp tránh được các tình trạng xấu nhất khi gặp tại ngoài đời.

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nguy-hai-khon-luong-khi-bi-tac-ruot-do-an-mang.html