Nguy hiểm chết người từ những cơn đau thắt ngực
Bệnh động mạch vành là tình trạng động mạch vành tim bị nghẽn đưa đến tình trạng cơ tim bị thiếu dưỡng khí. Trong số các bệnh lý về tim mạch, đây là căn nguyên gây tử vong hàng đầu và người bệnh đang có xu hướng trẻ hóa.
Cần phân biệt rõ 2 cơn đau ngực
Tim là một khối cơ mà công việc chính là bơm máu đi khắp cơ thể, nó phình ra và co vào khoảng 70 lần mỗi phút, cứ mỗi phút là có khoảng 5 lít máu được bơm vào lòng động mạch. Khi bị stress về thể chất hoặc tâm thần, tim phải hoạt động nhiều hơn để đáp ứng với nhu cầu tăng cao về máu (có thể lên đến 40 lít trên một phút). Cũng giống như bất kỳ cơ quan khác, tim cần máu giàu oxy để hoạt động. Động mạch vành là những mạch cung cấp máu đến nuôi cơ tim. Có ba nhánh chính chạy trên bề mặt của tim. Nhánh động mạch vành chính trái (Left main Coronary Artery) được chia thành hai nhánh là nhánh trước xuống trái (Left Anterior Descending) và nhánh mũ trái (Left Circumflex), cung cấp máu vào phía trước, bên trái và mặt sau của tim. Nhánh động mạch vành phải (Right Coronary Artery) cung cấp máu cho mặt dưới và bên phải của tim.
Bệnh lý mạch vành làm hẹp lòng động mạch vành và do đó ảnh hưởng đến việc cấp máu cho tim. Có một số yếu tố nguy cơ, trong đó sự xuất hiện của bệnh mạch vành được tìm thấy là phổ biến hơn, bao gồm: hút thuốc lá, tiểu đường, cao huyết áp, tăng lipid máu (tăng mỡ trong máu), béo phì, thiếu vận động, stress và tiền sử gia đình mắc bệnh động mạch vành hoặc chỉ đơn thuần là lão hóa. Mảng xơ vữa bắt đầu tích tụ vào lớp nội mạc thành mạch của động mạch vành dẫn đến tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn các động mạch, lưu lượng máu không còn duy trì ở mức bình thường nữa và điều này dẫn đến đau ngực (đau thắt ngực). Nếu không được điều trị kịp thời, nhồi máu cơ tim có thể xảy ra.
Tần suất mắc bệnh mạch vành đã trở nên phổ biến hơn ngay cả trong nhóm tuổi trung niên và thanh niên. Bác sĩ tim mạch sẽ chẩn đoán bệnh mạch vành dựa trên cơ sở của các triệu chứng, điện tâm đồ, các nghiệm pháp gắng sức, chụp động mạch vành bằng phương pháp cắt lớp điện toán (Computer tomography) hay cộng hưởng từ (Mangetic Resonance Imaging) và cuối cùng là chụp động mạch vành. Chụp động mạch cho đến nay vẫn là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán và lập kế hoạch điều trị bệnh mạch vành.
PGS-TS Nguyễn Hữu Ước – Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực - cho biết: đau thắt ngực là triệu chứng thường gặp và điển hình của bệnh động mạch vành. Người bệnh cần phân biệt cơn đau thắt ngực ổn định với đau thắt ngực không ổn định.
Các cơn đau thắt ngực ổn định thường xuất hiện ở vùng sau của xương ức, nó là hậu quả của sự hẹp cố định động mạch vành và các mảng xơ vữa mạch vành ổn định. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là vì khi mạch vành bị hẹp sẽ khiến cho lưu lượng máu đến nuôi cơ tim bị giảm và dẫn đến triệu chứng đau ngực. Cơn đau sẽ xuất hiện khi người bệnh hoạt động gắng sức hoặc gánh nặng tâm lý. Đau thắt ngực ổn định thường làm cho người bệnh bị đau ngực đột ngột, không thể tiếp tục công việc đang làm, dừng luôn mọi hoạt động. Cảm giác đau tức ngực như có gì bóp chặt, đè nặng vùng sau xương ức hoặc phía bên quả tim. Cơn đau có thể lan sang 2 bên vai, lên 2 bên quai hàm dưới ra phía trong tay trái hay lên cổ. Cũng có một vài trường hợp, người bệnh có thể cảm thấy đau ở bên phải, vùng thượng vị, khiến nhầm lẫn thành cơn đau dạ dày cấp.
Ngày nay, các trường hợp đau ngực ổn định cũng đang dần được quan tâm và điều trị sớm ở một số trường hợp. Đối với những cơn đau thắt ngực ổn định thì người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi điều độ, giúp cho nhịp tim chậm lại thì động mạch vành sẽ đáp ứng được nhu cầu oxy của cơ tim và làm giảm hẳn các cơn đau.
Ngược lại, đau thắt ngực không ổn định, hay còn gọi là hội chứng mạch vành cấp, xuất hiện do sự giảm đột ngột của dòng máu mạch vành đến nuôi cơ tim mà nguyên nhân thường là do nứt vỡ mảng xơ vữa dẫn đến bít tắc đột ngột toàn bộ hoặc một phần lòng mạch. Đây là tình huống cần được cấp cứu khẩn cấp. Triệu chứng đau ngực thắt ngực không ổn định thường dữ dội, kéo dài hơn so với đau thắt ngực ổn định. Các cơn đau sẽ có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều với mức độ đau tăng dần, có thể trở nên tồi tệ hơn trong một khoảng thời gian rất ngắn.
Các cơn đau thắt ngực không ổn định vô cùng nguy hiểm, nó không chỉ gây ra nhồi máu cơ tim cấp mà còn có thể khiến cho người bệnh tử vong đột ngột nếu không cấp cứu kịp thời. Ngay cả khi được cấp cứu kịp thì khả năng bị di chứng về sau cũng khá nặng nề.
Ngoài dấu hiệu điển hình là những cơn đau thắt ngực, người mắc bệnh động mạch vành còn gặp phải các triệu chứng như đau ngực, đặc biệt là ở giữa ngực hoặc bên ngực trái, kéo dài trong vài phút, hoặc biến mất và quay trở lại. Đau cảm giác tức nặng như có áp lực đè ép, đầy; khó chịu vùng ngực kèm theo đau mỏi ở một hoặc cả hai cánh tay, vai, cổ, hàm hoặc phần trên của dạ dày; khó thở, có hoặc không có đau ngực; buồn nôn hoặc nôn, chóng mặt hoặc ra mồ hôi lạnh, đánh trống ngực, khó chịu vùng ngực.
Sống lành mạnh để ngăn chặn bệnh
TS-BS. Nguyễn Đức Hải - Bệnh viện TƯQĐ 108 - cho biết: Trước hết, cần được nghỉ ngơi ngay lập tức, nghĩa là phải dừng ngay lập tức mọi loại gắng sức, dùng thuốc nitroglycerin dạng ngậm hoặc xịt dưới lưỡi và đến bệnh viện càng sớm càng tốt để có thể được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Đây là động tác cực kỳ quan trọng, giúp cứu sống rất nhiều bệnh nhân vì chỉ cần một gắng sức rất nhỏ cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.
Có 2 phương pháp điều trị bệnh mạch vành là điều trị nội khoa và điều trị can thiệp. Điều trị nội khoa là phương pháp điều trị bằng thuốc; có thể dùng một loại hay phối hợp nhiều thứ thuốc với nhau như: các thuốc chống kết vón tiểu cầu (aspirin, plavix); các thuốc ức chế thụ thể beta (như tenormin, betaloc…); các thuốc chẹn kênh calci (amlordipin, tildiazem…); các thuốc hạ cholesterol máu (nhóm statin như zocor, crestor, lipitor…) hay nhóm fibrat (như lipanthyl, lopid…). Và một điều rất quan trọng là sửa chữa các yếu tố nguy cơ tim mạch, đặc biệt là bỏ thuốc lá, điều trị tốt đái tháo đường và tăng huyết áp…
Mặt khác, điều trị can thiệp gồm can thiệp hoặc phẫu thuật. Can thiệp động mạch vành qua da là phương pháp dùng các dụng cụ chuyên biệt để nong đoạn động mạch vành bị hẹp, làm tái lưu thông trở lại bình thường đoạn động mạch vành bị hẹp mà không phải mổ. Một phương pháp khác là phẫu thuật bắc cầu nối. Dùng một đoạn động hoặc tĩnh mạch bắc cầu từ nguồn cấp máu qua vị trí động mạch vành tổn thương nối với đoạn động mạch vành phía sau đoạn hẹp, như vậy máu sẽ được cung cấp cho vùng cơ tim bị thiếu máu thông qua 1 cầu nối mới.
Dù rất nguy hiểm nhưng nếu kiểm soát tốt, người bệnh mạch vành hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh. Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân những phương pháp được phối hợp đồng bộ như điều trị bằng thuốc là lựa chọn đầu tiên để giảm đau ngực, chống loạn nhịp tim và ngăn ngừa hình thành cục máu đông. Tuy nhiên, sử dụng loại thuốc nào còn tùy vào mức độ bệnh cũng như đáp ứng của từng người. Bạn cần phải dùng thuốc theo đơn bác sĩ.
Trong một số trường hợp sau bác sĩ có thể sẽ chỉ định can thiệp đặt stent hay phẫu thuật nhằm nhanh chóng giải quyết vấn đề cung cấp máu cho cơ tim: Tắc hẹp nặng với tỷ lệ 70 - 80%; tắc hẹp nhẹ nhưng lại có gặp phải những cơn đau thắt ngực không ổn định. Tuy nhiên, không phải cứ tắc hẹp mạch vành là cần phải áp dụng đến phương pháp này, chỉ tiến hành khi có chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh đó, một lối sống lành mạnh có thể ngăn chặn bệnh mạch vành trở nên tồi tệ hơn. Bạn nên bỏ hút thuốc lá vì nicotin trong thuốc lá gây co thắt động mạch vành và khiến mạch máu bị xơ vữa nhiều hơn. Ăn uống lành mạnh, nên tăng rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, cá thay vì thịt đỏ trong thực đơn hàng ngày. Kiêng ăn thực phẩm giàu cholesterol (nội tạng, da, mỡ động vật), ăn giảm muối, hạn chế rượu bia; thể dục thường xuyên, tốt nhất nên chọn đi bộ và tăng dần thời gian tập luyện và tốc độ mỗi ngay; giảm cân nếu bạn thừa cân.
Bệnh động mạch vành là căn bệnh nguy hiểm, nếu không được phát hiện và được điều trị can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim và đột tử. Vì vậy PGS-TS Nguyễn Hữu Ước khuyến cáo, mỗi người cần thực hiện lối sống lành mạnh, đi kiểm tra sức khỏe đều đặn, đặc biệt khi có các triệu chứng bệnh để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh.