Nguy hiểm khi chơi thể thao quá sức

Gãy chân khi thi đấu pickleball, tử vong khi chạy bộ là những biến cố nghiêm trọng gây lo ngại cho cộng đồng yêu thể dục, thể thao.

Đột tử, đột quỵ, chấn thương khi thi đấu

Ngày 7-4, Bệnh viện Trung ương Huế xác nhận một nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đột quỵ, có dấu hiệu ngưng tim khi đang tham gia giải chạy bộ. Mặc dù được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng bệnh nhân không qua khỏi. Cũng liên quan đến giải chạy này, các bác sĩ tiếp nhận 3 trường hợp khác nhập viện vì chấn thương nhẹ.

 Một bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy do suy gan, suy thận khi tham gia giải chạy 42km

Một bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy do suy gan, suy thận khi tham gia giải chạy 42km

Đây không phải trường hợp biến cố hiếm gặp ở các giải chạy marathon thời gian qua. Hồi tháng 5-2024, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận bệnh nhân T.Q.T. trong tình trạng nguy kịch vì bị hội chứng tiêu cơ vân cấp. Bệnh nhân lơ mơ, bứt rứt, co giật, nước tiểu có màu nâu sậm. Các bác sĩ lập tức xử trí cấp cứu, bù dịch, kiềm hóa nước tiểu, tiến hành lọc máu để cứu sống người bệnh.

Cùng thời gian, tại Hà Nội, một vận động viên 34 tuổi tham gia giải chạy marathon đã ngã gục khi chỉ cách vạch đích khoảng 100m. Bệnh nhân được cấp cứu ngừng tuần hoàn tại chỗ khoảng 30 phút nhưng không hiệu quả, sau đó được chuyển đến bệnh viện tiến hành hồi sức tích cực. Do tình trạng quá nặng, vận động viên đã tử vong sau đó.

Không riêng chạy bộ, nhiều môn thể thao khác cũng ghi nhận xảy ra biến cố nghiêm trọng. Bệnh viện Nhân dân Gia Định từng tiếp nhận người đàn ông 59 tuổi đột ngột lên cơn khó thở, tím tái, ngã gục khi đang nâng tạ tập gym. Các bác sĩ phải vừa hồi sức cho người bệnh, vừa mở ngực phẫu thuật cấp cứu phát hiện vết thương vỡ tim khoảng 7mm. Ca phẫu thuật kéo dài gần 4 giờ đã cứu sống tính mạng người bệnh.

Gần đây nhất, một phụ nữ 30 tuổi tại TPHCM phải nhập viện cấp cứu do chấn thương khi đang thi đấu pickleball. Dựa trên kết quả chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM xác định người bệnh gãy 1/3 giữa thân xương đùi bên trái. Mặc dù được phẫu thuật kết hợp xương thành công, bệnh nhân phải mất ít nhất 6 tháng phục hồi để trở lại chơi thể thao.

Cẩn trọng với các biến cố

Theo TS-BS Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, tập luyện thể dục thể thao phù hợp giúp giảm nguy cơ ung thư, tăng cường sức khỏe và trạng thái tinh thần thoải mái, cải thiện giấc ngủ, duy trì chức năng cơ - xương, duy trì cân nặng lý tưởng, giảm nguy cơ mắc đái tháo đường type 2, kiểm soát huyết áp, đường huyết, mỡ máu…

Tuy nhiên, những trường hợp tập luyện quá sức, bao gồm chạy bộ, có thể dẫn đến các biến cố tim mạch. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, tần suất đột tử do tim liên quan thể thao dao động khoảng 4,6 trên 1.000.000 người/năm. Trong đó, 92% xảy ra trong lúc chơi thể thao; 7,4% xảy ra ngay sau luyện tập.

Các bác sĩ cũng cảnh báo, hoạt động thể thao cường độ cao có thể kích hoạt ngừng tim ở người có sẵn yếu tố nguy cơ, như tăng huyết áp hoặc tiền sử gia đình có người đột tử.

Tuy nhiên, BS Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh, đột tử do tim có thể dự phòng bằng các chương trình tầm soát, đặc biệt là ở nhóm đối tượng từ 35 tuổi trở lên, từ đó có những lựa chọn mức độ luyện tập phù hợp để giảm thiểu biến cố tim mạch.

Hiện nay, phong trào chạy bộ rèn luyện sức khỏe đang phát triển mạnh, thu hút đông đảo người tham gia. Người tham gia cần đặt an toàn lên cao nhất, lượng sức mình, điều chỉnh cự ly và thời gian phù hợp với sức khỏe của bản thân. Bởi lẽ, khi chạy tốc độ cao trong thời gian dài sẽ khiến tim phải làm việc liên tục, gây ra tình trạng quá tải. Khi đó, cơ thể gặp triệu chứng tức ngực, tim đập nhanh, huyết áp tăng đột ngột.

Theo TS-BS Phạm Minh Huy, Khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy, tập luyện thể thao quá sức có thể gây tác dụng ngược, do vậy cần tập luyện với mức độ phù hợp, bắt đầu từ từ rồi tăng dần cường độ, không nên hoạt động quá sức ngay một lúc.

Trường hợp xuất hiện triệu chứng như quá mệt mỏi, không giơ tay chân được, nước tiểu sậm màu, người chơi thể thao cần đến bệnh viện để kiểm tra và xử trí kịp thời.

MINH KHUÊ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nguy-hiem-khi-choi-the-thao-qua-suc-post790495.html