Gặp lại 'hoa khôi' của Trung đội nữ lái xe Trường Sơn năm xưa
Giữa bom đạn chiến tranh, có những cô gái chưa tròn đôi mươi tay nắm chắc vô lăng, đêm ngày dọc ngang tuyến lửa. Chúng tôi gặp lại Đại úy QNCN Bùi Thị Vân - 'hoa khôi' của Trung đội nữ lái xe Trường Sơn năm nào. Ngày đầu xung phong vào trận tuyến, chị mới 16 tuổi…
“Cái buồng lái là buồng con gái”
Thật khó để tìm thấy điểm chung giữa những nữ lái xe Trường Sơn một thuở mạnh mẽ, ngang tàng với người phụ nữ gần 80 tuổi dịu dàng, đôn hậu đang ngồi trước mặt tôi. Cũng thật khó để tin rằng, người con gái từng được mệnh danh là “hoa khôi Trường Sơn” lại có thể gan góc băng qua những trọng điểm đánh phá khốc liệt như Ngã ba Đồng Lộc mà không hề nao núng. Giống như nhà thơ Phạm Tiến Duật đã từng viết tặng các chị:
"Không thể tin là em đã qua
Nơi túi bom bay mù bụi đỏ
Đường gập ghềnh ngổn ngang cây đổ
Trời lô nhô thân gỗ cưa ngang…".
Năm 16 tuổi, cô thiếu nữ Bùi Thị Vân trốn nhà đi thanh niên xung phong, khai gian hai tuổi để được ra chiến trường. "Tôi đi, cả nhà ngăn cản lắm. Các cụ bảo con gái vào nơi bom đạn mà làm gì? Nhưng tôi lại nghĩ, làm sao có thể ngồi im khi đất nước có chiến tranh”, bà Vân nhớ lại. Ngày bà nuốt nước mắt vào trong để ra đi, cả gia đình cũng khóc hết nước mắt vì thương và lo sợ con gái sẽ một đi không trở lại.

Ở tuổi gần 80, Đại úy QNCN Bùi Thị Vân - “hoa khôi” của Trung đội nữ lái xe Trường Sơn năm xưa đầy dịu dàng, đôn hậu.
Những ngày đầu, công việc của bà là san lấp hố bom, mở đường cho xe qua. Sau ba năm, cô gái trẻ được tuyển chọn vào phục vụ trong quân ngũ. Qua ba đợt tuyển, mỗi đợt 15 người, một Trung đội nữ lái xe mang tên Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Hạnh được ra đời. 45 cô gái trẻ sau đó được trải qua một khóa đào tạo lái xe ngắn hạn tại Nam Đàn, Nghệ An.
“Mới đầu tôi và mấy chị em không khỏi choáng ngợp khi nhìn thấy những chiếc xe Gaz đồ sộ. Mình nhỏ thó, chỉ chừng 40-45kg, đứng trước cỗ máy to lớn ấy mà e dè lắm. Nhất là lúc lên dốc, xuống dốc, cả đám cứ nín thở, mắt mở tròn vì căng thẳng. Các anh lái xe nam thấy vậy liền trêu, đưa cho mỗi người một hạt cà phê nhai cho bớt run. Với thân hình nhỏ bé, tôi gần như lọt thỏm trong buồng lái. Ngồi vào ghế, chân còn chưa chạm sàn, tay thì với mãi mới tới vô lăng. Phải kê chăn phía dưới cho cao ngang tay lái, đằng sau lưng còn chèn thêm một can nhựa 20 lít làm điểm tựa. Vậy mà cũng quen dần, tay lái cứ thế vững thêm từng ngày”, bà Vân nhớ lại những ngày đầu học lái xe.
Họ phải tập trung cao độ để tập điều khiển những chiếc xe tải lớn, tập lái trên những con đường hiểm trở, tập phản ứng khi gặp máy bay địch. 45 ngày huấn luyện gian khổ, những cô gái nhỏ bé ngày nào chính thức tay cầm vô lăng, chân đạp ga, đạp phanh, bắt đầu hành trình dọc ngang tuyến lửa.

Bà Vân thời còn trẻ tại chiến trường. Ảnh: NVCC
Nhiệm vụ của họ là vận chuyển lương thực, thuốc men, vũ khí từ Vinh (Nghệ An), men theo những con đường trọng yếu như 12, 15, 18, 20, 22 vào đến bờ bắc sông Gianh (Quảng Bình) rồi đón thương binh về tuyến sau. Mỗi chuyến xe trở ra Bắc như vậy đưa theo 24 thương binh hoặc cán bộ từ miền Nam ra ngoài an dưỡng, học tập. Có những chuyến đi không dừng lại ở đó, theo lệnh điều động, bánh xe lại lăn sâu vào chiến trường, thậm chí vượt cả biên giới, sang đất bạn Lào.
Giữa bom đạn chiến trường, không ít lần bà Vân bị kẹt giữa vòng oanh tạc. Máy bay gầm rú, bom rơi liên hồi, xe rung lên dữ dội. Các thương binh hoảng hốt hét lớn kêu bà bỏ xe mà chạy. Nhưng bà vẫn ghì chặt vô lăng, quyết không rời họ. May thay, một đoàn công binh gần đó phát hiện, kịp chạy tới để hỗ trợ các chị cõng từng thương binh vào hầm trú ẩn.
“Dần dà chúng tôi quen với tiếng bom rơi. Khi tôi đang lái xe, mấy cô thanh niên xung phong hoảng hốt chỉ tay lên trời, hô to rằng máy bay địch đang đến. Nhưng chúng tôi chỉ cười nhẹ, xua tay coi đó là chuyện bình thường. Bom thả phía sau thì chúng tôi nhấn ga chạy về phía trước, thả phía trước thì rẽ gấp sang đường khác. Chạy mãi rồi thành phản xạ, chẳng có gì sợ hãi cả”, bà Vân bộc bạch.
Điều khiến những cô gái trẻ phải rơi nước mắt là xót xa bởi những thương binh mà họ chở phía sau xe, người bị cụt tay, người bị cụt chân, quằn quại trong đau đớn. Đường gập ghềnh, chiếc xe xóc nảy khiến họ càng thêm khổ sở. Có những người không chịu nổi mà gào thét, chửi bới…
“Đẹp lắm đấy những ngày đánh Mỹ”
Những chuyến xe Trường Sơn ngày ấy thường được ngụy trang bằng lá cây để tránh sự phát hiện của địch. Riêng xe của bà Vân luôn có một nhành lan rừng trong buồng lái, như một nét mềm mại giữa chiến trường khốc liệt. Bà được đồng đội gọi là Vân “hoa lá”. Không chỉ vậy, với vẻ đẹp dịu dàng, bà còn được ví như “hoa khôi” của Trung đội nữ lái xe. Hình ảnh bà tươi cười thời trẻ sau này còn được chọn làm bìa cuốn sách “Nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn”.

45 cô gái Trung đội nữ lái xe mang tên Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Hạnh. Ảnh tư liệu
Dù nhỏ nhắn, bà vẫn phải làm tất cả những công việc nặng nhọc như nam giới. Những lần xe hỏng, bà phải cố định cờ-lê, bám vào thành xe, dùng cả người đu lên để vặn ốc. Có khi phải chui xuống gầm xe sửa nhíp, dùng chân đạp mạnh để nới lỏng con ốc rồi lại bò dậy tiếp tục đạp.
“Những vết bỏng rộp, tóe máu trên lòng bàn tay vì quay ma-ni-ven khởi động xe hay những lần hút xăng bằng miệng, nuốt cả ngụm xăng dầu vào cổ họng rồi ói mãi không hết ghê… là chuyện thường ngày của cả đội. Nhưng tinh thần vẫn không hề lung lay, ai nấy đều quyết tâm bám trụ, cùng nhau vượt qua mọi thử thách”, bà Vân hồi tưởng.
Giữa núi rừng Trường Sơn, với bà Vân, điều khiến bà khiếp đảm hơn cả không phải là bom đạn mà lại là... sợ ma. Có những đêm một mình giữa khoảng rừng trống, xe bất ngờ chết máy, bà vừa sửa xe vừa khóc nức nở.
Dẫu sống và chết đôi khi chỉ cách nhau gang tấc, nhưng điều kỳ diệu là cả 45 nữ lái xe Trường Sơn năm ấy đều bình an trở về. Giữa mưa bom bão đạn, họ vẫn giữ nguyên sự hồn nhiên của tuổi trẻ, hát vang những bài ca như “Cô gái mở đường”, “Tôi người lái xe”... trong những cabin nồng nặc mùi xăng dầu. Có người trêu rằng, trông các chị như đi văn công chứ không phải làm hậu cần. Các chị chỉ cười, bảo rằng nhiệm vụ nào được giao, cũng hoàn thành cho bằng được.
Bước qua đạn bom, dù cho cuộc sống còn nhiều vất cả thì tình cảm chị em của Trung đội nữ lái xe Trường Sơn năm nào cũng không hề thay đổi. Hằng năm, vào tháng 12, bà Vân cùng đồng đội cũ lại tập trung tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, ngồi lại bên nhau để ôn lại những năm tháng đã qua. Người còn, người đã mất, nhưng những kỷ niệm vẫn nguyên vẹn. Họ luôn tâm niệm rằng: đời có thể quên chị em chúng mình nhưng chị em chúng mình đừng bao giờ quên nhau.
… và chuyến xe nên duyên vợ chồng
Cuối năm 1970, trong một chuyến xe chở thương binh từ mặt trận về hậu phương, bà Vân gặp người lính trẻ quê Hà Nội bị thương nặng. Bà không ngần ngại cõng anh lên xe, đồng hành suốt hành trình đầy bụi đỏ. Trước khi chia tay, anh khẽ xin địa chỉ hòm thư. Ít lâu sau, những lá thư chân thành không tên gửi đến: “Chỉ gặp một lần trên chuyến xe mà cứ nhớ nhớ thương thương”.
Rồi lần khác, anh lại viết: “Bom đạn không sợ, nhưng khi đối diện với người mình yêu, có những điều tưởng chừng đơn giản lại không thể nói ra”.

Bà Vân và chồng thời còn tại chiến trường. Ảnh: NVCC
Bà đọc thư, lòng có chút rung động, nhưng giữa chiến tranh, tình cảm riêng tư khó bày tỏ. Bởi khi ấy, họ còn phải thực hiện 3 khoan: Khoan yêu, yêu rồi thì khoan lấy; lấy rồi thì khoan sinh con.
Đến những năm cuối chiến tranh, họ gặp lại. Anh ngập ngừng hỏi về thư, bà tủm tỉm trêu: “Thư nào đâu?”. Sau này bà kể, cô cố tình trêu để xem phản ứng, và anh chỉ cười: “Sợ em chê thương binh thì dang dở”.
Ngày ngày, anh đạp xe đến đón bà sau mỗi ca lái, không lời nài nỉ, chỉ lặng lẽ chờ đợi. Chính sự chân thành ấy khiến bà cảm động. Năm 1974, bà đồng ý làm vợ anh. Sau giải phóng, cuộc sống giản dị, họ có 5 con và dù vất vả, ngôi nhà nhỏ vẫn luôn ngập tràn hạnh phúc.
Video: Bài thơ “Gửi em, cô bộ đội lái xe” được nhà thơ Phạm Tiến Duật sáng tác năm 1968 khi xúc động chứng kiến những cô gái của Trung đội nữ lái xe Trường Sơn huyền thoại.