Nguy hiểm khi lạm dụng thụ tinh ống nghiệm để 'vừa nhanh, vừa dễ thu tiền'
Sau nhiều năm theo đuổi chữa vô sinh, chị Ngọc 'chết điếng' khi bác sĩ thông báo mình rất khó có thêm con vì tác dụng phụ sau khi tiêm thuốc kích trứng để chuẩn bị thụ tinh ống nghiệm.
Lời tòa soạn
Năm 1997, lần đầu tiên tại Việt Nam, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) được thực hiện. Một năm sau, các em bé chào đời. Mặc dù bắt đầu muộn so với thế giới (1978) và khu vực (1984), nhưng hiện nay, Việt Nam là nước thực hiện IVF nhiều nhất khu vực ASEAN và là nước đi đầu về kỹ thuật này của khu vực. Nước ta có khoảng 50.000 trường hợp IVF mỗi năm, cho đến nay ước tính đã có khoảng 200.000 trẻ ra đời ở Việt Nam từ kỹ thuật này.
Đây được xem là thị trường y tế siêu lợi nhuận mang lại hàng triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ lo ngại kỹ thuật hỗ trợ sinh sản sẽ bị thương mại hóa.
VietNamNet xin đăng tuyến bài: 'Nở rộ' trung tâm hỗ trợ sinh sản, người hiếm muộn thành khách hàng tiềm năng để phản ánh về thực tế bức tranh điều trị vô sinh hiếm muộn tại nước ta.
Kỳ 1: Dịch vụ thụ tinh ống nghiệm: Ngành 'công nghiệp' siêu lợi nhuận?
Suýt mất mạng khi tiêm thuốc, chọc trứng
Suốt 7 năm kiên trì chữa vô sinh, với vợ chồng chị Ngọc, anh Hoan, đây là khoảng thời gian vừa thấp thỏm hy vọng đợi chờ, rồi lại rơi vào thất vọng và cuối cùng là đau đớn vì mong ước làm cha mẹ thêm một lần nữa vẫn rất gian nan.
Anh Hoan kể lại từ năm 2014 hai vợ chồng anh chị dự định sinh thêm con thứ hai nhưng “thả” mãi không được. "Tôi đi cắt thuốc nam, thuốc bắc. Ai mách thuốc nào là vợ chồng đều tìm đến với hy vọng kiếm thêm mụn con", anh chia sẻ.
Nhiều năm kiên trì uống đủ các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng đều không có tác dụng. Cuối năm 2020, vợ chồng anh đi khám hiếm muộn tại một bệnh viện ở Hà Nội. Bác sĩ chẩn đoán khả năng sinh sản của anh Hoan bình thường nhưng vợ có u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung nên khó mang thai tự nhiên. Cách để họ có con là làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Mừng rỡ vì cuối cùng đã có hướng giải quyết, hai vợ chồng anh Hoan đồng ý làm kỹ thuật hỗ trợ sinh sản bằng IVF. Để thực hiện kỹ thuật này, vợ anh Hoan phải tiêm ba liều thuốc kích trứng. Tuy nhiên, khi tiêm, thuốc làm thay đổi nội tiết nên lạc nội mạc tử cung của chị Ngọc phát triển nhanh chóng, u xơ cũng to dần lên theo thời gian.
Ngày chọc trứng, bác sĩ lấy được 5 quả nhưng đổi lại vợ anh bị nhiễm trùng buồng trứng dẫn tới phải vào cấp cứu tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội).
Nhớ lại thời điểm đó, anh Hoan tâm sự: “Vợ tôi yếu lắm, tôi còn tưởng cô ấy không vượt qua được. Khi tư vấn, bác sĩ có nói những biến chứng có thể xảy ra nhưng không ngờ mình lại rơi vào trường hợp hiếm hoi đó. Bụng cô ấy cứng đanh, chướng to, tiêm đủ các loại thuốc cũng không giảm, người gày xanh như con cá mắc cạn. Mỗi liều thuốc tiêm có giá đến 4,5 triệu đồng".
Sau đó, vợ anh Hoan được chuyển lên bệnh viện tuyến trên phẫu thuật. Hiện tại, tình hình sức khỏe không cho phép chị được can thiệp gì thêm để có con.
Với 5 phôi có được từ lần chọc trứng, gia đình làm thêm kỹ thuật sàng lọc phôi. Nhưng 3 ngày sau, phôi thui chột chỉ còn 3. Đến ngày thứ 5 chỉ còn 1 phôi.
Gần 2 năm qua, vợ chồng anh Hoan vẫn chờ đợi có cơ hội mang thai bằng một phôi còn lại. Tuy nhiên, sức khỏe của người vợ quá yếu, u xơ tử cung đã xử lý trước đó lại tái phát rất to. Bác sĩ cho biết họ không thể chuyển phôi lúc này. Cơ hội có con của hai người dường như bằng 0.
Với số tiền hơn 300 triệu đồng để tìm kiếm con, đôi vợ chồng này vẫn "trắng tay". Mỗi lần nhắc tới chuyện con cái, vợ anh Hoan chỉ khóc. Công cuộc tìm con khiến chị suýt đánh đổi cả mạng sống của mình.
Một chuyên gia về hỗ trợ sinh sản ở Hà Nội tiếp nhận điều trị biến chứng cho vợ chồng anh Hoan nhấn mạnh trường hợp bệnh nhân nếu xử lý tình trạng lạc nội mạc tử cung và u xơ tử cung trước khi tiêm kích trứng sẽ giảm nguy cơ biến chứng lạc nội mạc và u xơ tử cung phát triển.
"Đây là một ca điển hình mà nhiều trung tâm hỗ trợ sinh sản hiện nay đang 'lười' phẫu thuật, họ thích làm IVF vừa nhanh, vừa dễ thu tiền. Khi biến chứng xảy ra, người bệnh lãnh đủ cả về mặt tiền bạc và sức khỏe", chuyên gia này nhận định.
Hỗ trợ sinh sản không phải chỉ là "chọc trứng, trộn phôi"
Nhận định về chuyên ngành hỗ trợ sinh sản tại nước ta, Giáo sư Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, khẳng định đã có sự phát triển vượt bậc với hàng loạt trung tâm hỗ trợ sinh sản ra đời.
Cụ thể, theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế, cả nước hiện có 53 trung tâm hỗ trợ sinh sản làm thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ.
Nghiên cứu cấp nhà nước của nước ta từ 10 năm trước cũng cho thấy tỷ lệ vô sinh hiếm muộn của các đôi vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở Việt Nam là 7,7%. Hiện nay, tỷ lệ này tăng cao hơn ở mức dưới 10% tương đương khoảng một triệu cặp đôi. Trong đó, hơn 50% là hiếm muộn thứ phát, tức đã có thai hoặc đẻ con ít nhất một lần nhưng không thể có con tiếp, tăng 15-20% mỗi năm. Khoảng 20% cặp vợ chồng vô sinh không tìm được nguyên nhân. Khi họ ly hôn và kết hôn với một người khác lại có con. Tỷ lệ này không phải là hiếm gặp.
Sau 25 năm kể từ khi kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thụ tinh trong ống nghiệm có mặt ở Việt Nam, trong số 1-1,4 triệu trẻ em ra đời mỗi năm, tỷ lệ trẻ sinh ra nhờ hỗ trợ sinh sản IVF khoảng 3% (30.000-42.000 bé).
Tuy nhiên, ông Tiến cũng nhấn mạnh về quy tắc, trước khi thực hiện IVF, người phụ nữ cần thăm khám toàn diện để kiểm tra và đánh giá về tình trạng sức khỏe cũng như khả năng sinh sản. Trong đó, các bác sĩ cần đặc biệt lưu ý tiền sử bệnh lý phụ khoa của người mẹ vì các yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ thành công của phác đồ IVF.
"Một số bệnh lý phụ khoa không điều trị triệt để sẽ ảnh hưởng đến quá trình phôi làm tổ, gây thất bại IVF như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, dính buồng tử cung, tụ dịch vết mổ... Việc thăm khám trước khi thực hiện IVF là để đánh giá chính xác nhất về tình trạng sức khỏe của người phụ nữ, đủ điều kiện mang thai hay không hoặc có những bệnh lý chống chỉ định mang thai. Nếu chúng ta không làm chặt chẽ, chỉ định IVF nhanh, vội nguy cơ tai biến sản khoa sẽ tăng lên như sảy thai, lưu thai, đẻ non", bác sĩ Tiến cho biết.
Do đó, ông Tiến cho rằng: "Chỉ chọc trứng, trộn phôi làm thụ tinh trong ống nghiệm thì lĩnh vực hỗ trợ sinh sản quá dễ dàng. Ngược lại, bác sĩ cần tư vấn cho người bệnh làm như thế nào để mang thai cho gần với tự nhiên nhất. Ví dụ, người bệnh có thể làm thụ tinh nhân tạo (IUI), bác sĩ nên thực hiện phương pháp này thay vì vẫn chỉ định IVF vừa tốn kém và có thể gặp biến chứng".
Hiếm muộn chưa được coi là bệnh nên không được BHYT thanh toán
Dù chi phí rẻ nhưng IVF ở Việt Nam vẫn cao với người dân, một người có thể tốn 100 -200 triệu là có con ngay nhưng cũng có gia đình tốn cả tỷ đồng. “Nhiều bệnh nhân tìm tới tôi khi họ đã khánh kiệt không còn tiền để tiếp tục điều trị vô sinh. Có một nghịch lý nếu u xơ, bóc u thì được BHYT chi trả nhưng bóc u trị vô sinh thì không”, Giáo sư Nguyễn Viết Tiến, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết.