Nguy hiểm nghề cứu hộ giao thông
Cứu hộ giao thông là nghề đặc thù, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đòi hỏi mỗi người cứu hộ phải có thần kinh thép, có thể chịu được áp lực lớn.
Cứu tinh xa lộ
Trưa 30.11, thấy số lạ hiện lên màn hình điện thoại, anh Lương Văn Thành, nhân viên cứu hộ giao thông thuộc Công ty TNHH Duy Tân ở TP Hải Dương khẽ cau mày. Có lẽ vì đặc thù công việc nên anh đoán được lại có vụ tai nạn giao thông xảy ra. Bên kia đầu dây, giọng một nam thanh niên gấp gáp vang lên: "Tai nạn liên hoàn rồi anh ơi. 3 - 4 xe nối nhau ở quốc lộ 5 cách ngã ba Hoàng Long một đoạn về phía Hà Nội. Các anh đến ngay nhé". Chưa kịp cúp máy, anh Thành đã ra hiệu cho hai người đồng nghiệp khác nhanh chóng lên đường.
Chỉ 3 phút sau, nhóm anh Thành đã có mặt tại hiện trường. Trên quốc lộ 5, có 4 xe đâm nối đuôi nhau nằm chắn ngang đường khiến các phương tiện phía sau chết cứng không thể di chuyển. Nhiều đám đông túm năm, tụm ba quanh hiện trường để nghe ngóng. Mọi người đều tỏ ra lo lắng cho lái xe ô tô con vì sau cú va chạm mạnh chiếc xe này chẳng khác gì “bánh mì kẹp thịt”. Anh Thành cùng các thành viên khẩn trương bàn bạc, thống nhất phương án cứu hộ. "Nhanh chóng di chuyển xe tải và xe chở container ra khỏi hiện trường để cứu lái xe con. Làm chắc chắn, nhẹ nhàng và hạn chế tối đa va chạm mạnh ảnh hưởng đến nạn nhân và hiện trường", anh Thành chỉ đạo.
Các dây bạt mềm có sức kéo đến 15 tấn nhanh chóng được đội cứu hộ buộc vào những điểm chịu lực chính. Những sợi xích chuyên dùng cho cứu hộ xe tải, xe chở container được móc vào thành xe. Người dân có mặt tại hiện trường ai cũng nín thở, hồi hộp chờ đợi phút giây xe cứu hộ kéo xe bị nạn ra khỏi hiện trường. Rất nhanh chóng, chiếc xe ô tô tải phía trên được kéo ra trước, rồi đến chiếc xe con bị hư hại nặng phần đầu. Lái xe may mắn thoát khỏi "cửa tử" vì điểm va chạm chính nằm bên phía ghế phụ. Tiếng hò reo, vui mừng liên tục vang lên. Sau lời cảm ơn là những cái bắt tay siết chặt của mọi người, điểm ùn tắc giao thông dần thông thoáng hơn, nhóm anh Thành lặng lẽ đưa các xe bị nạn về bãi của công ty.
Tối 3.12, trên quốc lộ 5 đoạn gần chân cầu Phú Lương (TP Hải Dương) tiếp tục xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 1 người tử vong. Tại hiện trường là chiếc ô tô KIA Rio 34C-133.40 bẹp dúm phần đuôi, nằm xoay nghiêng chắn gần như hết chiều đường Hà Nội - Hải Phòng. Phía xa là chiếc xe tải 34C - 287.75 cũng nằm chỏng chơ một góc. Các nạn nhân trong vụ tai nạn đã được người dân nhanh chóng kéo ra khỏi xe để đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên tình trạng ùn tắc giao thông mỗi lúc một nghiêm trọng. Phải khá vất vả đội cứu hộ giao thông mới có thể luồn lách qua được hàng dài phương tiện để tiếp cận hiện trường. 3 thành viên trong đội cứu hộ của Công ty TNHH Duy Tân nhanh chóng bắt tay vào việc. Để bảo đảm an toàn, anh Thành cẩn thận đi kiểm tra một lượt các phương tiện gặp nạn sau đó mới ra hiệu cho anh em cột dây để xe cẩu kéo phương tiện ra khỏi hiện trường. Khoảng 30 phút sau "cục máu đông" trên quốc lộ 5 nhanh chóng được giải quyết, các phương tiện lưu thông trở lại bình thường.
Từ nhiều năm nay, số điện thoại di động của anh Thành đã trở thành “đường dây nóng” của nhiều người dân trong tỉnh. Dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng anh đã có hơn 7 năm kinh nghiệm trong nghề cứu hộ giao thông. Nhiều người hay đùa anh với cái tên “anh hùng xa lộ” vì chẳng mấy khi thấy anh vắng mặt sau những vụ tai nạn giao thông. Một phần là do đặc thù công việc của anh, phần là anh có nhiều kinh nghiệm xử lý những ca khó. "Mặc dù là cứu hộ giao thông nhưng nhiệm vụ cứu người gặp nạn mới là ưu tiên hàng đầu của đội. Vì thời khắc sinh tử chỉ tính trong tích tắc, nhiều lúc không quyết đoán thì bản thân mình sẽ là người ân hận. Trung bình mỗi năm chúng tôi cứu hộ cho hàng trăm phương tiện gặp nạn như thế này", anh Thành chia sẻ.
Phẩm chất người đi giải cứu
Đến nay, nhiều anh em làm nghề cứu hộ giao thông trong tỉnh vẫn không thể nào quên ngày 9.4.2019. Hôm đó trời vừa nhập nhoạng tối thì trên quốc lộ 5 đoạn qua thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) xảy ra vụ va chạm giao thông. Anh Nguyễn Ngọc P. (sinh năm 1980, ở TP Hải Dương, nhân viên cứu hộ của Công ty TNHH Duy Tân) nhận được lệnh đến đưa các phương tiện rời khỏi hiện trường. Trong lúc anh P. đang mải mê buộc dây để kéo phương tiện gặp nạn về bãi thì bất ngờ bị một xe chở container đâm từ phía sau. Cú va chạm mạnh khiến anh P. văng ra xa, chết tại chỗ. "Dẫu biết là sinh nghề tử nghiệp nhưng tận mắt chứng kiến đồng nghiệp ngã xuống khi làm nhiệm vụ thật ám ảnh vô cùng. Phải mất nhiều ngày sau đó chúng tôi mới có thể bình tâm để quay trở lại công việc thường ngày", anh Nguyễn Văn Đại, đồng nghiệp của anh P. chia sẻ.
Với anh Đại, vụ tai nạn làm 5 người tử vong trên quốc lộ 5 đoạn qua xã Cộng Hòa (Kim Thành) khiến anh không bao giờ quên. Bởi chính anh là người cẩu xe tải chở nước ra khỏi hiện trường để tìm kiếm các nạn nhân. Lúc đó anh chỉ ước giá như mỗi người ý thức hơn khi tham gia giao thông, vì sự an toàn của bản thân và mọi người thì sẽ không xảy ra những tai nạn thương tâm như vậy. Theo anh Đại, nếu không có thần kinh thép thì cứu hộ viên rất khó vững vàng tâm lý khi làm việc. Có nhiều người đã giải nghệ ngay sau vài lần đi cứu hộ vì ám ảnh bởi những vụ va chạm, tai nạn thảm khốc, những cái chết thương tâm trên đường.
Anh Lương Văn Trung có thâm niên nhiều năm trong đội cứu hộ giao thông giải thích, nghề này đòi hỏi người cứu hộ phải hiểu cặn kẽ nhiều loại xe khác nhau. Chẳng hạn, nếu là xe tải, xe kéo thì phải nắm chắc nguyên tắc hoạt động của xe. Khi cứu hộ phải biết xả lốc, tháo phanh hoặc tháo cầu. Ngoài ra, khi kéo những xe cỡ lớn có hàng nặng về bãi cũng đòi hỏi người cứu hộ phải có kinh nghiệm để xử lý các tình huống phát sinh. Biết lựa chọn tuyến đường phù hợp, xử lý phanh để tránh việc phanh bất ngờ có thể gây nguy hiểm cho người và phương tiện trong quá trình di chuyển. Ngoài ra, đôi lúc cũng phải "rắn mặt" với những trường hợp không hợp tác, chống đối đưa xe ra khỏi hiện trường.
"Làm nghề cứu hộ thì phải coi xe là tài sản, là một bộ phận cơ thể, nếu cứu hộ không chuyên nghiệp có thể khiến chiếc xe hư hại nhiều hơn. Nhất là những loại xe sang dù bị hư hại nhưng vẫn còn giá trị rất lớn, không cẩn thận sẽ rất dễ phải bỏ tiền túi ra đền. Sự cố có muôn hình vạn trạng nên đội ngũ làm công tác cứu hộ phải linh hoạt, nhanh nhẹn, sáng tạo trong cách xử lý. Tuy nhiên, để việc cứu hộ được thuận lợi, đạt hiệu quả cao, người lái xe cần chủ động thông báo tình trạng của xe để đơn vị cứu hộ điều động xe và triển khai các biện pháp cứu hộ phù hợp", anh Trung bộc bạch.
Những người tham gia cứu hộ phải hội tụ những tố chất của một thợ máy, một người tư vấn và biết xử lý mọi tình huống có thể xảy ra... Ngay khi nhận được tín hiệu kêu cứu từ hiện trường, nhân viên cứu hộ phải xử lý thông tin về sự cố như: vị trí tai nạn, thương vong, loại xe gì, số sàn hay số tự động... để từ đó điều loại xe cứu hộ nào đi cho đạt hiệu quả cao nhất, an toàn nhất. Hiện nay, người làm nghề cứu hộ thường xuyên phải đối mặt với những tình huống sinh tử. Đặc biệt, dù làm việc trong môi trường đặc thù gặp nhiều nguy hiểm nhưng nghề cứu hộ giao thông lại hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, chưa được xem xét tới đặc thù nghề nghiệp như xe cứu hỏa, xe hộ đê, xe cứu thương... "Tham gia cứu hộ sợ nhất là xử lý những phương tiện chở các loại hóa chất nguy hiểm như gas, xăng dầu, axit… Chỉ cần lơ là, thiếu cẩn trọng là có thể mất mạng như chơi. Còn việc gặp tai nạn nghề nghiệp như trầy da, bỏng nhiệt, gãy tay... xảy ra liên tục. Khó khăn, vất vả là vậy nên đòi hỏi người cứu hộ phải thực sự yêu nghề", anh Thành chia sẻ.
Sau nhiều lần giải cứu người và phương tiện bị tai nạn, các anh em nhận được rất nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn cảm ơn từ người đi đường. Kỷ niệm vui ấy giúp các anh yêu nghề hơn. Để theo nghề và hoàn thành tốt nhiệm vụ, anh Thành quan niệm người làm nghề cứu hộ giao thông phải có trách nhiệm cao, nhiệt tình, tinh thần hỗ trợ tương thân tương ái, giữ vững nguyên tắc không lợi dụng hoàn cảnh của người gặp nạn để trục lợi.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/giao-thong---do-thi/nguy-hiem-nghe-cuu-ho-giao-thong-190050