Nguy hiểm tiềm ẩn từ thói quen thả diều

Nhiều người rất bất an khi đọc thông tin một người điều khiển xe máy trong khu vực khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TPHCM) bất ngờ bị dây diều quấn vào cổ, tay.

Hậu quả là người này bị té xuống đường và trượt dài, bị nhiều thương tích rất sâu ở cổ, mặt, bàn tay và ngón tay. Chính tôi cũng là người đã từng gặp sự cố vì dây diều. Cách đây vài tháng, khi tôi chạy xe máy ngang qua khu đô thị mới Thủ Thiêm thì bất thình lình bị sợi dây diều rơi vướng ngang cổ, khiến tôi ngã ra đường. Vết cứa dài khoảng 12cm gây chảy máu, đau rát. Đồng thời tôi bị bong gân, trầy xước tay chân do ngã xe máy.

Hiện nay, cứ vào buổi chiều, nhất là những ngày cuối tuần, bất cứ nơi nào có không gian trống thì người dân đều mang diều đến thả, như: khu đất trống ở đường Nguyễn Văn Lượng (Gò Vấp), gần sân bay Tân Sơn Nhất. Ở khu vực cầu Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7)…

Khác với các loại diều trước đây thường được làm từ những nguyên liệu thân thuộc, gần gũi với thiên nhiên như tre, giấy…, hiện nay diều đã được nâng cấp với kích thước bề ngang từ 2-3m và chiều dài 4-5m. Để làm đẹp và tối ưu hóa tốc độ bay, vật liệu làm diều hiện nay là những chất liệu có tính dẫn điện như: khung gắn đèn led, dây buộc bằng thép, dây diều có pha sợi kim tuyến dẫn điện… Chính điều này gây nên những tác hại nếu không may rơi trúng người đi đường.

Bên cạnh đó, do số lượng diều quá lớn nên dây diều va chạm vào nhau, dẫn đến bị đứt khiến cánh diều vướng vào dây điện hạ thế gần đó, gây nên những tai nạn đáng tiếc.

Theo khoản 3, Điều 4, Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26-2-2014 của Chính phủ quy định về an toàn điện thì việc thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp là hành vi nguy hiểm, vì khả năng gây sự cố lưới điện hoàn toàn có thể xảy ra.

Ngoài ra, nếu người có hành vi thả diều gây ra sự cố lưới điện thì chính quyền địa phương có thể lập biên bản và xử phạt tiền từ 1-5 triệu đồng (theo điểm d, Khoản 1, Điều 15, Nghị định số 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17-10-2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng, tiết kiệm và hiệu quả).

Riêng đối với hành vi thả diều gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người thì tùy theo mức độ, người vi phạm có thể bị chế tài về bồi thường thiệt hại hoặc phạt tù.

MINH HIỆP (TP Thủ Đức, TPHCM)

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//nguy-hiem-tiem-an-tu-thoi-quen-tha-dieu-854040.html