Nguy kịch do thói quen ăn tiết canh

Chỉ trong những ngày đầu tháng 8, nhiều trường hợp nguy kịch, tử vong vì nhiễm khuẩn liên cầu lợn đã được ghi nhận.

Bệnh nhân mắc liên cầu lợn điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân mắc liên cầu lợn điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Ảnh: BVCC.

Đáng lưu ý, BV (BV) trung ương Thái Nguyên vừa tiếp nhận và điều trị một ca bệnh (ông N.V.H, 50 tuổi, ở huyện Định Hóa) nhiễm liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh đã hấp.

Trước đó, tối ngày 5/8, ông H. có đi ăn tiết canh đã hấp tại nhà hàng xóm. Đến 2 giờ sáng ngày 6/8, ông H. bắt đầu có các triệu chứng sốt cao, nôn và đi ngoài phân lỏng nhiều lần, người mệt lả. Khoảng 10 giờ cùng ngày, ông H. mệt nhiều, khó thở, người nhà đưa ông H. đến BVĐK huyện Định Hóa điều trị. Đến chiều tối cùng ngày ông H xuất hiện nổi ban tím toàn thân, khó thở, tím tái, tiếp xúc chậm và được chuyển xuống BV trung ương Thái Nguyên tiếp tục điều trị với tình trạng ngày càng nặng nề hơn. Tại đây, ông H được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn, suy đa tạng, rối loạn đông máu. Cấy máu phát hiện vi khuẩn Streptococcus suis (liên cầu lợn).

Tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, người bệnh đã được điều trị tích cực, an thần, thở máy, vận mạch liều cao, kháng sinh phối hợp, truyền máu và lọc máu liên tục. Tuy nhiên, đến sáng 9/8, tình trạng bệnh của ông H. ngày càng diễn biến xấu đi, huyết áp tụt không đo được dù đang duy trì vận mạch liều cao, ban hoại tử rải rác toàn thân, tiên lượng tử vong gần. Người nhà ông H. đã xin cho người bệnh về nhà, không tiếp tục điều trị. Chiều 9/8, ông H. đã tử vong tại nhà.

Trong khi đó, Hà Nội cũng vừa ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì liên cầu lợn trong năm nay. Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, người bệnh bị sốt cao, đau đầu, lơ mơ, gia đình đưa đến BV Quân y 103. Tại đây, bà được xét nghiệm cấy máu và dịch não tủy. Kết quả cho thấy bệnh nhân dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn. Dù được điều trị tích cực song do tuổi cao, bệnh nặng nên không qua khỏi. Hiện, chưa rõ nguyên nhân bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn từ nguồn nào.

Cũng trong tháng 8, BV Bệnh nhiệt đới trung ương đã tiếp nhận nam bệnh nhân 41 tuổi (ở Thanh Hóa) trong tình trạng nguy kịch do nhiễm liên cầu lợn. Dù được cấp cứu, chữa trị tích cực nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi. Trước đó, người này mua lòng heo, huyết tươi ở chợ về đánh tiết canh, ăn 2 chén. Sau 1 tuần, ông lên cơn sốt, đau đầu, ù tai, chân trái sưng bầm tím…, được bệnh viện địa phương điều trị trước khi chuyển lên tuyến trên.

BS Phạm Văn Phúc - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết: “Gần đây Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận và điều trị các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn được chuyển đến. Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng rất nguy kịch, suy đa phủ tạng và rối loạn đông máu nghiêm trọng. Có những bệnh nhân được chữa khỏi nhưng phải cắt bỏ những đầu ngón tay hoặt ngón chân bị hoại tử…”.

Bệnh liên cầu lợn do vi khuẩn Streptococcus suis gây nên. Vi khuẩn này thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi họng, ở đường tiêu hóa và sinh dục của lợn. Liên cầu lợn có thể lây truyền sang người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến hoặc ăn thịt lợn hoặc tiết canh lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín.

“Trên người, thường gặp nhất là viêm màng não mủ (96%) với các biểu hiện thường gặp như: sốt, nhức đầu, nôn, cứng gáy, rối loạn tri giác. 68% trường hợp viêm màng não mủ có triệu chứng ù tai, điếc tai. Trường hợp nặng có thể tiến triển nhanh chóng hội chứng sốc nhiễm khuẩn, trụy mạch, tụt huyết áp, rối loạn đông máu nặng, ban xuất huyết hoạt tử toàn thân, tắc mạch, suy đa phủ tạng... hôn mê và tử vong” – BS Phúc cho hay.

Theo phân tích từ các chuyên gia, tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ đầu đã nhiễm khuẩn nặng. Người bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ tử vong cao. Tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn là khoảng 7%. Nếu bệnh nhân được cứu sống, tỷ lệ di chứng cũng rất cao, khoảng 40%. Thời gian ủ bệnh có thể vài tiếng đến 4-5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Dấu hiệu là sốt nóng, lạnh, buồn nôn, nôn và đi ngoài nhưng không đi nhiều lần, dễ lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường. Người bệnh cũng có biểu hiện đau đầu, ù tai, điếc, cứng gáy, tri giác lơ mơ, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ.

Hiện chưa có vaccine phòng nhiễm liên cầu khuẩn lợn cho người. Tuy nhiên, vi khuẩn này hoàn toàn bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín kỹ.

Để chủ động phòng, chống bệnh liên cầu lợn, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nguy-kich-do-thoi-quen-an-tiet-canh-10287754.html