Nguy kịch sinh mạng bởi lang băm

Nhiều kiểu chữa bệnh chưa có cơ sở khoa học cũng như thực hiện phẫu thuật cẩu thả đã gây ra biến cố sức khỏe cho người bệnh

Bệnh viện Đại học Y Dược (BV ĐHYD) TP HCM vừa tiếp nhận cứu chữa một cô gái trẻ hoại tử nhiễm trùng khối u xơ tử cung lớn, dẫn đến viêm phúc mạc toàn thể rất nặng, đe dọa tính mạng.

Mất chức năng thiên phú

Trường hợp này là chị N.T.Q (29 tuổi, ngụ Bình Dương). Chị Q. nhập viện trong tình trạng sốt cao, lạnh run, bụng trướng to và đau khắp bụng. Cách đây một năm, chị Q. được chẩn đoán u xơ tử cung tại một BV ở TP HCM. Chị được chỉ định mổ nhưng do sợ "động dao kéo" nên từ chối điều trị.

Sau đó, theo lời giới thiệu của người quen, chị Q. đến khám tại một phòng khám tư nhân. Tại đây, chị được điều trị bằng cách mỗi ngày dùng kim đâm trực tiếp vào khối u hút máu ra ngoài, để khối u teo nhỏ lại. Tuy nhiên, sau 3 tháng thực hiện phương pháp này, khối u không nhỏ lại mà còn phình to hơn. Cuối cùng chị Q. phải đi cấp cứu tại BV ĐHYD TP HCM.

Bác sĩ Tú Dung cùng ê-kíp mổ cấp cứu cho chị T.T.N

Bác sĩ Tú Dung cùng ê-kíp mổ cấp cứu cho chị T.T.N

ThS-BS Lê Thị Kiều Dung, Khoa Phụ sản BV ĐHYD TP HCM, cho biết khi nhập viện, chị Q. bị nhiễm trùng nặng kèm theo viêm phúc mạc toàn thể, nếu không điều trị kịp thời, có thể tử vong.

Theo ThS-BS Lê Thị Kiều Dung, u xơ tử cung là một bệnh lý lành tính thường gặp ở phụ nữ. Có khoảng 20% - 30% phụ nữ trên 30 tuổi mắc bệnh lý này. Nếu u không quá to và không có biến chứng (chèn ép, rong kinh - rong huyết, gây đau…) thì không cần điều trị đặc hiệu, chỉ khám định kỳ và theo dõi, đến tuổi mãn kinh các khối u này sẽ dần teo lại.

Trường hợp khối u có kích thước lớn, nếu phát hiện và điều trị đúng phương pháp, người bệnh vẫn có thể có khả năng sinh con. Việc dùng kim đâm trực tiếp vào khối u xơ tử cung của người bệnh để hút máu là một phương pháp hoàn toàn phản khoa học, chưa từng có tiền lệ trong y văn.

Trong trường hợp khối u ác tính sẽ cực kỳ nguy hiểm. Mũi kim châm vào, rút ra nhiều lần sẽ gieo rắc tế bào ung thư, khiến khối u có thể phát triển rất nhanh, lan tràn khắp ổ bụng. Chị Q. là một trường hợp rất đáng tiếc vì việc điều trị phản khoa học đã khiến chị phải cắt bỏ toàn bộ tử cung khi chưa kịp có cho mình đứa con nào.

Cẩu thả, vi phạm đạo đức nghề nghiệp

Thời gian qua cũng đã xảy ra không ít sơ suất trong phẫu thuật thẩm mỹ làm đẹp. Vụ việc mới nhất vừa được BV Thẩm mỹ JW Hàn Quốc TP HCM tiếp nhận mổ cấp cứu là một phụ nữ bị bỏ quên gạc y tế trong ngực sau khi nâng ngực. Bệnh nhân là chị T.T.N (43 tuổi, ngụ Kiên Giang). Chị N. cho biết cách đây hơn 1 tháng đã phẫu thuật nâng ngực tại một cơ sở spa ở quận 7, TP HCM với giá hơn 40 triệu đồng. Sau phẫu thuật, chị đau đớn suốt cả tháng, sau đó ngực bị nhiễm trùng, biến chứng nặng.

TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc BV Thẩm mỹ JW Hàn Quốc, cho biết: "Nguyên nhân là do chị N. bị làm sai kỹ thuật đặt túi ngực và hy hữu hơn là chị N. bị "để quên" miếng gạc y tế trong ngực. Đây không chỉ là vấn đề về kiến thức chuyên môn, mà còn vi phạm rất nghiêm trọng về đạo đức nghề nghiệp. Một miếng gạc bị bỏ quên nhưng có thể dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề về sức khỏe, thậm chí còn có thể gây nhiễm trùng huyết, nguy hại đến tính mạng".

"Thẩm mỹ vòng 1 là một ca đại phẫu thuật cần được thực hiện trong phòng mổ vô trùng, với đầy đủ thiết bị cơ sở vật chất, hệ thống gây mê hồi sức đạt tiêu chuẩn. Đồng thời, chỉ có các bệnh viện có chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ và bác sĩ được cấp giấy phép hoạt động mới có thể thực hiện những ca đại phẫu như thế này" - BS Tú Dung nhấn mạnh.

Nguy kịch do dùng thuốc đông y không rõ nguồn gốc

Tại một số BV ở Hà Nội như: Bạch Mai, Nội tiết Trung ương, Trung ương Quân đội 108 thời gian qua, cũng đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong do mua và sử dụng các loại thuốc nam, thuốc đông y không rõ nguồn gốc từ các cơ sở không được cấp phép. Có trường hợp sau khi đến "thầy lang" để cắt thuốc nam về điều trị đau khớp gối đã bị biến chứng liệt tứ chi, ngộ độc chì rất nặng, phải điều trị kéo dài.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực y học cổ truyền, hiện nay không ít người dân có quan niệm dùng thuốc đông y là tốt và an toàn, nên nghe truyền miệng hoặc tự ý mua về dùng. Thậm chí còn từ chối điều trị thuốc Tây để dùng thuốc đông y. Hiện nay, không có thuốc đông y nào gọi là an toàn tuyệt đối, chưa kể là nguy hại khi các dược liệu bị nấm, mốc do bảo quản không đúng cách. Do đó, người dân không nên tự ý mua thuốc, mà nên đến cơ sở đông y được cấp phép hoặc các BV để được bác sĩ tư vấn, kê thuốc và sử dụng thuốc bảo đảm chất lượng.

D.Thu

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/nguy-kich-sinh-mang-boi-lang-bam-20210303210155706.htm