Nguyên Bí thư Hà Nội: 'Sau chung cư mini vượt tầng có cả thế lực chống lưng'
Theo ông Phạm Quang Nghị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, đằng sau mỗi công trình, chung cư mini xây vượt tầng so với giấy phép là cả một thế lực chống lưng.
Sáng 18/9, trao đổi với PV VietNamNet bên lề hội nghị đóng góp ý kiến của nguyên lãnh đạo thành phố vào dự thảo Luật Thủ đô, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, ở thủ đô không chỉ có mỗi tòa chung cư mini bị cháy ở số 37, ngõ 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, Thanh Xuân) xây sai phép mà còn rất nhiều công trình xây dựng khác xây vượt tầng.
Vượt tầng đến đâu cắt ngọn đến đó
Tuy nhiên, ông Nghị cho rằng, đang có một thực tế, đó là xử phạt để công trình sai phép tồn tại. Theo ông, nếu chỉ phạt cho tồn tại thì chủ đầu tư sẽ “mong cho được phạt” để hợp thức hóa vi phạm. Bởi lẽ, họ kiếm được lợi nhuận rất lớn từ phần công trình vi phạm. Đối với khoản lợi nhuận này, chủ đầu tư sẽ dùng để chạy chọt, hối lộ, sau đó vẫn lãi nên cứ tiếp tục vi phạm.
Vì thế, ông cho rằng, sai phạm đâu phải xử đấy, vi phạm đến đâu cắt bỏ đến đó, quá bao nhiêu tầng cắt ngọn bấy nhiêu tầng.
Theo ông Phạm Quang Nghị, nếu được phạt cho tồn tại, thì cán bộ phụ trách xây dựng sẽ có cớ để báo cáo công trình bị xử phạt hành chính mà không tiến hành cưỡng chế.
"Phạt cho tồn tại là đồng phạm với sai phạm một cách hợp pháp nên cần phải xem xét, làm rõ trách nhiệm", nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Ông Phạm Quang Nghị cho rằng, đằng sau mỗi công trình, chung cư mini xây vượt tầng so với giấy phép là cả một thế lực lớn chống lưng.
“Đằng sau mỗi công trình đấy là có chống lưng đấy! Không phải mình đương đầu với chủ công trình vi phạm đâu, mình còn đương đầu với cả cái anh chống lưng đó”, ông Nghị chia sẻ.
Cần nghiêm khắc vấn đề xử lý trách nhiệm cán bộ
Đề cập đến nội dung làm thế nào để chính quyền cấp dưới thực nghiêm chỉ đạo của UBND TP Hà Nội trong việc xử lý các công trình vi phạm, ông Nghị cho rằng, thành phố cần nghiêm khắc về vấn đề xử lý trách nhiệm cán bộ. Nếu cấp dưới vi phạm mà không bị xử lý thì cấp trên phải bị xử lý.
Liên quan đến thực trạng chung cư mini “mọc như nấm” ở Hà Nội, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, cần sớm bổ sung quy định về chung cư mini để quản lý công trình này tốt hơn. Nếu không, chủ đầu tư sẽ tiếp tục biến tấu nhà ở riêng lẻ thành chỗ trọ, chung cư mini và điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Trước đó, ngày 13/9, tòa chung cư mini cao 9 tầng ở phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân) bị cháy khiến 56 người tử vong, 37 người bị thương. Trong 29 học sinh gặp nạn có 13 em tử vong, còn lại đang được chăm sóc tại bệnh viện.
Công trình này được ông Nghiêm Quang Minh (44 tuổi, trú phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) xây vượt 3 tầng so với giấy phép được cấp.
Trả lời báo chí, ông Đặng Hồng Thái, nguyên Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, cho biết sau khi xác định chủ nhà xây dựng sai giấy phép, ông đã có 2 văn bản chỉ đạo xử phạt; đồng thời đã ra quyết định cưỡng chế và giao Chủ tịch UBND phường Khương Đình thực hiện quyết định cưỡng chế.
Tuy nhiên, hiện 3 tầng được ông Nghiêm Quang Minh xây dựng sai phép vẫn chưa bị cưỡng chế.
Đêm 12/9, chung cư mini cao 9 tầng ở phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân) bị cháy khiến 56 người tử vong, 37 người bị thương. Trong 29 học sinh gặp nạn có 13 em tử vong, còn lại đang được chăm sóc tại bệnh viện.
Chiều 13/9, Công an Hà Nội đã khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam (4 tháng) đối với Nghiêm Quang Minh (SN 1979, trú tại Cầu Giấy), là chủ của chung cư nơi xảy ra vụ cháy.
Nghiêm Quang Minh bị khởi tố về tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy theo Điều 313 Bộ Luật Hình sự (các quyết định và lệnh bắt bị can đã được Viện KSND Thành phố phê chuẩn).
Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, tháng 3/2015, UBND quận Thanh Xuân cấp giấy phép cho ông Nghiêm Quang Minh xây công trình trên với 6 tầng (tương đương 20,2m, không tính tum thang).
Tuy nhiên, dù được cấp phép 6 tầng, nhưng chủ đầu tư đã xây dựng công trình này lên đến 9 tầng. Sau khi đưa vào sử dụng, tòa nhà này trở thành chung cư mini với 45 căn hộ, khoảng 150 người dân sinh sống.