Nguyên Bình đẩy mạnh cho vay tạo việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn

Huyện Nguyên Bình sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội (CSXH) triển khai các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ, tạo việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn.

Là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, huyện tập trung ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng và sản xuất. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa các hình thức sản xuất, kinh doanh; phát triển các sản phẩm đặc trưng, đặc hữu vùng miền gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), nhất là nhóm cây trồng chủ lực như: miến dong, trúc sào, nấm hương, dược liệu, cây ăn quả và du lịch cộng đồng.

Toàn huyện trồng trên 1.700 ha quế, 2.300 ha trúc sào, trên 200 ha lê, 50 ha mận, 40 ha thanh long. Triển khai một số mô hình trồng nho, dâu tây, dưa hấu gắn với du lịch trải nghiệm đem lại thu nhập cho người nông dân. Đẩy mạnh liên kết sản xuất, xây dựng các vùng sản xuất VietGAP hữu cơ, vùng sản xuất nông nghiệp đặc hữu gắn với xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị gia tăng của các sản phẩm. Hỗ trợ 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP như: rau bắp cải xã Vũ Minh; quýt xã Hoa Thám, Tam Kim; lê xã Quang Thành, Thể Dục…

Anh Lý Dào Quyên, xóm Nặm Bjoóc, xã Thể Dục (Nguyên Bình) đầu tư nuôi trâu sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Lý Dào Quyên, xóm Nặm Bjoóc, xã Thể Dục (Nguyên Bình) đầu tư nuôi trâu sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đóng góp tích cực trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, vốn tín dụng chính sách tiếp tục phát huy vai trò nguồn lực quan trọng thúc đẩy sản xuất. Đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng CSXH toàn huyện đạt hơn 387,6 tỷ đồng, tăng trên 20,3 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Doanh số cho vay các chương trình đạt hơn 40,3 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ lên 387,4 tỷ đồng với 5.439 hộ vay. Dư nợ tăng trưởng chủ yếu tập trung ở chương trình cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt gần 27 tỷ đồng. Để nguồn vốn tín dụng CSXH đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách một cách nhanh chóng và hiệu quả, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã và đang duy trì ổn định giao dịch tại 100% xã, thị trấn. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay, các chương trình cho vay; đôn đốc thu hồi vốn đúng kỳ hạn; kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh trong thực tế và đề xuất các giải pháp tăng trưởng dư nợ tín dụng.

Năm 2020, gia đình bà Nguyễn Thị Đẹp, xóm Nà Khoang, xã Vũ Minh vay Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện 120 triệu đồng từ 2 chương trình cho vay hộ nghèo và cho vay giải quyết việc làm. Bà Đẹp chia sẻ: Nhận thấy tiềm năng đất đai của địa phương phù hợp với trồng rừng, cây dược liệu, từ cuối năm 2020, gia đình tôi đầu tư trồng hơn 1 ha keo và quế. Trong quá trình trồng, chăm sóc cây keo, gia đình tôi áp dụng kỹ thuật trồng mật độ phù hợp, thường xuyên phát quang cỏ dại, tỉa cành để cây mọc ổn định. Đến năm 2024, đường kính của cây đạt 12 - 15 cm, dự kiến sau 10 năm sẽ cho thu nhập.

Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nguyên Bình Lương Thanh Hiếu cho biết: Bám sát các chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, những năm qua, nguồn vốn tín dụng CSXH tích cực hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh vừa và nhỏ, doanh nghiệp, hợp tác xã vay vốn trồng cây dong riềng, sản xuất miến dong, trồng cây lê vàng, thanh long, hồi, quế, dược liệu, trúc sào… Nguồn vốn vay tín dụng CSXH đã trở thành đòn bẩy giúp người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen ở khu vực nông thôn.

Kim Xoa

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nguyen-binh-day-manh-cho-vay-tao-viec-lam-thu-nhap-cho-lao-dong-nong-thon-3169772.html