Nguyên Bình tập trung phát triển kinh tế rừng và cây dược liệu

Tận dụng lợi thế địa phương, nhân dân huyện Nguyên Bình tập trung triển khai các mô hình trồng, phát triển kinh tế rừng và cây dược liệu, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực.

Xác định phát triển kinh tế rừng và cây dược liệu là một trong những thế mạnh của địa phương, huyện tập trung trồng rừng theo hướng phát triển bền vững, mở rộng diện tích rừng sản xuất. Ngay từ đầu năm 2024, huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công ty cổ phần Dược liệu Cao Bằng Xanh, UBND các xã Vũ Minh, Minh Tâm, Thịnh Vượng, Hoa Thám, Tam Kim... tổ chức các lớp tập huấn về cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, rà soát diện tích đất có đủ điều kiện có thể trồng cây dược liệu...

Từ đầu năm đến nay, thực hiện Chương trình phát triển cây quế và dược liệu dưới tán rừng, huyện tổ chức trồng 112/170 ha, nâng tổng diện tích cây quế toàn huyện lên 2.027 ha; 9,3 ha cây hồi, nâng tổng diện tích cây hồi lên 75,17 ha... Ngoài ra, triển khai trồng 62,8 ha cây dược liệu, trong đó, Công ty cổ phần Dược liệu Cao Bằng Xanh triển khai trồng 54,7 ha, gồm 51 ha cây hy thiêm, 0,8 ha cây đương quy, 13 ha cây bách bộ, 3 ha cây hoàng liên, 4 ha cây bạch cập (dưới tán rừng), 0,9 ha cây đan sâm... Các xã triển khai trồng 8,1 ha cây ú tầu, gừng...

Người dân xã Hoa Thám (Nguyên Bình) chăm sóc cây quế.

Người dân xã Hoa Thám (Nguyên Bình) chăm sóc cây quế.

Chủ tịch UBND xã Vũ Minh Lãnh Huy Khôi cho biết: Vũ Minh là một trong những xã còn nhiều khó khăn của huyện, việc canh tác của người dân còn nhiều khó khăn do địa hình chủ yếu là núi đá. Việc trồng lúa, hoa màu, cây ăn quả còn manh mún, nhỏ lẻ chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhằm phát huy hiệu quả những lợi thế về địa hình đồi, núi, thời gian qua, công tác trồng rừng trở thành phong trào sâu rộng trong quần chúng nhân dân và là nghề đem lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Từ đầu năm 2024, thực hiện kế hoạch trồng rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện, bà con trên địa bàn xã trồng được gần 10 ha, trong đó, gần 9 ha cây quế, 1 ha cây hồi. Ban Quản lý rừng phòng hộ cấp 10.800 cây quế, các xóm tự mua giống trồng 1.500 cây. UBND xã phối hợp với Công ty Dược liệu Cao Bằng Xanh trồng 31,3 ha cây dược liệu. Trong đó, 2 ha cây bình vôi, 2,5 ha cây lá lốt, 3,5 ha cây hoàng liên, 2 ha cây thường xuân, 2 ha cây chua gút, 0,5 ha cây bạch cập, 0,4 ha cây đan sâm, 0,3 ha cây đương quy, 11 ha cây bách bộ, 7 ha cây hy thiêm..., nâng tổng diện tích dược liệu của xã đến nay trên 128 ha.

Để các mô hình trồng và phát triển kinh tế rừng, cây dược liệu bước đầu đem lại hiệu quả, huyện tiếp tục đôn đốc các xã trong vùng nguyên liệu hoàn thành kế hoạch trồng quế và cây dược liệu năm 2024; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị lên quan triển khai, tổ chức hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc cây quế và cây dược liệu theo quy định; xây dựng nhà máy sơ chế biến dược liệu đạt tiêu chuẩn GMP tại xã Vũ Minh. Đề nghị UBND tỉnh thành lập tổ công tác liên ngành để hỗ trợ, hướng dẫn huyện triển khai thực hiện dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý trên địa bàn huyện...

Minh Tuyền

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nguyen-binh-tap-trung-phat-trien-kinh-te-rung-va-cay-duoc-lieu-3172396.html