Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Người có công lớn trong việc đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp

Dưới thời Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, việc xã hội hóa một số dịch vụ công thuộc sự quản lý của ngành Tư pháp diễn ra rất mạnh mẽ, nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Dù đã có được những cơ sở vững chắc nhưng để có được những kết quả đó là cả một quá trình nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, ghi dấu ấn đáng kể của người đứng đầu ngành lúc bấy giờ.

Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường.

Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường.

Những cơ sở quan trọng

Trong hai nhiệm kỳ Chính phủ từ năm 2007 đến năm 2016, cũng là thời gian ông Hà Hùng Cường giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp, việc xã hội hóa lĩnh vực bổ trợ tư pháp đã diễn ra mạnh mẽ. Nói về thời kỳ này, nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, ý tưởng xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp không phải mới mà đã có sẵn trong khoa học pháp lý của nhân loại, trong lịch sử thế giới và nước ta. Đại hội VI của Đảng đã đề ra đường lối Đổi mới, trong đó, về kinh tế chuyển từ nền kinh tế quan liêu, hành chính, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

“Thị trường tức là tuân theo quy luật của thị trường, cái gì dân tự làm được thì để dân làm, Nhà nước tạo hành lang pháp lý, kiểm tra, xử lý vi phạm và chỉ làm những gì dân không hoặc chưa làm được. Trong lĩnh vực tư pháp, việc xét xử hình sự, truy tố, buộc tội bị cáo là chức năng độc quyền của Nhà nước, thực hiện nhân danh Nhà nước. Còn ngay cả xét xử dân sự, đặc biệt về kinh tế, thương mại cũng theo kinh tế thị trường, không nhất thiết Nhà nước phải xét xử, do đó mà có “hòa giải”, “trọng tài”. Định hướng XHCN là mục tiêu, cuối cùng là vì dân, chứ không phủ nhận quy luật của kinh tế thị trường”, ông Cường nhấn mạnh.

Ngược lại lịch sử, ông Hà Hùng Cường cho biết, xây dựng một nền tư pháp độc lập và đi cùng với đó là một hệ thống các cơ quan, tổ chức bổ trợ tư pháp là một thành tựu quan trọng của khoa học pháp lý nhân loại, phôi thai từ thời kỳ La Mã cổ đại rồi được hình thành ở thời kỳ chuyển từ chế độ phong kiến mà ở đó “vua là tất cả” sang chế độ tư bản, có sự phân công quyền lực. Đây cũng là sản phẩm của kinh tế thị trường.

Ở nước ta, sau khi giành được độc lập, Hiến pháp năm 1946 quy định quyền tư pháp chỉ có Tòa án. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành một loạt sắc lệnh về tổ chức, hoạt động của các tổ chức bổ trợ tư pháp như Luật sư (10/10/1945), Công chứng, chứng thực (15/11/1945), Thừa phát lại (24/1/1946 và 19/7/1946)…

“Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền sau độc lập cũng là tiếp thu tinh hoa của nhân loại về kinh tế thị trường. Tiếc rằng, chiến tranh nổ ra và sau hòa bình 1954, các quy định của Hiến pháp 1946 và các sắc lệnh nói trên không được thực hiện đầy đủ. Thậm chí, trong suốt 20 năm, từ năm 1961 đến năm 1981, đất nước không có Bộ Tư pháp, các nghề tư pháp bị mai một, có cái Nhà nước phải làm thay, như việc tổ chức đoàn luật sư ở Hà Nội”, nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.

Vị nguyên Bộ trưởng khẳng định, trở lại với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền trong nền kinh tế thị trường có nghĩa là trở lại với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nền tư pháp độc lập, một hệ thống cơ quan, tổ chức bổ trợ tư pháp theo thông lệ quốc tế của kinh tế thị trường, tức Nhà nước chỉ làm những gì thuộc chức năng vốn có, độc quyền của mình như điều tra, truy tố, xét xử hình sự, còn lại thì để dân làm, Nhà nước chỉ làm những gì dân không làm được hoặc chưa làm được.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: TTXVN

“Hội nhập quốc tế lại càng phải như vậy thì mới giữ chân được FDI, mới trở thành bạn hàng tin cậy của các nước, mới đạt được tham vọng trở thành trung tâm thương mại, tài chính hay du lịch gì đó của khu vực. Thật buồn khi nước ta đã Đổi mới 35 năm mà vẫn phải đi vận động các nước công nhận nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường. Và cũng buồn khi đàm phán hợp đồng với các tập đoàn lớn của nước ngoài, họ vẫn ép ta phải lựa chọn pháp luật nước ngoài để áp dụng và trọng tài nước ngoài để xét xử”, ông Cường bộc bạch.

Thuận lợi, khó khăn đan xen

Theo nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường, việc thúc đẩy xã hội hóa lĩnh vực bổ trợ tư pháp tưởng chừng như có rất nhiều thuận lợi với Nghị quyết số 48/NQ-TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết 49/NQ-TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Trong đó, về lĩnh vực bổ trợ tư pháp, Nghị quyết số 48 ghi rõ: “Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bổ trợ tư pháp (luật sư, công chứng, giám định, cảnh sát tư pháp...) theo hướng đáp ứng ngày càng đầy đủ, thuận lợi các nhu cầu đa dạng về hỗ trợ pháp lý của nhân dân, doanh nghiệp; thực hiện xã hội hóa mạnh mẽ các hoạt động bổ trợ tư pháp”.

Nghị quyết số 49 trong Phương hướng cải cách cũng ghi rõ: “Xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bổ trợ tư pháp”; còn trong Nhiệm vụ thì quy định cụ thể về bước đi để xã hội hóa từng lĩnh vực như luật sư, công chứng, giám định tư pháp và Thừa phát lại. Nghị quyết ghi rõ: “Từng bước thực hiện việc xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án”, “nghiên cứu chế định Thừa phát lại (thừa hành viên); trước mắt làm thí điểm tại một số địa phương, sau vài năm, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo”.

“Thuận lợi nữa là một số công việc trước đó cùng với Đổi mới đã được xã hội hóa, như luật sư, thậm chí còn được duy trì cả trong thời kỳ kinh tế tập trung như trọng tài (trọng tài thương mại, trọng tài hàng hải). Thuận lợi rõ ràng như thế nên khi trở về Bộ Tư pháp (năm 2007), có người còn chúc mừng tôi, nói: “Cứ làm theo Nghị quyết 48, 49 là thành công””, ông Cường kể.

Song, theo ông Hà Hùng Cường, trên thực tế, khó khăn trong việc thúc đẩy xã hội hóa lĩnh vực bổ trợ tư pháp không hề nhỏ, thậm chí có lúc tưởng như không vượt qua và có cái chưa vượt qua được. “Điển hình nhất là việc xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự, xây dựng nghề Thừa phát lại. Nghị quyết 49 quy định rõ như đã nói ở trên. Trong lịch sử, chế định này tồn tại ở miền Bắc đến năm 1954 và ở miền Nam đến năm 1975. Việc thực hiện thí điểm tại TP Hồ Chí Minh trong 6 năm (2009-2015) và một số tỉnh, thành khác trong 3 năm (2012-2015) đã rất thành công. Tôi nhớ mãi hai vị Chủ tịch nước, đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương Nguyễn Minh Triết và Trương Tấn Sang đến thăm Bộ Tư pháp, khi nghe báo cáo về kết quả thí điểm Thừa phát lại đều nói chung một ý là sao lại phải thí điểm, Thừa phát lại ở miền Nam đã có và đến nay vẫn còn những người còn sống”, người đứng đầu ngành Tư pháp từ tháng 8/2007 đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII kể lại.

Từ kết quả thí điểm, Quốc hội khóa XIII ngày 26/11/2015 đã ban hành Nghị quyết số 107/2015, theo đó ghi nhận kết quả đạt được trong việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 và Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội. Nghị quyết nêu rõ “Chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi cả nước kể từ ngày 1/1/2016”. Nghị quyết của Quốc hội cũng đã giao Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định cần thiết trong Nghị định của Chính phủ để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động Thừa phát lại, xây dựng Luật Thừa phát lại trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Để thực hiện thí điểm, năm 2009, Chính phủ đã hành Nghị định số 61 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Nghị định quy định rõ Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác được pháp luật quy định.

Điều 3 của Nghị định quy định cụ thể 4 loại công việc, đó là thực hiện việc tống đạt giấy tờ theo yêu cầu của Tòa án và Cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự; trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Điều 4 quy định về Đảm bảo hiệu lực hoạt động của Thừa phát lại.

Theo đó, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của Thừa phát lại; từ chối trái pháp luật yêu cầu của Thừa phát lại thì phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại, nếu có.

“Nghị định của Chính phủ quy định rõ ràng như vậy nhưng việc xây dựng Thông tư liên tịch thì quả là khó khăn. Chẳng thế mà Nghị định của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 9/9/2009 nhưng mãi đến giữa năm 2010 mới có được 2 Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành. Có được Thông tư liên tịch rồi nhưng việc thực hiện vẫn tiếp tục gặp khó khăn, đặc biệt trên các công việc trực tiếp tổ chức thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án ở ngân hàng và một số cơ quan quản lý về đất đai, tài sản. Chẳng hạn, về tổ chức thi hành án, có quan điểm cho rằng Thừa phát lại, văn phòng Thừa phát lại là tư nhân, không có cơ sở nào để Công an hỗ trợ cưỡng chế thi hành án. Thông tư liên tịch buộc phải quy định vòng vèo, văn phòng Thừa phát lại phải báo cáo để Cục trưởng Cục thi hành án ra quyết định cưỡng chế thi hành án, Công an mới vào cuộc. Nhưng nếu như vậy, người dân, doanh nghiệp đâu có sử dụng dịch vụ của Thừa phát lại nữa!”, ông Cường hồi tưởng.

Theo nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường, trong thực tế, trên thế giới và trong lịch sử nước ta, Thừa phát lại vốn sinh ra chủ yếu để thi hành án, nhưng hầu như cho đến nay chưa thực hiện được chức năng này.

Nói về nguyên nhân, ông Cường nhận định, đầu tiên là do nhận thức. “Trong nền kinh tế thị trường, có những chức danh không phải công chức nhà nước nhưng luật định thì được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện công việc công, điển hình trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp là Công chứng viên và Thừa phát lại. Họ được Nhà nước bổ nhiệm, phải có đủ tiêu chuẩn về đào tạo, tập sự và đạo đức mới được bổ nhiệm; khi hành nghề, họ phải chịu sự quản lý của Nhà nước, sự tự quản của hiệp hội của họ; nếu sai phạm họ cũng bị kỷ luật, thậm chí tạm đình chỉ hành nghề, miễn nhiệm… Họ khác công chức, viên chức nhà nước cơ bản ở việc Nhà nước không phải trả lương cho họ, họ tự thành lập văn phòng, tự thuê lao động, tự trả tiền công cho lao động, tự trang trải và còn nộp thuế cho Nhà nước. Ấy vậy mà hơn chục năm nay có người vẫn cho rằng họ là tư nhân, giống như doanh nghiệp tư nhân thì Nhà nước không hỗ trợ cưỡng chế thi hành án”, ông phân tích.

Ưu điểm lớn của xã hội hóa là bộ máy nhà nước bớt cồng kềnh, hoạt động của các tổ chức xã hội hóa hiệu quả hơn, Nhà nước không những không phải chi ngân sách nuôi tổ chức, xây dựng trụ sở người lao động mà còn được thu nộp thuế nhiều hơn. “Xã hội hóa hoạt động công chứng là ví dụ rõ ràng. Tiếc rằng, ở nơi này, nơi khác nhận thức đó chưa đến được”, nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường bày tỏ.

Trong bối cảnh như vậy, là người đứng đầu ngành Tư pháp, ông Hà Hùng Cường nhận thức rõ rằng, với những vấn đề thuộc quy luật thì không thể cưỡng lại được, việc gì đến thì sẽ đến, vấn đề chỉ là thời gian. “Nếu việc này diễn ra sớm, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN sẽ sớm hoàn thiện, người dân, doanh nghiệp sẽ sớm được hưởng lợi. Cùng với đó, môi trường pháp lý cho sự phát triển bền vững đất nước cũng sẽ tốt hơn. Còn nếu việc đó diễn ra muộn thì kết quả sẽ ngược lại. Do đó, với người lãnh đạo, khi đã nắm chắc quy luật rồi, gặp khó khăn sẽ tùy tình hình hóa giải từng cái một rồi thực tiễn sẽ giúp xóa bỏ khó khăn đó”, ông Cường nhấn mạnh.

Với quan điểm như vậy, Bộ, ngành Tư pháp dưới sự lãnh đạo của ông Hà Hùng Cường đã dần giải quyết được những khó khăn trong việc triển khai các mục tiêu cải cách đề ra. “Mỗi loại khó khăn có cách hóa giải khác nhau. Chẳng hạn, về nhận thức thì phải ra sức thuyết phục; về lợi ích thì phải biết chia sẻ, dung hòa. Trong khi khắc phục những khó khăn đó, tôi luôn nhớ lời của Bác Hồ: “Việc gì có lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được”. Việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”. Do đó, dù có dung hòa, chia sẻ nhưng vẫn phải kiên định trên những vấn đề thuộc về nguyên tắc, quy luật”, nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường nêu rõ. Hà Dung

Hà Dung

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nguyen-bo-truong-bo-tu-phap-ha-hung-cuong-nguoi-co-cong-lon-trong-viec-day-manh-xa-hoi-hoa-hoat-dong-bo-tro-tu-phap-post420729.html