Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao với kỷ niệm quần áo phải đi mượn

Bộ Ngoại giao sáng nay tổ chức hội thảo khoa học ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh: 80 năm tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc. Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên kể về những kỷ niệm trong cuộc đời hoạt động đối ngoại.

Phát biểu mở đầu tham luận, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên bày tỏ niềm vui khi được chứng kiến những thành tựu của đất nước nhưng ông cũng buồn vì nhiều đồng chí, đồng nghiệp, tiền bối đã ra đi gần hết không có cơ hội nhìn thấy sự phát triển của ngoại giao Việt Nam vươn mình ra thế giới.

"Điều vinh dự vô cùng khi ngoại giao Việt Nam do Bác Hồ là tư lệnh đầu tiên. Vì sao Bác không phụ trách ngành khác mà phụ trách ngoại giao, vì khi cách mạng mới thành công thì ngoại giao là vũ khí duy nhất để hóa giải những vấn đề đất nước đối mặt", nguyên Bộ trưởng nói về vận mệnh của đất nước thời điểm “ngàn cân treo sợi tóc”.

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên.

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên.

Ông Niên nêu về Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946 và Tạm ước về quan hệ Việt Nam - Pháp tháng 9/1946. Tuy không ngăn chặn được chiến tranh nổ ra nhưng trong hoàn cảnh đất nước gặp muôn vàn khó khăn về kinh tế, xã hội, thù trong, giặc ngoài ra sức chống phá thì việc ký Hiệp định sơ bộ và Tạm ước là nước cờ ngoại giao xuất sắc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao cũng điểm lại tiến trình lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ với những đóng góp to lớn của ngành Ngoại giao. Khi thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu thì ngoại giao Việt Nam bước ra thế giới đến với trung tâm của châu Âu. Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng phái đoàn tham gia Hội nghị Geneva đã lĩnh hội tư tưởng, chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ để vận dụng khôn khéo, đấu tranh quyết liệt.

Hội nghị Paris kéo dài gần 5 năm, một tiến trình đàm phán và đối thoại đặc biệt căng thẳng, quyết liệt. Đó là một cuộc đấu trí "vừa đánh, vừa đàm". Theo ông Niên, nếu trên chiến trường, không giành được thế chủ động, thế tấn công, thì ta khó đạt được kết quả trên bàn đàm phán. Hiệp định có 9 chương 23 điều với 2 chương đầu quan trọng.

Lần đầu tiên trong lịch sử, phía Mỹ buộc phải xuống nước, thừa nhận độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Mỹ phải chấm dứt can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, rút toàn bộ quân đội Mỹ, quân đồng minh và tháo dỡ tất cả các căn cứ quân sự khỏi miền Nam Việt Nam. "Chỉ mấy điều đấy thôi mà phải thương lượng trong nhiều năm, nhiều cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta phải đổ máu để đạt được...", ông Niên chia sẻ.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn với các cán bộ ngoại giao lão thành.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn với các cán bộ ngoại giao lão thành.

Nói về sự kiện Việt Nam phối hợp với lực lượng cách mạng Campuchia xóa bỏ chế độ diệt chủng Pol Pot, giải phóng nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng, ông Niên cho biết đây là nghĩa cử lớn, việc làm chính nghĩa của ta với bạn.

"Phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 1987, tôi được cử đi, khi đó vẫn có phát biểu phê phán Việt Nam và tôi nghe cũng không chịu được. Đến lượt Việt Nam phát biểu, tôi đã bàn anh chị em trong đoàn viết một bài để lên phản biện, nói rõ sự chính nghĩa, tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng của Việt Nam. Chính chị Tôn Nữ Thị Ninh đã phát biểu bằng tiếng Anh bài phản biện đó, cả Đại hội đồng im phăng phắc nghe", ông Niên kể lại.

Ông Niên khẳng định "ngoại giao là viên ngọc quý", các cán bộ ngoại giao có nhiệm vụ "phải làm cho nó sáng rực lên".

Ông kể lại những năm tháng khó khăn đến mức các nhà ngoại giao phải mượn quần áo từ Bộ Tài chính, phí công tác của Bộ trưởng Ngoại giao chỉ vài chục cent mỗi ngày, còn những người khác ít hơn "nhưng anh em vẫn quyết tâm đấu tranh để đạt được những thành quả như vậy”.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh nỏi: "Tôi có vài tiếng để chuẩn bị. Khi phát biểu tố cáo về tội ác của Pol Pot với dân tộc Campuchia và nêu rõ tính chính nghĩa của Việt Nam thì cả hội trường im phăng phắc".

Bà Tôn Nữ Thị Ninh nỏi: "Tôi có vài tiếng để chuẩn bị. Khi phát biểu tố cáo về tội ác của Pol Pot với dân tộc Campuchia và nêu rõ tính chính nghĩa của Việt Nam thì cả hội trường im phăng phắc".

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, Tạm ước 14/9/1946, Hiệp định Geneva 1954 và Hiệp định Paris 1973 đã trở thành những mốc son chói lọi trong lịch sử nền ngoại giao cách mạng, góp phần dẫn tới chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, thu giang sơn về một mối.

Sát cánh với các binh chủng hợp thành của Cách mạng Việt Nam, ngoại giao đã góp phần chấm dứt hơn một thế kỷ nô lệ dưới ách thực dân, đế quốc, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất và phát triển.

Trải qua 8 thập kỷ, từ chỗ “thân cô thế cô”, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế, tiềm lực và uy tín quốc tế như ngày nay. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, xây dựng được mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 37 nước...

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn: Từ chỗ chỉ có khoảng 20 cán bộ, nhân viên, Bộ Ngoại giao hiện nay có trên 2.000 cán bộ, nhân viên. Với hệ thống 98 cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và đang tiếp tục mở rộng.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn: Từ chỗ chỉ có khoảng 20 cán bộ, nhân viên, Bộ Ngoại giao hiện nay có trên 2.000 cán bộ, nhân viên. Với hệ thống 98 cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và đang tiếp tục mở rộng.

Phó Thủ tướng chia sẻ, từ thân phận một nước bị xem là “nhược tiểu”, ngày nay, trong con mắt bạn bè quốc tế, Việt Nam là một quốc gia tầm trung có vai trò, vị thế ngày càng tăng trong ASEAN và ở khu vực, có đóng góp ngày càng chủ động, tích cực vào việc tham gia giải quyết các công việc chung của cộng đồng quốc tế.

Trần Thường

Phạm Hải

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguyen-bo-truong-ngoai-giao-voi-ky-niem-quan-ao-phai-di-muon-2426327.html