Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương - người bạn chí tình

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương tài giỏi, giản dị, khiêm tốn; là một người bạn chí tình, luôn quan tâm, yêu thương bạn bè, nhân viên của mình

"Hay tin Trung ương thông báo anh đã mất. Tôi bàng hoàng nhớ lại những ngày đi tìm mỏ với anh ở Đội 41 sắt Hòa Duyệt, miền Tây Hà Tĩnh. Nắng nóng gió Lào, nhiệt độ ngoài trời hơn 40 độ C, mồ hôi chưa ra kịp đã bay hơi. Xong nhiệm vụ anh về Đoàn 20, tôi về Đoàn 213 tìm quặng sắt cho lò cao Hàm Rồng (Thanh Hóa). Bẵng đi một thời gian, gặp lại - anh và tôi cùng làm tiếp phẩm cho nhà bếp sinh viên. Thế mà, biết anh ốm rồi nay vĩnh biệt anh, tôi không đến được, vì tuổi cao sức yếu. Xin phép cùng gia đình và các cháu, bè bạn thông cảm cho tôi chỉ viếng vọng từ xa". Đây là những dòng chữ mà ông Nguyễn Ngọc Hạp, nguyên cán bộ Liên đoàn Trắc địa địa hình, viết về nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.

Khiêm tốn, tôn trọng trật tự

Ông Nguyễn Ngọc Hạp kém nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương 1 tuổi. Từ tháng 4-1955 đến tháng 9-1955, ông Hạp theo học Trường Sơ cấp địa chất khóa đầu tiên ở khu vực Chùa Láng (Hà Nội). Ở đây, ông Hạp và hơn 100 người bạn khác từ khắp cả nước, cùng học với nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.

Nói về nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, ông Hạp nhìn nhận: "Anh ấy là người vô cùng thông minh, học giỏi, giản dị, quan tâm, yêu thương bạn bè, nhân viên; là cán bộ trưởng thành từ một nhân viên địa chất bình thường đến vị trí Chủ tịch nước".

Tâm sự với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hạp kể khi ở trường sơ cấp, ông và ông Trần Đức Lương chưa biết nhau. Sau khi ra trường, ông đi làm ở Nhà máy điện Lào Cai, rồi về xây dựng Khu Công nghiệp Gang thép Thái Nguyên. Đến năm 1959, khi được phân công về Đội địa chất 41 đi khảo sát quặng sắt ở Hòa Duyệt, huyện Vũ Quang, khu vực miền tây Hà Tĩnh, ông Hạp với nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương mới biết nhau.

Khi đó, ông Trần Đức Lương và ông Hạp đều là tổ viên ở tổ kỹ thuật. Trong một chuyến đi công tác, đội chia thành các nhóm đi khảo sát. Ông Hạp làm đo đạc nên đi trên núi, hễ chỗ nào có vết lộ địa chất thì cắm cờ rồi đo xuống dưới lòng đất. Một nhóm khác đi với chuyên gia Trung Quốc, trong khi ông Trần Đức Lương thì cứ đi một mình, vừa đi vừa gõ đá, vừa mô tả, ghi chép. "Tôi nhận thấy đức tính cần cù, tự lực của anh Lương từ ngày đó" - ông Hạp hồi tưởng.

Sau vài tháng công tác ở Hòa Duyệt, hoàn thành nhiệm vụ, ông Trần Đức Lương được cử về công tác tại Đoàn địa chất 20, còn ông Hạp được cử về Đoàn 213 tìm quặng sắt để xây dựng lò cao Hàm Rồng (Thanh Hóa).

Bẵng đi một thời gian, ông Hạp gặp lại ông Trần Đức Lương ở Trường Đại học Mỏ - Địa chất, cả hai học chuyên tu và cùng làm tiếp phẩm cho nhà bếp sinh viên của trường. Ông Hạp kể khi học ở trường, ông Trần Đức Lương là lớp trưởng lớp chuyên tu địa chất. Trường khi đó phải sơ tán lên học ở xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Ninh) và phải về Hà Nội xếp hàng để mua thực phẩm.

"Sáng sớm mùa đông hôm ấy, khoảng năm 1967-1968, trời rét lắm, khi đó cửa hàng thực phẩm chưa mở cửa. Tôi thấy một người đứng xếp hàng ở phía sau những chiếc rổ rá, gạch đá (mọi người để xí chỗ). Tôi tiến lại, nhận ra người quen, liền nói "anh và tôi đến sớm nhất, chưa có ai, sao không đứng lên vị trí đầu tiên, khi cửa hàng mở cửa thì là người mua hàng đầu tiên rồi về mà kịp đi học, đứng sau làm gì". Tuy nhiên, ông Trần Đức Lương đã không đồng ý và ngăn lại. Ông bảo "anh đừng có làm vậy, tôi và anh xếp hàng vào ngay sau đống rổ rá và gạch đá này, rồi chờ đến lượt mua hàng rồi để về kịp đi học"" - ông Hạp nhớ lại. Sau đó, ông Hạp và ông Trần Đức Lương đứng xếp hàng cho đến khi nhân viên cửa hàng thực phẩm mở cửa, mua được hàng rồi đạp xe trở về Thuận Thành.

"Khi đi học, anh ấy lúc nào thi hay kiểm tra cũng đều được điểm tối đa 5/5. Ngay cả khi lớp đang thi học kỳ, anh ấy cũng về Hà Nội để mua thực phẩm cho lớp. Anh Lương là người rất đàng hoàng, khiêm tốn, tôn trọng trật tự từ những ngày còn là sinh viên" - ông Hạp bày tỏ.

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương và ông Nguyễn Ngọc Hạp trong một lần gặp mặt. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương và ông Nguyễn Ngọc Hạp trong một lần gặp mặt. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Không hề quan cách!

Theo ông Hạp, cho đến khi có chức có quyền, ông Trần Đức Lương vẫn luôn giữ vững khí chất liêm chính và khiêm tốn đó. Ông Hạp nói khi ông Trần Đức Lương là Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất có tham gia học một lớp quản lý nhà nước do chuyên gia nước ngoài giảng dạy. "Mỗi buổi sáng, anh Lương lại cho một anh nhân viên tên là Nguyễn Cát ở phòng kế hoạch đi cùng ô tô với anh ấy để đến lớp. Tôi bảo với anh nhân viên kia sao không đạp xe đi mà lại ngồi xe với Tổng cục trưởng. Anh nhân viên kia nói "anh ấy cho đi cùng thì em đi". Điều đó cho thấy anh Lương rất giản dị, yêu thương nhân viên và không hề quan cách" - ông Hạp nhận xét.

Trong buổi trò chuyện với chúng tôi, ông Hạp ôn lại một kỷ niệm cách đây khoảng hơn 10 năm, tại một buổi kỷ niệm gặp mặt do Tổng cục Địa chất tổ chức. "Khi đó, tôi ăn ở phía ngoài, còn các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo như anh Lương thì ăn ở phía trong phòng khách. Anh Lương nhìn thấy tôi liền cầm tay và bảo tôi vào ngồi ăn cùng. Tại bữa tiệc đó, chúng tôi chụp tấm ảnh làm kỷ niệm" - ông Hạp bồi hồi nhớ lại.

Ông Nguyễn Ngọc Hạp bồi hồi khi xem lại tấm ảnh kỷ niệm với người bạn, người lãnh đạo chí tình - nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Ảnh: NGUYỄN THẾ

Ông Nguyễn Ngọc Hạp bồi hồi khi xem lại tấm ảnh kỷ niệm với người bạn, người lãnh đạo chí tình - nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Ảnh: NGUYỄN THẾ

Chưa bao giờ to tiếng với nhân viên

Bà Lý Thị Thái (vợ ông Hạp) có hơn 10 năm là văn thư đánh máy ở Cục Bản đồ địa chất, Liên đoàn Bản đồ địa chất thuộc Tổng cục Địa chất, nơi mà nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương từng trải qua các chức vụ Phó Cục trưởng Cục Bản đồ địa chất, quyền Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất.

Bà Thái kể trong công tác, ông Trần Đức Lương không bao giờ nói nặng hay quát mắng nhân viên. Ông sống rất gần gũi với bạn bè, đồng nghiệp, được nhiều người yêu quý.

Trong thời gian công tác, bà Thái là tổ trưởng tổ Công đoàn mà các lãnh đạo Cục Bản đồ địa chất, trong đó có Phó Cục trưởng Cục Bản đồ địa chất Trần Đức Lương, sinh hoạt cùng. Mỗi khi họp tổ Công đoàn, dù bà Thái là tổ trưởng nhưng thường không có ý kiến nhận xét về các lãnh đạo. Sau đó, bà Thái bị ông Trần Đức Lương phê bình vì không thẳng thắn góp ý những ưu điểm, khuyết điểm của lãnh đạo. Ông nói với bà Thái: "Dù chúng tôi là lãnh đạo nhưng cũng chỉ là tổ viên Công đoàn, cho nên tổ trưởng phải thẳng thắn góp ý. Việc bỏ qua lãnh đạo mà không góp ý, hay góp ý qua loa là không đúng".

Lời của ông Trần Đức Lương giúp bà Thái cởi bỏ tâm lý e ngại và càng tôn trọng, yêu quý người lãnh đạo giản dị, đức độ. "Ngay cả khi là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Chính phủ, anh Lương vẫn mời vợ chồng tôi qua nhà chơi, hỏi han ân cần và rất thân tình, dù chúng tôi chỉ là nhân viên bình thường" - bà Thái chia sẻ.

Quảng Ngãi tổ chức tang lễ nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương

Chiều 23-5, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn cho biết UBND tỉnh đã có thông báo việc thực hiện Lễ Quốc tang ông Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước.

Theo đó, lễ viếng, lễ truy điệu, lễ an táng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương tại Quảng Ngãi bắt đầu từ 7 giờ ngày 24-5 đến 7 giờ ngày 25-5, được tổ chức ở các địa điểm: Hội trường Nhà khách T50, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi (số 142 Lê Trung Đình, TP Quảng Ngãi); hội trường Trung tâm Truyền thông - Văn hóa - Thể thao thị xã Đức Phổ và hội trường UBND xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ.

Lễ truy điệu nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương được tổ chức trọng thể lúc 7 giờ ngày 25-5 tại hội trường Nhà khách T50, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi.

Lễ an táng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương diễn ra vào lúc 15 giờ cùng ngày tại nghĩa trang riêng thôn Diên Trường, xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ.

T.Trực

VĂN DUẨN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nguyen-chu-tich-nuoc-tran-duc-luong-nguoi-ban-chi-tinh-196250523212755275.htm