NGUYÊN CHỦ TỊCH UBND TỈNH BÌNH PHƯỚC BÙI HUY THỐNG: Không chia tách tỉnh, không có Bình Dương và Bình Phước phát triển như hôm nay
BPO - Thời điểm cuối năm 1996, ông Bùi Huy Thống đang là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Sông Bé. Khi chuẩn bị tách tỉnh, ông được Bộ Chính trị phân công nhiệm vụ là Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước. Ông Bùi Huy Thống đã gắn bó với cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Bình Phước qua nhiều vị trí công tác, đặc biệt có giai đoạn là Bí thư Huyện ủy Lộc Ninh. Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, ông đã có sự đóng góp hết sức quan trọng của sự phát triển của tỉnh Bình Phước hôm nay.
Nhân kỷ niệm 25 năm Ngày tái lập tỉnh, phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) đã đến thăm và vui mừng khi được ông Bùi Huy Thống chia sẻ những kỷ niệm, câu chuyện không thể nào quên về những năm tháng công tác ở Bình Phước khi tỉnh mới tái lập.
TRONG KHÓ CÓ THUẬN
* Lúc bấy giờ khi lên Bình Phước, một vùng khó khăn như thế thì tư tưởng của cán bộ như thế nào, thưa ông?
Tất cả cán bộ đang ổn định ở dưới này với gia đình, đi làm rất gần, bây giờ phải lên Bình Phước, gia đình chia kinh tế làm hai. Chúng tôi phải làm công tác tư tưởng rất mạnh, để cán bộ yên tâm lên Bình Phước và gắn bó với Bình Phước.
Tôi còn nhớ, ngày 1-1-1997, khi lên tới Đồng Phú thì chúng tôi phải mượn hội trường để tập trung tất cả ở đó. Tỉnh ủy, UBND tỉnh, những người được chỉ định sẽ làm công tác tư tưởng đối với tất cả cán bộ và đồng thời cũng có lời đề nghị Đảng bộ, nhân dân Đồng Phú giúp đỡ. Các cơ quan của Huyện ủy Đồng Phú cũng cho mượn để làm nơi ăn, ở, sinh hoạt và công tác. Sau này thì nhân dân Đồng Phú rất nhiều người cho mượn. Một số người thì cho chúng tôi thuê, bởi vì mình ở thời gian quá lâu.
Ông Bùi Huy Thống, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước. Ảnh: Tiến Dũng
Đồng Xoài lúc bấy giờ khi mới lên phải nói là rất khó khăn, bởi vì địa thế của Đồng Xoài ở nơi mang tính chất lòng chảo, dưới lòng chảo sâu khoảng hơn chục mét thì hoàn toàn là đá phiến, không thể nào khoan giếng được, vì vậy rất thiếu nước. Trong mùa nắng chúng tôi phải tổ chức những đoàn xe bồn để đi ra sông, suối Cam chở nước về phục vụ cho các cơ quan và dân cũng rất thiếu nước.
Lúc đầu mới lên, cán bộ chưa về gia đình ở Bình Dương thường xuyên đâu. Chúng tôi đi công tác từ sáng đến tối, rồi đêm về lại nằm trong nhà dân. Mà người dân phản ánh lại với chúng tôi “Thấy cán bộ của các ông nằm chỉ thở dài thôi”. Cho nên, sau đó Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh bàn lại đi đến thống nhất: để ổn định tư tưởng cho cán bộ của mình và tập trung để lo cho nhân dân thì cuối tuần từng cơ quan phải tổ chức xe đưa anh em về, đầu tuần lên làm việc.
* Thưa ông, thời điểm đó nhiều người cho rằng: Bình Phước là những huyện phía Bắc của tỉnh Sông Bé, cho nên rất là khó khăn. Vậy trong những khó khăn đó có thuận lợi gì không?
Đúng vậy, sau khi chia tách, hầu như các huyện phía Bắc khó khăn đều thuộc về Bình Phước. Nói vậy chứ, không phải Bình Phước không có những thuận lợi:
Thuận lợi cơ bản là nhân dân Bình Phước rất đồng tình ủng hộ. Người dân rất phấn khởi.
Bởi họ thấy rằng nếu đưa toàn bộ bộ máy của Đảng và Nhà nước lên gần họ thì họ sẽ được quan tâm hơn, đời sống gia đình sẽ tốt hơn, tỉnh sẽ phát triển.
Bình Phước được chia diện tích lớn hơn Bình Dương, bởi diện tích sau khi chia ra thì Bình Dương là 2.700 km² còn lại là Bình Phước hơn 6.000 km². Cho nên với quỹ đất đó là điều kiện thuận lợi rất lớn cho Bình Phước phát triển.
VÀ NHỮNG SỰ GIÚP ĐỠ ĐẶC BIỆT
* Trước những khó khăn trên, Trung ương đã hỗ trợ gì cho Bình Phước? Có những cơ chế đặc biệt như thế nào, thưa ông?
Trung ương rất quan tâm và giúp đỡ, cho Bình Phước một cơ chế thuận lợi lúc bấy giờ. Thứ nhất, Chính phủ cho phép tất cả các đồng chí cán bộ, nhân viên tách ra từ Sông Bé lên trên Bình Phước thì sau này sẽ được cấp một miếng đất và đồng thời ngân hàng cho vay tiền để làm nhà, ổn định cuộc sống. Thứ hai, Trung ương giải quyết về ngân sách cũng trên cơ chế. Khi tách ra Bình Dương chia cho Bình Phước theo danh nghĩa giấy tờ, chứ không phải tiền mặt. Trung ương đã cho phép Bình Phước một cơ chế là thu bao nhiêu vào Kho bạc thì cho phép chúng tôi lấy trong Kho bạc ra để chi, còn thiếu bao nhiêu thì Trung ương sẽ gửi bù.
* Còn sự giúp đỡ của tỉnh anh em Bình Dương lúc bấy giờ với Bình Phước ra sao, thưa ông?
Nếu nói về sự giúp đỡ của Bình Dương đối với Bình Phước thì đúng là tình nghĩa “huynh đệ”. Sau khi tách ra Bình Dương cũng khó chứ không phải là thuận lợi hết. Nhưng mà khi nào có điều kiện giúp đỡ được là Bình Dương giúp đỡ, chứ không cần để cho Bình Phước về đặt vấn đề.
TẬP TRUNG GIẢI QUYẾT KHÓ KHĂN, PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
* Bài toán phát triển kinh tế - xã hội những ngày đầu mới tái lập tỉnh đã được ông và lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh giải quyết như thế nào?
Đây là bài toán rất lớn vì những ngày đầu vô cùng khó khăn. Tất cả những khó khăn đó chúng tôi phải tìm cho ra, xử lý những khó khăn nào mang tính chất bao trùm toàn diện nhất, để cuối cùng khi giải quyết được thì nó phải giải quyết cái trước mắt và cái lâu dài. Cho nên hai năm đầu, chủ trương của Tỉnh ủy và UBND tỉnh là dứt khoát không xây dựng trụ sở làm việc nào.
Phải nhanh chóng ổn định bộ máy, khi lên Bình Phước một thời gian chúng tôi phải tổ chức đại hội Đảng bộ tỉnh đầu tiên của tỉnh vừa tái lập, bầu ra được Ban Chấp hành và thành lập tất cả các ban, ngành tỉnh để nhanh chóng bắt tay vào làm việc. Từng cán bộ tỉnh, cán bộ huyện được phân công xuống tất cả các cơ sở. Cán bộ phải “3 cùng” với nhân dân để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, cầm tay chỉ việc. Bởi vì bấy giờ mình là tỉnh đất rộng người thưa, dân ở các nơi đổ về, dân kinh tế mới, TP. Hồ Chí Minh lên, dân ở biển Hồ từ Campuchia về... họ không biết gì về nông nghiệp nên phải cầm tay chỉ việc. Thậm chí, chính quyền phải đưa tiền thuê người dân trồng mì, trồng củ lang, đến khi được thu hoạch thì giao cho họ ăn.
* Định hướng phát triển kinh tế lúc bấy giờ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh như thế nào thưa ông?
Định hướng phát triển kinh tế lúc bấy giờ chúng tôi chưa dám làm dài.
Thứ nhất: Phải xác định hai năm đầu thực hiện ổn định bộ máy để bộ máy này bắt tay vào làm việc, trực tiếp lo cho dân.
Thứ hai: Phủ nhanh đất trống đồi trọc, vì diện tích tự nhiên của tỉnh là hơn 6.000km² thì 2/3 diện tích sản xuất là đất trống đồi trọc. Dân thì đói, đất thì bỏ hoang cho nên phải nhanh chóng phủ nhanh đất trống đồi trọc bằng cách kêu gọi tất cả mọi nguồn lực, cả tập thể, cả doanh nghiệp, cả tư nhân, cá nhân, quân đội… nhận đất sản xuất.
Nhân dân vào, giao cho nhân dân sản xuất rồi sau đó đủ 1 thôn, 1 ấp ổn định thì giao cho chính quyền địa phương quản lý và lãnh đạo. Rồi giao cho các công ty cao su để phát triển cây cao su, vì lúc bấy giờ cây cao su được mệnh danh là “cây vàng trắng”.
Các doanh nghiệp và những người nào có vốn đầu tư phát triển cây lương thực, cây công nghiệp lâu năm, cao su, trồng rừng… để nhanh chóng phủ cho được đất trống.
Một điều rất mừng là, sau 2 năm khi Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn về kiểm tra thì khen Bình Phước là một trong những tỉnh phủ nhanh đất trống đồi trọc nhất trong những tỉnh được chia tách.
Nhờ cây lương thực ngắn ngày mà tỉnh đã giải quyết được nguồn lương thực cho nhân dân. Cây công nghiệp dài ngày thì thường từ 3 đến 5 năm được thu hoạch, nhờ vậy về lâu dài chúng tôi đã tạo ra được nguồn thu tương đối ổn định cho tỉnh.
* Như trên ông có nói, hạ tầng giao thông của Bình Phước gặp quá nhiều khó khăn. Các lãnh đạo tỉnh đã bắt tay vào làm ngay hay phải chờ 2 năm như trụ sở làm việc?
Về những đường giao thông lớn mà tráng nhựa lúc đó tỉnh không đủ khả năng làm mà vốn của Trung ương nhỏ giọt cũng không làm nổi. Cho nên hướng chung bấy giờ là những nơi đã hình thành đường thì đầu tiên là phải sửa sang cho thông thoáng, xe cộ đi lại được và những đường mà trước đây là đường mòn nhưng có tác dụng rất lớn đối với nhân dân vùng đó thì tỉnh phải tập trung nâng cấp lên thành đường cấp phối để tạo mạng lưới từ huyện xuống xã. Cho nên chúng tôi đặt vấn đề là giai đoạn đầu hãy làm đường cấp phối, sau đó dành một nguồn lực đầu tư quan trọng cho giao thông.
* Sự chuẩn bị ý tưởng quy hoạch, xây dựng trụ sở làm việc được thực hiện như thế nào thưa ông?
Sau hai năm bắt đầu xây dựng trụ sở nhưng chúng tôi đã có tính toán trước. Khi mới lên, song song với thực hiện nhiệm vụ khác, lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo các ngành chức năng làm tờ trình xin Trung ương cấp vốn hằng năm nhưng tập trung cho chúng tôi vào hai năm sau để xây dựng đồng loạt.
Hai năm sau khi có vốn về, tôi đã trực tiếp chỉ đạo Sở Xây dựng thuê tất cả công ty thiết kế để thiết kế hàng loạt mẫu trụ sở, sau đó hội đồng duyệt tất cả 62 mẫu, đưa ra triển lãm cho các cơ quan trong tỉnh xem và từng cơ quan chọn mẫu cho mình. Cơ quan nào chọn được mẫu thì làm thủ tục để rót vốn và cơ quan đó phải thành lập một đơn vị quản lý dự án để sau này tốt, xấu, đẹp… do chính cơ quan đó chịu trách nhiệm. Cho nên triển khai rất nhanh.
BÀI HỌC KINH NGHIỆM VÀ ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI
* Rất nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra, nhất là trong những ngày đầu gian khó, ông có thể cho biết đó là gì?
Trong suốt 25 năm tái lập và phát triển, Bình Phước gặp rất nhiều những khó khăn, trở ngại, thăng trầm, thậm chí có lúc tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng Bình Phước đã vươn lên, phát triển mạnh mẽ.
Từ những ngày đầu tái lập tỉnh, chúng tôi đều đau đáu một bài học kinh nghiệm lớn nhất và bao trùm nhất để đi đến thành công là tinh thần đoàn kết giống như Bác Hồ nói “Đoàn kết đại đoàn kết, thành công đại thành công”. Đoàn kết từ trong nội bộ ra đến nhân dân. Để giữ được sự đoàn kết, người đứng đầu phải gương mẫu.
Bài học thứ hai là nếu như có chia tách thì phải chuẩn bị kế hoạch cụ thể, đừng để những việc khó khăn không đáng có làm tốn rất nhiều công xử lý.
Ông Bùi Huy Thống, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước góp ý dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Minh Luận
* Sự phát triển của Bình Phước hôm nay đã đạt được như kỳ vọng ban đầu của việc chia tách tỉnh Sông Bé thành Bình Dương - Bình Phước hay chưa, thưa ông?
Quyết định chia tách tỉnh là hoàn toàn đúng đắn, nếu không thực hiện được quyết định đó thì sẽ không có Bình Phước và Bình Dương phát triển như ngày hôm nay.
Bình Phước đã và đang hoàn thành sự phát triển về chiều rộng và đồng thời cũng đang bắt đầu bắt tay vào giai đoạn phát triển theo thâm canh tăng năng suất, sản xuất tinh, do đó yêu cầu chúng ta hai vấn đề lớn.
Một là: Phải xem xét lại quá trình sản xuất và kinh doanh để tìm ra được mô hình phù hợp với từng loại hình kinh tế. Trình độ quản lý, đưa mạnh khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ cao để khai thác từng loại đất, từng loại cây trồng để tạo ra cho được chuỗi sản xuất sản phẩm ổn định phù hợp thông lệ quốc tế.
Hai là: Tập trung lực lượng đầu tư xây dựng hệ thống logistics hiện đại và toàn diện để liên kết vùng, miền, quốc tế. Thực hiện hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh trạnh với thị trường trong nước, thị trường quốc tế để tạo điều kiện cho sản phẩm của Bình Phước bay cao và bay xa.
Tôi tin tưởng, đây sẽ là đột phá làm cho kinh tế của Bình Phước cất cánh trong những năm tới.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!