Nguyện cùng anh gắn bó

Lần đầu ra công tác tại xã đảo Thanh Lân, tôi gặp Trung úy QNCN Đào Phú Thương, nhân viên quân y, Tiểu đoàn đảo Thanh Lân (Lữ đoàn 242, Quân khu 3), khi anh đang điều trị bệnh cho bà con trên đảo. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết hiện nay vợ chồng anh đều đang công tác, sinh sống và lập nghiệp trên đảo. Trong căn nhà nhỏ ấm áp, đôi vợ chồng trẻ vui vẻ kể với chúng tôi về mối nhân duyên của mình.

 Gia đình Trung úy QNCN Đào Phú Thương (tháng 12-2018).

Gia đình Trung úy QNCN Đào Phú Thương (tháng 12-2018).

Cách đây hơn 15 năm, sau khi được đào tạo sơ cấp quân y tại Bệnh viện Quân y 5, anh Thương được điều động ra đảo Thanh Lân công tác. Năm 2007, anh được chọn vào đoàn vận động viên Lữ đoàn 242 tham dự Đại hội Thể dục thể thao quân khu. Hoàn thành tốt nhiệm vụ, anh được đơn vị cho nghỉ phép về thăm gia đình. Trong một lần đến thăm nhà người bạn học cùng phổ thông, anh quen Nguyễn Thị Liêm, cô gái cùng quê Hưng Yên, làm nghề may, dáng người nhỏ nhắn, nói năng nhỏ nhẹ. Ngay từ lần gặp đầu tiên, họ đã có cảm tình với nhau.

Trở lại đơn vị công tác, ngày ấy, đảo Thanh Lân chưa có điện nên việc liên lạc qua điện thoại cũng gặp nhiều khó khăn. Để sạc pin cho điện thoại, mỗi lần vào bờ, anh tranh thủ nạp điện đầy bình ắc quy 12V để dự phòng. Qua những dòng tin nhắn của Phú Thương gửi về, chị Liêm càng thêm hiểu anh hơn. Chị gửi anh những lời nhắn nhủ yêu thương: “Anh cứ yên tâm công tác, gắn bó với đảo, làm tròn nhiệm vụ”. Những ngày xa nhau, ở hai đầu nỗi nhớ, tình cảm của họ gửi trọn vào những dòng tin nhắn điện thoại.

Biết Liêm đem lòng yêu anh bộ đội đảo xa nên gia đình chị tìm cách ngăn cản. Bạn bè thì khuyên chị nên suy nghĩ kỹ, bởi chồng công tác xa, một mình sẽ vất vả, phải lo công việc hai bên nội ngoại, trong khi đó bố mẹ đã già yếu. Chị Liêm tâm sự: “Biết anh công tác xa, ít được về thăm gia đình, lúc đầu tôi cũng lo lắng vì tình yêu, hạnh phúc sẽ cách trở. Tôi quyết định khăn gói lên đường để thăm anh và tìm hiểu về cuộc sống người lính đảo. Tôi hiểu được công việc của anh tuy vất vả nhưng đó là nhiệm vụ thiêng liêng nên càng thương và yêu anh nhiều hơn”.

Vượt qua nhiều khó khăn thử thách, năm 2009, anh chị nên duyên vợ chồng, trong niềm vui của gia đình, bạn bè và đồng đội. Cưới nhau chưa đầy một tháng, anh Thương phải ra đảo làm nhiệm vụ. Chị ở nhà có tin vui, rồi 9 tháng sau phải vượt cạn một mình. Anh Thương kể: “Ngày vợ sinh, tôi bồn chồn lo lắng nhưng đang trực cao điểm nên không về được. Khi gia đình gọi điện báo vợ sinh con trai, hai mẹ con khỏe mạnh, tôi rất mừng nhưng thương vợ nhiều lắm”.

Xác định gắn bó với đảo lâu dài, năm 2014, để thuận tiện cho cuộc sống gia đình, anh Thương bàn với hai bên gia đình đưa vợ ra đảo lập nghiệp. Chị Liêm kể: “Những ngày đầu mới ra đảo, chưa quen với cuộc sống ở đây, em không sao ngủ được. Nghĩ tới bố mẹ ốm đau ở nhà không ai chăm sóc, em lại ứa nước mắt. Muốn vào bờ thăm gia đình cũng khó, bởi phương tiện đi lại còn khó khăn. Nhưng được sự động viên của gia đình, đồng đội và nhất là người bạn đời, em cũng dần vượt qua, coi đảo như quê hương mình và nguyện gắn bó ở đây lâu dài”.

Ra đảo, sau nhiều năm chịu khó làm ăn, tích góp, anh chị mua được mảnh đất, xây dựng ngôi nhà rộng rãi, khang trang. Tổ ấm của anh chị thêm vui với hai con chăm ngoan, học giỏi. Có hậu phương ổn định, anh Thương thêm yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều năm được các cấp khen thưởng.

Bài và ảnh: NGUYỄN THANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/nguyen-cung-anh-gan-bo-581142