Nguyên do người Đức đặc biệt chú ý bầu cử tổng thống Mỹ
Theo BBC, cựu Đại sứ Wolfgang Ischinger không phải người duy nhất xem cuộc bầu cử tổng thống 2020 tại Mỹ là một thời điểm quan trọng đối với nước Đức.
Nhiều người cho rằng, thể thao, văn hóa và các giá trị của nước Mỹ đã thấm vào huyết quản của người Đức từ rất lâu. Một trong những minh chứng cho mối quan hệ bền chặt xuyên Đại Tây Dương giữa hai quốc gia này từ sau Thế chiến 2, là con phố mang tên Kennedy Platz ở Berlin. Tại nơi này cách đây gần 60 năm, Tổng thống John F. Kennedy đã nói một câu nổi tiếng trước đám đông cuồng nhiệt: "Tôi là người Berlin.”
Đó là lý do tại sao rất nhiều người dân Đức theo dõi rất sát sao cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, trong đó có cả các cầu thủ đang thi đấu hăng say trên sân bóng bầu dục. "Dù ban đầu bạn được xem như một người ngoài cuộc và không bị tác động gì từ nó, nhưng cuối cùng nó vẫn gây ảnh hưởng đến bạn," Christoph, hậu vệ một câu lạc bộ bóng bầu dục tại Đức, chia sẻ.
Theo BBC, một lý giải khác cho việc tại sao người Đức đặc biệt quan tâm đến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng trong năm nay, là thái độ của họ đối với ông Donald Trump, tổng thống hiện tại của nước Mỹ.
Dù Tổng thống Trump từng tuyên bố đã “lấy lòng” Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhưng kết quả từ một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy nhiều người dân Đức có những đánh giá không mấy tích cực về ông. Bà Merkel cũng bị cho là không thích thú với phong cách làm việc của ông Trump. Trái ngược với sự hợp tác khá thoải mái với chính quyền Barack Obama, Berlin đã gặp nhiều khó khăn khi mở rộng hợp tác với chính quyền Donald Trump.
Norbert Roettgen, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Đức và là một trong những gương mặt được kỳ vọng sẽ kế nhiệm chức Thủ tướng của bà Merkel vào năm tới, cho rằng 4 năm nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump khiến mọi thứ, kể cả những điều được xem là cơ bản nhất trong mối quan hệ Đức-Mỹ, đều bị đặt dấu hỏi. Tính toàn vẹn của khối NATO, khả năng dự đoán được các chính sách đối ngoại của Mỹ… đang ở mức độ bất định nhất kể từ Thế chiến 2.
"Tôi tin rằng trong viễn cảnh 4 năm nữa, chúng ta sẽ không chỉ được chứng kiến thêm những điều tương tự, mà còn là sự tăng tiến từ những điều chúng ta đã trải qua. Bởi khi đó, Tổng thống Trump sẽ không phải chịu áp lực tái đắc cử, và ông ấy sẽ không còn bị ràng buộc bởi bất kỳ thứ gì khác", ông Roettgen nói.
Theo BBC, nhiều người dân tại Berlin đã rất ngạc nhiên khi người đứng đầu một quốc gia lâu nay được xem như đồng minh quân sự và đối tác thương mại của Đức, lại liên tục có những chỉ trích dữ dội tới nước này.
Dù có những mâu thuẫn về chi tiêu quốc phòng, thặng dư thương mại giữa Đức và Mỹ, cùng với những tranh cãi về việc xây dựng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ tăng gấp đôi sản lượng khí đốt từ Nga vào châu Âu qua Đức, nhưng quyết định giảm số lượng binh sĩ Mỹ đóng tại Đức của Tổng thống Trump có lẽ mới là dấu hiệu tiêu biểu nhất cho thấy mức độ gắn bó trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa hai nước đã trở nên rạn nứt.
Theo ông Wolfgang Ischinger, cựu Đại sứ Đức tại Mỹ và chủ tọa của Hội nghị An ninh Munich, chừng nào quân đội Mỹ còn hiện diện tại châu Âu, thì việc chọn địa điểm đóng quân không phải là điều gì đó quá quan trọng, nhưng "rất tiếc, niềm tin giữa hai nước đã bị đánh mất sau khi vấn đề trên xảy ra".
Tuy nhiên, ông Ischinger cũng cảnh báo rằng, kể cả khi tổng thống Mỹ đắc cử là ứng viên Joe Biden của đảng Dân chủ, người được cho là sẽ xem xét lại quyết định rút quân khỏi Đức, thì điều đó cũng không đồng nghĩa với sự trở lại của “thiên đường xuyên Đại Tây Dương" giữa Mỹ và Đức, bởi những khác biệt trong quan điểm giữa 2 nước về các vấn đề lớn như biến đổi khí hậu, Nga và Trung Quốc vẫn còn tồn tại.
“Những khó khăn mà chúng ta đã trải qua trong 3 năm rưỡi vừa qua thực sự là một lời cảnh tỉnh hữu ích để nước Đức bắt đầu suy ngẫm về trách nhiệm của riêng mình,” cựu Đại sứ Đức tại Mỹ nhận định.
Theo BBC, ông Ischinger không phải người duy nhất xem cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 tại Mỹ là một thời điểm quan trọng đối với nước Đức. Bởi bất luận kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có ra sao, dù chính phủ Berlin có muốn hay không thêm một nhiệm kỳ nữa của ông Donald Trump, thì ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng, Đức vẫn phải nhanh chóng thích ứng với những “luật chơi” do Mỹ đưa ra.