Nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh bị đề nghị từ 5-6 năm tù
Ngày 20/1, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh và các đồng phạm về tội 'Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ'. Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án đối với bị cáo Anh từ 5-6 năm tù.
8 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Nguyễn Quốc Anh (nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai); Nguyễn Ngọc Hiền (nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai); Trịnh Thị Thuận (Kế toán trưởng, Trưởng phòng tài chính kế toán Bệnh viện Bạch Mai); Lý Thị Ngọc Thủy (Trưởng phòng tài chính kế toán Bệnh viện Bạch Mai); Phạm Đức Tuấn (Giám đốc Công ty Công nghệ y tế BMS); Ngô Thị Thu Huyền (Phó Giám đốc Công ty Công nghệ y tế BMS); Trần Lê Hoàng (Thẩm định viên Công ty thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội - VFS) và Phan Minh Dung (Tổng Giám đốc VFS).
Trong phần xét hỏi, trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Nguyễn Quốc Anh phủ nhận cáo buộc thông đồng với bị cáo Phạm Đức Tuấn để triển khai việc lắp đặt Robot phẫu thuật. Theo lời khai của bị cáo Nguyễn Quốc Anh, tháng 5/2016, bị cáo Phạm Đức Tuấn đã gặp và mong muốn Bệnh viện Bạch Mai mua Robot phẫu thuật. Nhưng thời điểm đó, bị cáo Nguyễn Quốc Anh không đồng ý do Robot có giá trị lớn. Sau đó, bị cáo Phạm Đức Tuấn đề nghị hợp tác bằng cách, doanh nghiệp chi tiền mua Robot, còn bệnh viện liên kết lắp đặt.
Cũng theo lời khai của bị cáo Nguyễn Quốc Anh, sau khi Hội đồng khoa học với nhiều chuyên gia đầu ngành thông qua chủ trương liên kết đặt Robot phẫu thuật, bị cáo Nguyễn Quốc Anh đã giao Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai là bị cáo Nguyễn Ngọc Hiền chỉ đạo các phòng, ban chức năng xây dựng đề án.
Bị cáo Nguyễn Quốc Anh thừa nhận trước Tòa rằng, bị cáo biết việc liên doanh, liên kết triển khai đề án lắp đặt thiết bị phẫu thuật có phần không đúng với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do Bệnh viện Bạch Mai đã cử người ra nước ngoài khảo sát giá nên việc thẩm định giá ở mức 39 tỷ đồng là không sai.
Sau khi trình bày những vấn đề trên, bị cáo Nguyễn Quốc Anh thừa nhận, bị cáo có vi phạm với tư cách là người đứng đầu bệnh viện. Bị cáo Nguyễn Quốc Anh nhìn nhận trách nhiệm trong việc phân công cho các phòng, ban chức năng tham mưu. Và sau đó, bị cáo tin tưởng cấp dưới nên đã ký văn bản.
Về cáo buộc đã nhận tiền từ bị cáo Phạm Đức Tuấn, bị cáo Nguyễn Quốc Anh cho rằng đó chỉ là quà biếu Tết chứ không nghĩ là hối lộ hay có gì tiêu cực.
Về phía bị cáo Phạm Đức Tuấn, bị cáo thừa nhận trách nhiệm của mình trong việc ký kết hợp đồng liên doanh, liên kết, dẫn đến sai phạm. Bị cáo Phạm Đức Tuấn khai, đã đến gặp trực tiếp bị cáo Nguyễn Quốc Anh để giới thiệu sản phẩm Robot Rosa và đưa ra mức giá 39 tỷ đồng cho loại Robot này. Bị cáo cho rằng, Robot Rosa giá hơn 7,4 tỷ đồng là chưa tính các chi phí đào tạo để vận hành được máy. Bị cáo thấy xấu hổ và ăn năn về việc mình làm khiến nhiều người bệnh thêm khó khăn không đáng có.
Còn bị cáo Nguyễn Ngọc Hiền khai, bị cáo chỉ thực hiện theo chủ trương của bệnh viện và làm theo phân công của lãnh đạo bệnh viện. Bị cáo Nguyễn Ngọc Hiền thừa nhận có sơ suất do không đọc lại các quy định thẩm định giá và thiếu thận trọng, tin tưởng vào đơn vị thẩm định giá.
Tại phiên tòa, kết thúc phần xét hỏi, Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà nội đã thực hiện quyền và trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với 8 bị cáo trong vụ án.
Theo đó, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án đối với 4 bị cáo là cán bộ lãnh đạo của Bệnh viện Bạch Mai gồm: Nguyễn Quốc Anh từ 5-6 năm tù, Nguyễn Ngọc Hiền từ 4-5 năm tù, Trịnh Thị Thuận từ 30 - 36 tháng tù treo, Lý Thị Ngọc Thủy từ 24 - 30 tháng tù treo.
Bốn bị cáo còn lại gồm: Phạm Đức Tuấn bị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 30 - 36 tháng tù treo, Ngô Thị Thu Huyền từ 24 - 30 tháng tù treo, Trần Lê Hoàng từ 30 - 36 tháng tù và Phan Minh Dung từ 24 - 30 tháng tù.
Đại diện Viện Kiểm sát xác định, trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Quốc Anh đóng vai trò chính, là người quyết định để Bệnh viện Bạch Mai và Công ty Công nghệ y tế BMS ký hợp đồng liên danh, liên kết. Bị cáo Phạm Đức Tuấn giữ vai trò giúp sức tích cực, tạo điều kiện để cho Bệnh viện Bạch Mai ký được hợp đồng. Các bị cáo còn lại giữ vai trò đồng phạm thực hiện.
Bản luận tội nêu rõ, sau khi thống nhất với bị cáo Phạm Đức Tuấn, bị cáo Nguyễn Quốc Anh đã chủ trì cuộc họp, thông qua chủ trương liên doanh, liên kết lắp đặt Robot Rosa. Tuy nhiên, sau khi đồng ý cho Công ty Công nghệ y tế BMS là đối tác tham gia đề án, bị cáo Nguyễn Quốc Anh không thông qua Đảng ủy, Ban Giám đốc và Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai để thống nhất chủ trương làm đề án liên danh, liên kết, lựa chọn đối tác, chủng loại thiết bị. Quá trình thực hiện đề án không có văn bản đề xuất lắp đặt máy của Khoa Phẫu thuật thần kinh đối với Robot Rosa, của Khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống đối với Robot Mako; không có quyết định phê duyệt đề án, quyết định phê duyệt đối tác đặt robot; không thông qua Phòng Vật tư thiết bị thẩm định giá thiết bị…
Hành vi của các bị cáo đã tạo điều kiện cho Công ty Cổ phần Công nghệ y tế BMS tham gia liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai triển khai lắp đặt Robot Rosa với giá 39 tỷ đồng không đúng thực tế. Cụ thể, ngày 20/2/2017, Công ty VFS ban hành chứng thư thể hiện robot Rosa có giá 39 tỷ đồng, tuy nhiên 3 ngày sau, loại robot này mới được nhập khẩu từ Pháp với giá 7,4 tỷ đồng, bao gồm cả thuế.
Từ sai phạm trên dẫn đến hậu quả, từ tháng 2/2017 - 5/2020, Bệnh viện Bạch Mai sử dụng Robot Rosa (liên kết với Công ty Công nghệ y tế BMS) thực hiện phẫu thuật sọ não cho 639 ca bệnh, thu hơn 22,9 tỷ đồng. Bệnh viện Bạch Mai đã thanh toán chi phí liên quan 551 ca bệnh cho Công ty Công nghệ y tế BMS. Theo kết luận giám định, tiền phẫu thuật bằng Robot Rosa là hơn 6,6 triệu đồng/ca, Bệnh viện Bạch Mai và Công ty Công nghệ y tế BMS thu hơn 23 triệu đồng/ca; hưởng chênh lệch hơn 16,5 triệu đồng/ca, gây thiệt hại cho người bệnh hơn 10 tỷ đồng.
Đại diện Viện Kiểm sát đã xác định, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm, xâm phạm đến trật tự quản lý Nhà nước, quyền và lợi ích của bị hại. Do vậy, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng cần phải xử lý nghiêm các bị cáo, nhằm thể hiện sự kiên quyết của Đảng, Nhà nước trong việc đấu tranh với các tội phạm về kinh tế, đặc biệt là tội phạm về tham nhũng, khẳng định pháp luật không có vùng cấm.