Nguyên Giám đốc Trung tâm pháp y bị truy tố tội 'Nhận hối lộ'

Liên quan đến sai phạm trong vụ giám định lại thương tích xảy ra tại Quảng Trị, VKSND Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố đối với 3 bị can; trong đó, có 2 bị can nguyên là giám định viên, lãnh đạo Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị. Cụ thể, bị can Dương Tấn Tùng (1983, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm) bị truy tố về tội: 'Giả mạo trong công tác'; bị can Nguyễn Đình Cương (1976, nguyên Giám đốc Trung tâm) bị truy tố về tội: 'Nhận hối lộ'. Ngoài ra, cáo trạng còn truy tố 1 bị can khác về tội: 'Làm sai lệch hồ sơ vụ việc'.

Bị can Nguyễn Đình Cương ký giấy tờ thủ tục tại thời điểm cơ quan điều tra khám xét nơi làm việc.

Bị can Nguyễn Đình Cương ký giấy tờ thủ tục tại thời điểm cơ quan điều tra khám xét nơi làm việc.

Theo cáo trạng, hành vi sai phạm của bị can Cương và Tùng liên quan đến lập sai nội dung Bản kết luận giám định thương tích lại trong vụ việc: “Cố ý gây thương tích” xảy ra tại thôn Long Phụng (xã Tân Long, H. Hướng Hóa, Quảng Trị) vào ngày 14-7-2021.

Cụ thể, các đối tượng Đỗ V.P, Đỗ V.Q và Cao X.Th có hành vi: “Cố ý gây thương tích” đối với anh Nguyễn Minh D. nên ngày 16-8-2021, Công an huyện Hướng Hóa đã ra quyết định trưng cầu giám định tỷ lệ thương tích đối với anh D. Thực hiện giám định, Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị đã kết luận anh D. bị gãy 6 xương sườn từ số 7 đến 12, tràn khí màng phổi, sẹo phần mềm, tỷ lệ tổn thương cơ thể 15%. Quá trình giải quyết vụ việc sau đó, gia đình anh D. và phía gây thương tích thống nhất bồi thường thương tích cho anh D. 10 triệu đồng và bãi nại không đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đến ngày 19-10-2021, anh D. được cán bộ Công an đưa đến Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị để làm thủ tục giám định lại. Cương biết rõ thương tích của D. trước đây được kết luận giám định tỷ lệ 15%. Việc giám định lại không đủ điều kiện, thuộc trường hợp từ chối giám định lại nhưng Cương vẫn tiếp nhận.

Sau đó, Cương yêu cầu bà Nguyễn Thị B.L. (mẹ của Đỗ V.P và Đỗ V.Q) đến làm việc. Chiều cùng ngày, bà L. cùng bà Đỗ Thị H. (mẹ của Cao X.Th) đến trung tâm để gặp Cương. Bà L. trực tiếp vào gặp và xin Cương giám định lại theo hướng giảm tỷ lệ thương tích của anh D. nhằm giảm nhẹ trách nhiệm cho P., Q. và Th. Cương đồng ý và “yêu cầu” bà B. đưa cho mình 10 triệu đồng.

Tiếp đó, Cương phân công giám định viên Tùng (Phó giám đốc Trung tâm) giám định lại thương tích của D. Qua nghiên cứu hồ sơ giám định lại, Tùng thấy thành phần giám định không đúng theo quy định nên báo cáo miệng với Cương thì được chỉ đạo cứ thực hiện. Ngày 26-10-2021, giám định viên Tùng chỉ định D. đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị chụp lại phim thương tích. Quá trình D. đi chụp lại phim, bác sĩ Đoàn X. (BVĐK tỉnh Quảng Trị) là người đã đọc phim lần đầu ngày 15-7-2021, xác định D. bị gãy 6 xương sườn, lần này tiếp tục thực hiện việc đọc phim chụp lại và xác định D. gãy 4 xương sườn từ số 7 đến số 10.

Kết quả được chuyển đến bác sĩ, giám định viên Hội đồng giám định y khoa Sở Y tế Quảng Trị để đọc lại thì kết luận gãy 6 xương sườn và các xương sườn gãy đã lành. Thấy có sự khác nhau giữa 2 kết quả đọc phim hiện tại và kết quả đọc phim trước đó nên các ngày từ 26 đến 28-10-2021, giám định viên Tùng nhiều lần báo cáo miệng với Cương nhưng Cương chỉ đạo lấy kết quả lần 2 của bác sĩ Đào X. (không phải làm giám định viên Hội đồng giám định y khoa Sở Y tế tỉnh) để kết luận. Bên cạnh sự chỉ đạo, Cương cho Tùng 3 triệu đồng.

Tùng đã tham mưu cả hai cùng ký ban hành kết luận giám định lại. Sau đó, Tùng đã soạn thảo Bản kết luận giám định lại thương tích lần 1 số 234 ngày 28-10-2021 đối với D. để Tùng và Cương cùng ký kết luận: gãy 4 xương sườn từ 7 đến 10, tỷ lệ tổn thương sức khỏe là 9%. Bản giám định lại này được sử dụng trong hồ sơ để đề xuất không khởi tố vụ án hình sự về tội: “Cố ý gây thương tích”. Tuy nhiên sau đó, Công an huyện Hướng Hóa đã kịp thời hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án.

Quá trình điều tra cũng làm rõ, đối với bác sĩ Đoàn X., là người phụ trách chẩn đoán hình ảnh đối với thương tích của D. vào các ngày 15-7-2021 và 26-10-2021 đã xác định việc giám định thương tích thực hiện sau 3 tháng là không đảm bảo vì các thương tích đã lành, không còn nguyên vẹn. Quá trình giám định lại thương tích của D. không có sự tác động để làm sai lệch nội dung kết quả chẩn đoán nên không đề cập xử lý trách nhiệm đối với bác sĩ này. Đối với bà L. và bà H., có dấu hiệu tội: “Đưa hối lộ” nhưng bà L. đã chủ động làm đơn tố cáo và khai nhận hành vi đưa hối lộ, từ đó giúp kết quả điều tra xác định đúng hành vi phạm tội của Cương. Căn cứ quy định pháp luật, cơ quan điều tra không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với bà L., bà H.

B.HÀ

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nguyen-giam-doc-trung-tam-phap-y-bi-truy-to-toi-nhan-hoi-lo-post298975.html