Nguyễn Liên Phong và bài thơ về Biên Hòa

Viết riêng về Biên Hòa giai đoạn văn học cận đại, nhiều người thường nhắc đến bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú có tựa đề Biên Hòa phong cảnh của Bùi Thoại Tường, được in trong cuốn Thơ văn yêu nước Nam Bộ thế kỷ 19 do nhà thơ Bảo Định Giang biên soạn và Giáo sư Ca Văn Thỉnh viết bài giới thiệu. Sách do Nhà xuất bản Văn học Giải phóng (Thành phố Hồ Chí Minh) phát hành năm 1976.

Toàn bài thơ như sau:

Trên hòn Long Ẩn dưới truông voi,

Phong cảnh Đồng Nai thú mặn mòi

Đá lập hình nghê nằm ngoái cổ,

Hàng giăng sông rắn chảy theo còi.

Lòng dân trung hậu danh còn tạc,

Đất nước anh linh dấu hãy soi

Đồ sộ trời Nam xây cõi thọ,

Non sông một thước đáng ngàn thoi.

Viết về Biên Hòa còn có một tác giả thời cận đại là Nguyễn Liên Phong, người Nghệ An. Ông sinh năm 1821, đậu cử nhân Hán học khoa Đinh Mão 1867, làm đến chức tri phủ, tuần phủ, hưởng ứng phong trào Cần Vương (phong trào kháng Pháp theo bài hịch của vua Hàm Nghi) và bị Pháp bắt đày đi biệt xứ, ban đầu ở Bình Định sau vào Gia Định. Sách Từ điển nhân vật lịch sử của Nguyễn Quốc Thắng có đoạn: “Ông là tác giả một số thi phẩm viết bằng chữ Quốc ngữ viết về các tỉnh Nam kỳ hồi cuối thế kỷ 19 có giá trị văn học, địa lý, nhân vật Việt Nam của đất Nam kỳ xưa” (trang 816, sách tái bản lần thứ X, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 2013).

Thi phẩm được nói đến ở đây có tựa Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, in lần đầu năm 1909, do Nhà xuất bản Đinh Thái Sơn, Sài Gòn phát hành. Trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca có 6 bài thơ dài viết về Vũng Tàu, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Gia Định và Biên Hòa. Những địa phương khác có các bài ngâm vịnh ngắn hơn.

Riêng bài Biên Hòa phong cảnh thì chủ yếu nói về phong cảnh. Ngoài bài thất ngôn bát cú coi như đề từ, trong đó có câu “nhà dân xóm xóm đều trung hậu”, phần chính làm theo thể lục bát gồm 186 câu lục - bát.

Như tên gọi, có đoạn nói về sản vật:

Ra công rẫy ruộng thâu thành

Bắp khoai mía đậu để dành để tiêu

Mía đường vật cũng khá nhiều

Bưởi ngon ngọt với trà tiêu mọi loài

Cau khô thuốc súc dầu chai

Thịt rừng thì có hươu nai thường thường.

Về các địa danh, có:

Đường Sứ, Đồng Váng, Đồng Môn

Bến Gỗ, Bến Cá, Chợ Đồn, Chợ Dinh

Đồng Môn, Bà Ký rất xinh,

Vườn cau mịch mịch tươi xanh cả ngàn

Phước Lai, Phước Kiểng, mấy làng

Phong thuần, tục mỹ dân nhàn sanh phương.

Bài thơ cũng có câu khá hiện đại:

Cù lao Phố chỗ linh thiêng

Xưa có cầu ván bắt chuyền ngang sông (*)

Về nhân vật lịch sử Nguyễn Hữu Cảnh, tác giả viết:

Miếu quan Chưởng Lễ (**) dựa kề

Lý ngư có lúc khuya về hiện thân

Nhảy nhào hụp lặn lăng xăng

In như hình tới trước sân lạy mừng

Thiệt là thượng đẳng linh thần

Công lao khai quốc công thần tạc ghi

Về chùa chiền, có:

Tốt thay chùa núi cảnh riêng

So bề thanh lịch là miền Bửu Phong

Đại Giác chùa có sắc phong…

Một cử nhân Hán học lại có bài thơ viết về Biên Hòa bằng chữ Quốc ngữ, là điều đáng thán phục.

Ngoài Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, Nguyễn Liên Phong còn có các tác phẩm đã in như: Án Túy Kiều (năm 1910); Từ Dũ Hoàng thái hậu (năm 1913); Điếu cổ hạ kim thi tập (năm 1915).

Nguyễn Liên Phong góp phần quan trọng mảng văn học miền Nam lục tỉnh đầu thế kỷ 20, trong đó có tình cảm dành cho Biên Hòa.

(*) Vị trí cầu Rạch Cát ngày nay.

(**) Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh.

Trần Phi Châu

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202406/nguyen-lien-phong-va-bai-tho-ve-bien-hoa-408162b/