Nguyễn Linh như hải cảng đón bão

Các tác phẩm họa chèo của Nguyễn Linh, vì vậy, là một chiếu chèo mở rộng, ngoài hình tượng diễn viên, những người tới xem cũng là một yếu tố để tăng độ sống động của vở diễn thông qua sự tương tác và kết nối.

Nguyễn Linh sinh năm 1961 tại Hà Nội, tốt nghiệp khóa 22 (1978 - 1983), Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam), một thời Nguyễn Linh và Đặng Xuân Hòa từng “tề danh” là hai người vẽ hay nhất trong những sinh viên cùng khóa.

Họa sĩ từng làm báo tại Tạp chí Kiến trúc, đến năm 1990 chuyển hướng, dành đam mê cho hội họa, thành lập Viet Art Station 42 Yết Kiêu. Nguyễn Linh đã thực hiện 6 triển lãm cá nhân trải dài từ năm 2006 đến 2024 cùng nhiều triển lãm nhóm ở trong và ngoài nước. Có thể nói, con đường hội họa của Nguyễn Linh, như hải cảng đón bão, hấp thu mọi vần vũ để tìm nẻo sáng tạo.

Khơi dòng chuyển động trừu tượng

Dòng chuyển động Nguyễn Linh khởi hoạt từ sự vận động nội tại. Dễ thấy nhất, thay vì dụng những ngôn từ mỹ miều, ẩn dụ hay quá đỗi trừu tượng, họa sĩ đặt tên triển lãm bằng cách lấy tên mình và đánh số. Từ Nguyễn Linh 1, so với Nguyễn Linh 2, 3, 45, là những phiên bản dị biệt, do đó, ắt phải biến thiên, phải tịnh tiến, không chịu đứng yên. Mỗi triển lãm lại có sự du hành từ đề tài, chất liệu đến phong cách thể hiện/thể nghiệm đa dạng, giao thoa giữa ấn tượng, trừu tượng và biểu hiện.

Họa sĩ Nguyễn Linh cho tới nay đã tổ chức 6 triển lãm cá nhân.

Họa sĩ Nguyễn Linh cho tới nay đã tổ chức 6 triển lãm cá nhân.

Sự vận động bên trong của Nguyễn Linh, chứa đựng câu chuyện phản ứng với truyền thống. Mọi nghệ sĩ tất yếu đều có phản hồi với những gì trước họ. Truyền thống có thể bắt nguồn sâu xa từ tâm thức dân tộc – văn hóa tộc người, những cổ mẫu đã ấn định trong vô thức tập thể. Truyền thống có thể là một trường phái, một học vấn, một môi trường đào tạo, một bậc thầy tiền bối, cụ thể như ở trường phái hội họa hàn lâm Âu châu thế kỷ XIX. Phản ứng như thế nào là lựa chọn của người thực hành sáng tạo.

Họ có thể chọn con đường tiếp tục – tiếp nhận, tiếp biến – những người khổng lồ và thành lũy trường quy. Hay vay mượn, bắt chước, giễu nhại và diễn dịch như ở loại hình nghệ thuật chuyển dụng (appropriation) đương đại. Hoặc, ở những nghệ sĩ có tính nguyên bản, hay cách tân nhất, có thể phản kháng, đập vỡ và phân mảnh truyền thống, để tự cấu trúc lại mình thành những khuôn thức nghệ thuật mới.

Lựa chọn của Nguyễn Linh là hướng về truyền thống bản sắc của dân tộc. Ở triển lãm Nguyễn Linh 4 (2020) trước đây, họa sĩ tìm về loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian, chèo, làm motif chủ đạo. Chèo, Lên đồng, Chọi trâu, hay gần đây là Nghỉ một lát bà đều biểu đạt một không gian cổ truyền thuần khiết của con người và làng xã Bắc bộ qua những sinh hoạt đời thường, nhịp điệu dân gian và chuyển động vũ kỹ.

Tác phẩm của Nguyễn Linh về đề tài chèo 1.

Tác phẩm của Nguyễn Linh về đề tài chèo 1.

Tranh chèo của Nguyễn Linh, lý thú thay, cũng sở hữu những đặc trưng của thể loại này, từ kỹ thuật tự sự, biểu đạt tính cách nhân vật, đến yếu tố kịch tính, ước lệ và cách điệu. Nếu lựa chọn của một số nghệ sĩ đương đại là trưng dụng hình thức truyền thống để nói chuyện hôm nay, thì Nguyễn Linh bước đi con đường song song, di dưỡng truyền thống bằng họa pháp hiện đại (mà hiển nhiên họa sĩ có sự tiếp thu từ truyền thống của phương Tây, như Paul Cézanne, Vincent van Gogh, Henri Matisse, Pablo Picasso và Marc Chagall chẳng hạn).

Chân dung cũng là một truyền thống hội họa phổ biến được nhiều họa sĩ đeo đuổi bằng nhiều bút pháp khác nhau. Lựa chọn của Nguyễn Linh là biểu hiện. Một dòng chảy diện mạo học nhất quán xuyên suốt chân dung văn nghệ sĩ do Nguyễn Linh thực hiện, có những người đã hóa thành lịch sử như họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Lưu Công Nhân, Vũ Duy Nghĩa, nhạc sĩ Văn Cao, nhà soạn kịch Tào Mạt, dịch giả - nhà thơ Dương Tường, có những người đương thời như Phan Cẩm Thượng, Đặng Xuân Hòa, Hà Trí Hiếu,... và cuối cùng là tự họa chính mình. Nguyễn Linh không tìm cách mô phỏng hoặc tả thực. Thay vào đó, sử dụng đường nét nguệch ngoạc phi chuẩn và mảng màu phân định, để thể hiện phản ứng cảm xúc của mình với những gì nhìn thấy, hình dung thấy.

Chân dung nhà biên kịch Tào Mạt (ảnh trên), dịch giả Dương Tường qua ngòi cọ của Nguyễn Linh.

Chân dung nhà biên kịch Tào Mạt (ảnh trên), dịch giả Dương Tường qua ngòi cọ của Nguyễn Linh.

Tinh túy trừu tượng của Nguyễn Linh nằm ở sự chuyển động. Hội họa, thoạt nhiên, là nghệ thuật của màu sắc, đường nét, hình khối – vốn hoàn toàn là những thuộc tính tĩnh – nhưng lại hoàn toàn có thể tạo ra hiệu ứng chuyển động. Họa sĩ có thể tạo ra ảo giác chuyển động, thông qua một quá trình ngưng đọng chính sự chuyển động, tức là làm ngưng đọng các hình diện giữa thời điểm của một chuyển động, khiến người xem mặc nhiên tri giác được ý niệm về sự chuyển động này. Một phương cách phổ biến khác của các họa sĩ trừu tượng, đó là sắp xếp các yếu tố trừu tượng sao cho tạo ra ấn tượng chuyển động, như ở tranh nghệ thuật quang học (op art) của Victor Vasarely, Bridget Riley hay Richard Anuszkiewicz…

Sự chuyển động trong tranh Nguyễn Linh, khởi tạo từ nét và mảng, đặc biệt hiển thị rõ trên kết cấu bề mặt. Cánh đồng cỏ Sau cơn bão được thể hiện triệt để bằng nét, gợi cả hình (liêu xiêu, ngã rạp), âm (xào xạc) lẫn tâm cảm (hoang hoải), mang lại trải nghiệm đa giác quan cho người chiêm ngưỡng. Đến Nguyễn Linh 5 (2023), thì chuyển động bằng nét không còn là chủ đạo, mà dần thay thế bằng chuyển động mảng, kết tinh bằng sự thống ngự của nguyên tố nước.

Tác phẩm trừu tượng Mây 1, 2.

Hình thái chuyển động điển hình của nước trong tranh của họa sĩ, là sóngmặt nước. Nước của Nguyễn Linh đã cập đến bờ bến trừu tượng, không có khúc xạ và phản chiếu của nước thực, không chơi đùa với ánh sáng, chỉ có những kết cấu. Sóng là cung bậc của những thang điệu dập dồn, dữ dội. Sóng vỗ bờ để lại những dải bọt nhiễu động, bất quy tắc của mặt nước cho thấy phép chuyển sắc tinh vi của họa sĩ. Nước dung hợp với khí tạo thành sự ngưng tụ và thăng vận của mây. Mây lưng chừng lơ lửng, thong dong thênh thang tựa “Đường mây rộng thênh thang cử bộ” (Chí nam nhi – Nguyễn Công Trứ).

Rồi nước, đất, và kim loại tưởng như sự kết hợp bất hòa, hợp thành mỏ, và thậm chí cực đoan sừng sững một mảng khối màu đen đối lập nước với kết cấu bề mặt rợn ngợp, khủng khiếp.

…rồi trở về với không gian nông thôn cổ truyền

Nguyễn Linh đã khởi hành lữ trình thứ Sáu của mình. Sau khi rẽ quặt sang ngả trừu tượng ở Nguyễn Linh 5, người họa sĩ đã hồi khứ, trở về với hệ mạch chủ đạo vốn đã hiện diện ở Nguyễn Linh 4 – nông thôn và dân gian (chèo). Con đường quen, nhiều khi lại là một con đường ẩn chứa hiểm nguy bởi sự chủ quan an toàn, nhất là đối với hội họa, bởi chẳng phải lối mòn vốn là kẻ thù của sáng tạo. Nguyễn Linh, bởi vậy, không thể cứ bóp côn vào số vít ga mà đi.

Lịch sử nghệ thuật đã cho thấy, khi người ta loay hoay muốn vươn tới cái phổ quát – nhân loại, thì hóa ra đó là một diễn ngôn được quy định bởi bá quyền văn hóa, ví dụ trong trường hợp hội họa hàn lâm của lục địa già. Với những nền nghệ thuật phát triển sau, thì chính sự khác biệt mang tính chất tộc loại lại là lợi thế cạnh tranh và thu hút sự quan tâm, ban đầu chỉ xuất phát từ mối tò mò chuộng lạ của một cộng đồng thụ hưởng.

Tác phẩm của Nguyễn Linh về đề tài chèo 2.

Tác phẩm của Nguyễn Linh về đề tài chèo 2.

Do vậy, quan niệm về nghệ thuật tộc loại cũng phân hóa theo nhiều nhánh. Ngay ở châu Âu, nghệ thuật dân gian vốn không được coi là có giá trị nghệ thuật khi đặt cạnh nghệ thuật hàn lâm, lại tìm thấy biệt lệ ở những quốc gia nơi bản sắc dân tộc dựa trên hệ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa xoay quanh văn hóa người của người dân, như ở Nga và các nước khối Đông Âu. Ở những nơi này, di sản dân gian chồng chéo với di sản dân tộc.

Một bộ phận khác phải lòng nghệ thuật bộ lạc của những tộc người nguyên thủy, thậm chí những yếu tố du nhập còn tham gia định hình phong cách của nhiều họa sĩ và điêu khắc gia nổi tiếng, như: Rousseau, Gauguin, Picasso, Modigliani, Brancusi, nhóm Der Blaue Reiter của Kandinsky… Con đường nhân học nghệ thuật, hay nẻo đường về một nhân gian khác, đã được các họa sĩ trên thế giới đi mòn lối hơn một thế kỷ nay.

Tác phẩm của Nguyễn Linh về đề tài nông thôn Bắc bộ 1, 2.

Tác phẩm của Nguyễn Linh về đề tài nông thôn Bắc bộ 1, 2.

Từ xa về gần, Việt Nam, với một cơ tầng văn minh nông nghiệp canh tác trồng lúa nước, cũng hiển lộ những công thức khái quát như “cây đa, bến nước, sân đình” hay “con trâu, cái cày”, để mặc định đây là quang cảnh nông thôn Bắc bộ cổ truyền, hay những loại hình nghệ thuật dân gian như chèo, tuồng, múa rối là những thứ “ta-khác-họ”, là biểu trưng cho hồn Việt, đặc sản và bản sắc của dân tộc.

Sau quá trình giao thoa Đông – Tây thông qua giáo dục nghệ thuật đầu thế kỷ XX, thì sự vận dụng chất liệu dân tộc, kết hợp giữa dân gian và hiện đại, hay tựa vào mỹ thuật dân gian để đi đến hiện đại đã là lối đi của Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, hay chỉ riêng chèo đã là một lựa chọn biểu đạt của Bùi Xuân Phái.

Phía trước Nguyễn Linh, do đó, là một con đường đã tỏ mang nhiều dấu chân tiền nhân. Chung quy lại, yếu tính nghệ thuật trong Nguyễn Linh 6, không nằm ở chuyện vẽ nhiều, năng sản, những phẩm tính định lượng thuần túy của sự lao động, thay vào đó, là liệu tác phẩm của họa sĩ có trả lời được câu hỏi mang tính bản thể: Cách nhìn, trải nghiệm và tái hiện cái gì?

Trước những motif và hình tượng đã rất đỗi quen thuộc, thì vấn đề đặt ra là qua cái nhìn của Nguyễn Linh chúng có gì khác? Rằng họa sĩ, như một người quan sát tham dự và trực tiếp nghiệm sinh, có đưa lại đến người xem những hình ảnh xác chứng, chân thực nhất. Đó là tư cách họa sĩ – chứng nhân. Hay, bằng ngôn ngữ nghệ thuật điêu luyện của mình hiệp thông cho người chiêm ngưỡng một sự tồn tại sinh động nhất của thôn quê, hay những chuyển động sống động nhất của chèo. Đây là họa sĩ – người tường giải sáng tạo.

Tác phẩm của Nguyễn Linh về đề tài chèo 3.

Tác phẩm của Nguyễn Linh về đề tài chèo 3.

Nguyễn Linh 6 tạo ra những nghịch lý tiếp xúc. Quyết định đưa tranh của mình tới triển lãm tại TP.HCM lần này của Nguyễn Linh, cũng góp phần tạo ra một sự xê dịch không gian thú vị. Cảnh quan nông thôn đồng bằng châu thổ sông Hồng, cũng như loại hình sân khấu truyền thống tiêu biểu của nó là chèo, được bứng ra khỏi nơi thổ nhưỡng sản sinh, để thiên di đến một miền đất mới, trình diện trước một công chúng chắc chắn chỉ biết đến nó qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngày nay, chúng ta, tức công chúng đương đại, hiểu biết gì về chèo? Có ý kiến cho rằng bây giờ về nông thôn để trải nghiệm chèo, có lẽ chỉ là để trải nghiệm bầu không khí người dân yêu thích chèo ra sao. Bản thân chèo đã chịu ảnh hưởng và tác động biến đổi, từ những nhà sân khấu học theo hệ thống của Konstantin Stanislavski đưa sân khấu chèo về gần hơn với sân khấu kịch, các câu lạc bộ chèo địa phương mọc lên thì cũng lại học theo mô hình các nhà hát chuyên nghiệp. Nếu trước đây sân khấu chèo trải chiếu, ngồi sân đình, khán giả reo hò đối đáp cùng người diễn, thì nay người xem thưởng thức theo lối thụ động như đi xem nhạc kịch.

Tác phẩm của Nguyễn Linh về đề tài chèo 4.

Tác phẩm của Nguyễn Linh về đề tài chèo 4.

Chỉ nhìn từ cách bố cục không gian, là có thể thấy dụng ý của Nguyễn Linh trong việc muốn tái hiện sân khấu chèo dưới bản chất nguyên thủy, nguyên hợp và quần chúng của nó, không bị giới hạn bó buộc bởi một khung sân khấu cứng, của rèm, cột hay hậu cảnh phía sau. Giữa không gian hư ảo của các mảng màu đối ngẫu, vai chèo là trung tâm, là duy nhất, hướng về phía khán giả. Các tác phẩm họa chèo của Nguyễn Linh, vì vậy, là một chiếu chèo mở rộng, ngoài hình tượng diễn viên, những người tới xem cũng là một yếu tố để tăng độ sống động của vở diễn thông qua sự tương tác và kết nối.

Chuyển thể chèo, từ một loại hình sân khấu mang tính động, sang hội họa mang tính tĩnh, đồng nghĩa với thách thức phải sáng tạo cải biến các thuộc tính cố hữu của nó như thơ ca, âm nhạc, chuyển động khiêu vũ sang màu sắc và hình khối. Ngoại trừ những yếu tố bố cục, vốn thường được phân công rõ ràng trước khi diễn, ví dụ cảnh này nhân vật này đứng bên trái, nhân vật kia đứng bên phải, hay sự chuẩn mực hóa các điệu bộ, vị trí đứng của nhân vật, trang phục đặc trưng, thì công cụ biểu đạt diệu dụng nhất của họa sĩ là thông qua sắc thái diện mục và sự tái tạo chuyển động hình thể của các hình tượng nhân vật.

Tác giả bài viết cùng họa sĩ Nguyễn Linh chiêm ngưỡng tác phẩm mới.

Tác giả bài viết cùng họa sĩ Nguyễn Linh chiêm ngưỡng tác phẩm mới.

Điều này ứng với đặc trưng của chèo xưa, thay vì dàn dựng bối cảnh với nhiều đạo cụ như sân khấu chuyên nghiệp ngày nay, diễn viên trọng các điệu diễn khoa chân múa tay để mô tả hành động của mình. Những nhân vật chèo tiêu biểu như Súy Vân, Mẹ Đốp, Lý Trưởng, Thị Màu, Thị Kính, Hề Gậy được Nguyễn Linh “gắn” vào những tư thế điển hình – kẻ bỡn cợt, ả lả lơi, người buông tuồng với đôi bàn tay dẻo như những bông hoa đang nở. Khắc họa bàn tay và “đặt hồn” vào gương mặt là khiếu của Nguyễn Linh. Với người quen xem chèo, chân dung nghịch nữ, hề chèo, từ hóa trang đến thần thái trong tranh Nguyễn Linh đều rất thân thuộc, và hơn hết, cùng toát lên một mẫu hình “gương mặt Bắc bộ” với những đặc điểm nhân trắc ấn tượng và riêng biệt.

Mới đây, Di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật Chèo” (Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nội và Hải Phòng) đã được đồng ý đệ trình UNESCO xem xét ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong dòng chảy tôn vinh một giá trị nghệ thuật đặc sắc của dân tộc, Nguyễn Linh 6 góp một nét chấm phá lạ – qua sự tái tạo và tường giải chèo của họa sĩ, dường như chèo được dôi thêm ý nghĩa, rộng thêm những chiều kích thị giác.

Phạm Minh Quân (Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội)

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nguyen-linh-nhu-hai-cang-don-bao-44146.html