Nguyên mẫu của Võ Tòng là bạn thân Thi Nại Am?

Võ Tòng xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học Trung Hoa, nhưng tiêu biểu nhất là trong tiểu thuyết Thủy hử (Thủy hử truyện) và Kim bình mai.

Do ảnh hưởng quá sâu rộng của Thủy hử truyện - một trong "tứ đại danh tác" của Trung Hoa, cộng thêm tác động của các loại hình nghệ thuật khác như hý kịch, sân khấu dân gian, phim ảnh..., nhiều nhân vật trong Thủy hử đã được Thi Nại Am hình tượng hóa và khác xa chính sử. Bên cạnh những nhân vật hư cấu, một số nhân vật có thật trong lịch sử đã bị lắp ghép, thêm thắt, thậm chí làm sai lệch, trong đó có Võ Tòng.

Võ Tòng ngoại hiệu Hành giả là một nhân vật trong tiểu thuyết Thủy hử. Võ Tòng cũng xuất hiện trong Kim bình mai – một tác phẩm dựa trên câu chuyện của Thủy hử, và một số tác phẩm khác. Võ Tòng nguyên là thủ lĩnh núi Nhị Long và sau này tụ nghĩa ở Lương Sơn Bạc. Khi ở Lương Sơn, Võ Tòng là đầu lĩnh thứ 14, được sao Thiên Thương Tinh chiếu mệnh.

Võ Tòng ngoại hiệu Hành giả.

Võ Tòng ngoại hiệu Hành giả.

Những sự tích như Võ Tòng đả hổ ở đồi Cảnh Dương; Võ Tòng sát tẩu (giết chị dâu Phan Kim Liên báo thù cho anh); Võ Tòng đánh Tây Môn Khánh; Võ Tòng say đánh Tưởng Môn Thần; hay máu nhuộm Uyên Ương lầu; diệt cướp Nhị Long sơn… đều là những đề tài làm say mê lòng người.

Trong Thủy hử, Võ Tòng theo Tống Giang quy thuận triều đình, đi đánh dẹp Phương Lạp. Trong trận đánh tại Mục Châu, Võ Tòng bị Bao Đạo Ất chém mất một cánh tay, được Lỗ Trí Thâm cứu thoát. Sau khi thắng trận, Võ Tòng không trở về Biện Kinh nhận chức mà xuất gia tại tháp Lục Hòa, Hàng Châu, được phong Tĩnh Trung thiền sư và thọ 80 tuổi. Trong khi đó, Kim bình mai lại mô tả Võ Tòng báo thù Tây Môn Khánh nhưng giết lầm người, bị đày đi Mạnh Châu. Sau khi quay về thì Tây Môn Khánh đã bệnh chết, Võ Tòng bèn giết chị dâu Phan Kim Liên rồi lên Nhị Long Sơn.

Do ảnh hưởng của Thủy hử, trong một thời gian dài nhân vật Võ Tòng được xem là một nhân vật hư cấu. Tuy nhiên, về sau, dựa trên một số bằng chứng, các nhà nghiên cứu đã cho rằng Võ Tòng là một nhân vật có thật trong lịch sử.

 Nguyên mẫu của Võ Tòng là Biện Nguyên Hanh?

Nguyên mẫu của Võ Tòng là Biện Nguyên Hanh?

Theo một số nhà nghiên cứu, nguyên mẫu của Võ Tòng là võ tướng Biện Nguyên Hanh, bạn thân Thi Nại Am. Theo Biện thị gia phổ thì Biện Nguyên Hanh là con Biện Sĩ Chấn, quan Phó sứ diêm vận (vận chuyển muối) vùng Lưỡng Hoài cuối đời Nguyên, nhà ở Biện Thương, Diêm Thành, theo Trương Sĩ Thành khởi nghĩa.

Biện Nguyên Hanh võ nghệ cao cường, sức mạnh hơn người. Lúc ấy, ở một dải Biện Thương có một con hổ dữ, người dân không dám đi riêng lẻ. Biện Nguyên Hanh một mình đến đây, tay không đánh chết mãnh hổ.

Là một mưu sĩ của Trương Sĩ Thành, Thi Nại Am biết nhiều chuyện trong nội bộ tập đoàn thống trị này. Về sau, thấy họ Trương đam mê tửu sắc, bỏ bê chính sự, không nghe can gián, Thi Nại Am về ẩn cư và viết Thủy hử. Ông đưa vào truyện nhiều nhân vật mà mình quen biết dưới trướng Trương Sĩ Thành, như anh em bán muối lậu Đồng Uy - Đồng Mãnh hay Nụy cước hổ Vương Anh là người đánh xe ở Lưỡng Hoài...

Còn theo Giáo sư sử học Kỷ Liên Hải, người được xem là “danh nhân văn hóa đương đại Trung Quốc”. Ông có nhiều năm nghiên cứu về về các nhân vật trong tác phẩm Thủy hử của Thi Nại Am, theo ông nhân vật Võ Tòng là có thật trong lịch sử Trung Quốc.

Võ Tòng sống ở thôn Khổng Tống Trang, huyện Thanh Hà, phủ Đông Bình, tỉnh Sơn Đông (nay thuộc Hà Bắc) đời Tống, nhưng không phải là hảo hán Lương Sơn như trong truyện Thủy hử miêu tả.

Trong chính sử nhà Tống không có ghi chép về nhân vật Võ Tòng, nhưng trong các sử tịch như Lâm An huyện chí, Tây Hồ đại quan, Hàng Châu phủ chí... đều có ghi rõ nhân vật này.

Theo đó, Võ Tòng vốn xuất thân là người mãi võ, lưu lạc giang hồ, tướng mạo khôi ngô tuấn tú, thường biểu diễn võ nghệ trước Dũng Kim môn. Quan tri phủ Hàng Châu là Cao Quyền cảm mến tài năng của Võ Tòng mà mời vào phủ, phong cho chức đô đầu (phụ trách về tội phạm hình sự của huyện nha).

Mộ Võ Tòng.

Mộ Võ Tòng.

Không lâu sau, nhờ lập được nhiều công trạng, Võ Tòng được thăng làm đề hạt (phụ trách toàn bộ về trật tự trị an), trở thành tâm phúc của tri phủ. Về sau, Cao Quyền bị kẻ gian vu hãm phải bãi quan. Võ Tòng cũng do đó mà bị liên lụy, ra khỏi nha môn, trở thành thường dân quay về với nghề mãi võ.

Quan tri phủ mới tên là Sái Quân - con trai quan thái sư Sái Kinh - là một gian thần, ỷ thế cha mà hống hách, ngang ngược, thường xuyên hà hiếp bá tánh, khiến dân chúng oán hận, gọi y là “Sái Hổ”.

Chứng kiến Sái Hổ nhiều lần ức hiếp dân lành, làm điều bạo ngược, Võ Tòng lập mưu giết Sái Hổ, trừ hại cho dân.

Võ Tòng để dành tiền rèn một thanh kiếm sắc, một mình nấp trước Sái phủ, khi Sái Hổ cùng quân lính đến thì liền lao vào truy sát, dùng một nhát kiếm là lấy đầu Sái Hổ nhanh như chớp mắt.

Sái Hổ chết, Võ Tòng bị bắt giam và bị cực hình chết trong ngục. Dân chúng Hàng Châu cảm ân đức nên táng ở bên cầu Tây Linh, Hàng Châu, lập bia đề “Tống nghĩa sĩ Võ Tòng chi mộ”.

Ngày nay, dù Võ Tòng có thật hay chỉ là nhân vật trong Thủy hử thì mọi người - nhất là vùng Thanh Hà, Sơn Đông vẫn tôn kính nhân vật Võ Tòng, nhất là tinh thần xông pha thẳng tiến, "biết trên núi có hổ, vẫn can đảm thẳng xông".

Quốc Tiệp (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nguyen-mau-cua-vo-tong-la-ban-than-thi-nai-am-a494177.html