Nguyên nhân BA.5 làm nhiều người tái mắc COVID-19
BA.5 được biết đến là dòng phụ của biến thể Omicron và đang gây ra làn sóng dịch COVID-19 mới trên toàn cầu.
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong tuần cuối tháng 6, số ca nhiễm BA.5 chiếm 52% số ca mới, tăng so với mức 37% trong vòng 1 tuần. Tại Mỹ, số ca nhiễm BA.5 chiếm đến 65%.
BA.5 không phải là dòng phụ mới của biến thể Omicron vì nó được xác định lần đầu tiên vào tháng 1 năm nay và được WHO theo dõi kể từ tháng 4. Theo số liệu của WHO, số ca COVID-19 trên toàn cầu đã tăng trong 4 tuần liên tiếp gần đây. Giống như dòng phụ "anh em" BA.4, BA.5 cũng đặc biệt có khả năng né tránh được hệ thống miễn dịch có được nhờ tiêm chủng hoặc mắc bệnh trước đó. Trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của WHO, bà Maria Van Kerkhove ngày 12/7 cho rằng vì lý do này mà BA.5 có khả năng lây lan mạnh hơn các dòng phụ khác của Omicron đang lưu hành. Đối với nhiều người, họ có thể tái mắc COVID-19, thậm chí ngay sau khi vừa khỏi bệnh trước đó. Theo bà Van Kerkhove, WHO đang đánh giá những báo cáo về các trường hợp tái nhiễm.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu về virus và vaccine Gregory Poland thuộc trung tâm y tế Mayo Clinic tại thành phố Rochester của bang Minnesota (Mỹ) cho biết có nhiều bằng chứng cho thấy những người đã nhiễm Omicron đang mắc BA.5.
Tuy nhiên, dù số ca COVID-19 gia tăng khiến số trường hợp phải nhập viện cũng tăng lên ở một số quốc gia nhưng số ca tử vong không tăng đột biến. Theo giới chuyên gia, kết quả này phần lớn là nhờ sự hiệu quả của vaccine có thể giúp giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong. Bà Van Kerkhove cũng cho biết không có bằng chứng cho thấy BA.5 nguy hiểm hơn bất kỳ dòng phụ nào khác của biến thể Omicron dù số ca mắc mới tăng vọt có thể gia tăng áp lực đối với các dịch vụ y tế và nguy cơ nhiều người hơn bị mắc hội chứng COVID kéo dài (Long COVID).
WHO cùng các chuyên gia khác cũng cho rằng việc dịch bệnh COVID-19 kéo dài mà vốn do tình trạng bất bình đẳng trong phân phối vaccine hiện nay sẽ chỉ càng khiến nhiều biến thể mới và không thể dự đoán trước xuất hiện. Các nhà khoa học cũng đang chú ý đến dòng phụ BA.2.75, được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ, nơi xuất hiện nhiều biến thể và đang lây lan nhanh chóng.
Ngày 12/7, WHO nhận định đại dịch COVID-19 vẫn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu và các quốc gia cần phải cân nhắc tái áp đặt các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội khi các ca bệnh tăng cao cùng với chiến dịch tiêm chủng.