Nguyên nhân cháy ở bãi thải mỏ than Nông Sơn là do nội sinh sau cơn mưa
Ngày 11/7, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh đã có công văn về việc xử lý sự cố cháy xảy ra ở bãi thải mỏ than Nông Sơn của Công ty Cổ phần Than - Điện Nông Sơn. Qua đó, giao Công an tỉnh Quảng Nam tăng cường biện pháp nghiệp vụ, phát hiện các hành vi cố ý vi phạm các quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường.
Theo Công ty cổ phần Than - Điện Nông Sơn – TKV xác nhận: Bãi thải Bắc mỏ than Nông Sơn (Quảng Nam) đã xảy ra hiện tượng cháy, bốc khói nhiều điểm những ngày qua như phản ánh của người dân là có thật. Nguyên nhân cháy ban đầu được xác định do nhiệt độ, xuất hiện mưa nhỏ tạo độ ẩm xảy ra của môi trường tự nhiên tăng cao đạt đã sinh ra tự cháy nội sinh (đây là hiện tượng đất đá tự nhiên cháy chứ không có ai đốt hoặc làm cho đất đá bị cháy)...
Ngay khi sự việc xảy ra, TKV đã có thông tin báo chí về việc bãi thải Bắc mỏ than Nông Sơn đã xảy ra hiện tượng cháy, bốc khói trên mặt bãi thải mỏ than.
Cụ thể, từ sáng sớm ngày 6/7 sau cơn mưa, bãi thải mỏ than Nông Sơn (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) lại bốc lên mịt mù, gây ô nhiễm trầm trọng môi trường. Không chỉ ở khu vực bãi thải, tại nhà máy nhiệt điện Nông Sơn cũng xả khói. Nguồn nước từ trên núi đổ xuống sông Thu Bồn gần nhà máy nhiệt điện cũng bốc khói.
Ông Nguyễn Cao Cường, đại diện TKV đã cho rằng: Mỏ than Nông Sơn có địa tầng là các lớp đất đá năm kề sát trên lớp than có màu đen trong điều kiện nằm trong lòng đất (chưa được khai thác, bốc xúc) hoặc đã được khai thác (đã được khai thác bốc xúc chuyển ra bãi thải) nếu gặp nhiệt độ và độ ẩm thích hợp có thể gây ra tự nhiên cháy.
Để giải quyết vấn đề này TKV đã cho xây dựng nhà máy điện Nông Sơn để sử dụng than Nông Sơn nhằm sử dụng than Nông Sơn chạy nhà máy điện phát điện cung cấp điện năng phát triển và cũng là xử lý nguồn gây cháy nằm trong lòng đất, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh sự cố môi trường khi xảy ra tự cháy, cháy vỉa than trong lòng đất có thể gây ra bất kỳ thời điểm nào.
Từ đầu tháng 6/2021, do điều kiện thời tiết, nhiệt độ khác thường qua kết hợp lượng mưa lớn cung cấp độ ẩm thích hợp đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tự cháy nội sinh tự nhiên các loại đất đá vách đã đổ thải ở bãi thải (đặc biệt năm 2019 có một vài điểm tự cháy trong vỉa than tại khai trường đã được công ty xử lý).
Loại đất đá tự cháy này không phải là than, không sử dụng được nên phải đổ ra bãi thải. Khi nằm sâu trong lòng đất (chưa khai thác) hoặc khi khai thác ra (đã đổ thải) nằm ở độ sâu lớn trong thời gian dài và gặp nhiệt độ và kết hợp với độ ẩm thích hợp thỉ tự phát sinh phản ứng ôxy hóa kèm theo nhiệt phát ra; khi nhiệt độ bị tích tụ đến trị số nhất định thi gây hiện tượng tự cháy một cách tự nhiên.
Bên cạnh đó trong đất đá của mỏ Nông Sơn có một hàm lượng lưu huỳnh (là sắt Pirit) chiếm từ 1% - 3%, khi cháy phát sinh nhiệt độ thì FeS2 giải phóng Lưu huỳnh để kết hợp với ôxy trong than hoặc môi trường sinh ra khí SO2 với lượng nhỏ bay ra ngoài không khí có mùi hôi.
Như vậy việc cháy đá thải đang diễn ra tại Công ty là hiện tượng tự cháy rất tự nhiên của đất đá trên bãi thải mỏ khi gặp nhiệt độ và độ ẩm thích hợp đã tự cháy. Việc xảy ra cháy là do tính chất tự nhiên của đất đá chứ không phải do có người cố tình làm cháy hoặc do đốt cháy.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, sau khi xem xét đề nghị của Sở TN&MT, lãnh đạo UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo Công ty Cổ phần Than - Điện Nông Sơn tiếp tục thực hiện các biện pháp giảm thiểu mùi hôi tại khu vực xảy ra sự cố cháy, tăng cường tự kiểm tra để phát hiện và xử lý kịp thời, triệt để các vị trí cháy hoặc có phát sinh hiện tượng tự cháy. Đồng thời, công ty cần thực hiện đúng quy định hiện hành về bảo vệ môi trường và phòng cháy, chữa cháy.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu công ty cần xây dựng phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố tự cháy tại mỏ than Nông Sơn báo cáo Bộ TN&MT để được hướng dẫn, đánh giá cụ thể, nhất là các công trình bảo vệ môi trường của dự án.
Giao UBND huyện Nông Sơn có trách nhiệm chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND xã Quế Trung thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường (đặc biệt là hiện tượng tự cháy) ở bãi thải.
“Trường hợp có dấu hiệu vi phạm các quy định về tài nguyên và môi trường, địa phương kịp thời xử lý hoặc tham mưu cấp thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”, văn bản nêu rõ.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng giao Công an tỉnh tăng cường biện pháp nghiệp vụ, phát hiện các hành vi cố ý vi phạm các quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường. Đồng thời, có giải pháp ngăn chặn kịp thời các phản ứng tiêu cực của nhân dân gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Theo các chuyên gia, hiện tượng cháy nội sinh tại các mỏ hầm lò có nguyên nhân từ phản ứng ôxy hóa của than với khí ôxy, hậu quả sinh ra nhiệt độ cao và các khí độc, trong đó có khí CO. Khác với các đám cháy có nguyên nhân khác, việc khống chế phòng ngừa than tự cháy phải giải quyết được vấn đề cơ bản là ngăn chặn nguồn cấp ôxy cho phản ứng ôxy hóa nêu trên. Trên thế giới, việc phòng chống hiện tượng than tự cháy trong các mỏ than chủ yếu sử dụng công nghệ phun khí nitơ để phun vào khu vực cháy hoặc khu vực xuất hiện hiện tượng ôxy hóa than, với sự hỗ trợ mô phỏng tính toán của các phần mềm chuyên dụng.
Với những đặc tính nguy hiểm, nhất là khi cháy vỉa than thường sinh ra hàm lượng khí độc CO cực lớn, cháy vỉa than vô tình sẽ hủy hoại đi sức khỏe cho những người lân cận, đặc biệt là đội ngũ công nhân hầm mỏ và người dân sinh sống xung quanh mỏ than. Cháy vỉa than cũng có thể gây ra các hậu quả khác như nổ khí, cháy thiết bị. Nếu không phát hiện kịp thời thì hậu quả rất khó lường. Vì các thiết bị trong lò thường là những thiết bị nặng, dễ cháy như băng tải, thiết bị điện… khó di chuyển trong điều kiện chật hẹp.