Nguyên nhân gây đau ngực, tim đập nhanh dù đã khỏi Covid-19

Đau ngực, hồi hộp, tim đập nhanh có thể xuất hiện ở thời điểm F0 đang bị bệnh hoặc đã khỏi Covid-19.

Đau ngực, hồi hộp, đánh trống ngực có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý. Tuy nhiên, nhiều người bệnh sau khi đã được chữa khỏi Covid-19 có tình trạng này.

Trong một nghiên cứu ở Italy trên 143 người bệnh (độ tuổi trung bình là 57 tuổi) sau khoảng 2 tuần nằm viện vì Covid-19, có 22% trường hợp bị đau ngực kéo dài trong 60 ngày sau xuất viện.

Tại Mỹ, một bài báo tổng hợp dữ liệu từ nhiều nghiên cứu về các rối loạn cơ thể hậu Covid-19, cho thấy tỷ lệ đau ngực là 16%, người bệnh có tim đập nhanh khi nghỉ ngơi là 11% và trường hợp bị hồi hộp đánh trống ngực là 11%.

Nguyên nhân

Đau ngực, hồi hộp đánh trống ngực, tim đập nhanh có thể xuất hiện ở thời điểm đang bị bệnh hoặc trễ hơn khi bạn đã khỏi Covid-19. Tình trạng này là hậu quả từ nhiều yếu tố như hậu nhiễm trùng, rối loạn đông máu, tác dụng phụ của điều trị, các thủ thuật xâm lấn, thiếu oxy máu hoặc do sang chấn tâm lý.

Một người bệnh bị đau ngực hậu Covid-19 có thể chỉ đơn giản là do đau nhức các cơ ở thành ngực. Tình trạng này cũng có thể xảy ra ở những trường hợp nhiễm loại virus khác. Tuy nhiên, chúng ta cần phải loại trừ tất cả nguyên nhân nguy hiểm gây đau ngực như nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim, thuyên tắc phổi, viêm phổi… Do vậy, người bệnh bị đau ngực rất cần được thăm khám để đánh giá đúng tình trạng bệnh.

 Một bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM được ra viện sau khi khỏi bệnh. Ảnh: Duy Hiệu.

Một bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM được ra viện sau khi khỏi bệnh. Ảnh: Duy Hiệu.

Các nghiên cứu mới đây cho thấy một số người mắc Covid-19 sau khi khỏi bệnh có xuất hiện hội chứng tim đập nhanh tư thế đứng. Hiện tượng này xảy ra khi thay đổi tư thế từ nằm hoặc ngồi sang tư thế đứng. Nhịp tim có thể tăng trên 120 nhịp/phút để đáp ứng đủ nhu cầu máu cho não, tim khi thay đổi tư thế đột ngột. Các triệu chứng đi kèm có thể có choáng váng, hồi hộp, đánh trống ngực và mệt mỏi.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng ghi nhận nhiều người bệnh sau khi đã chữa khỏi Covid-19 có tình trạng tim đập nhanh ngay cả đang nghỉ ngơi, gây ra cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực.

Nhìn chung, người bệnh có biểu hiện đau ngực, hồi hộp đánh trống ngực, tim đập nhanh sau khi nhiễm SARS-CoV-2 đều cần được bác sĩ thăm khám cẩn thận để kịp thời phát hiện những bệnh lý tim mạch và hô hấp liên quan.

Các phương pháp điều trị

Theo y học cổ truyền, các tình trạng tim đập nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực, đau ngực được xếp vào phạm trù chứng trạng: tâm quý chính xung, hung thống, hung muộn. Người bệnh đau ngực, tim đập nhanh hậu Covid-19 thường có biểu hiện của hội chứng bệnh Tâm Phế khí hư, Tâm khí hư, Tâm huyết hư, Tâm âm hư, Tâm huyết uất trệ, Tâm Tỳ lưỡng hư…

Cơ chế bệnh sinh cốt lõi là do cảm nhiễm dịch lệ tà, làm tổn hao khí huyết của cơ thể, tổn thương nguyên khí ngũ tạng gây ra nội thương.

 Theo y học cổ truyền, các tình trạng tim đập nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực, đau ngực được xếp vào phạm trù chứng trạng. Ảnh: Sohu.

Theo y học cổ truyền, các tình trạng tim đập nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực, đau ngực được xếp vào phạm trù chứng trạng. Ảnh: Sohu.

Y học cổ truyền sử dụng thuốc tùy theo hội chứng của người bệnh và gia giảm theo từng trường hợp.

Các bài thuốc cổ phương thường được sử dụng có thể kể đến: Thiên vương bổ tâm đơn, Bá tử dưỡng tâm hoàn, Huyết phủ trục ứ thang, Dưỡng tâm thang, Nhân sâm dưỡng vinh,…

Với điều trị không dùng thuốc, người bệnh có thể thực hiện các phương pháp như:

- Thể châm: Các huyệt thường được sử dụng như tâm du, quyết âm du, tam âm giao, nội quan, thần môn, cách du, khí hải, quan nguyên, túc tam lý…, kết hợp cứu ấm huyệt châm.

- Nhĩ châm: Các điểm phản ứng loa tai như nhĩ thần môn, nội tiết, tam tiêu, tâm, can, dưới vỏ, phế, tỳ, thận.

- Dưỡng sinh: Với các bài luyện thở, thư giãn giúp điều hòa khí huyết, cân bằng âm dương. Phương pháp luyện thở 4 thời, giúp thở sâu, tăng khả năng tuần hoàn, chậm nhịp tim.

- Điều chỉnh lối sống: Duy trì chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, giữ tinh thần thoải mái, tập luyện vừa sức.

- Hỗ trợ tâm lý: Đặc biệt cần thiết đối với những người bệnh phải chịu đựng sang chấn tâm lý trong đại dịch.

Bài viết do thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Bình Minh và bác sĩ Trần Thị Ngọc Châu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3, cung cấp thông tin.

Làm gì để sống chung với Covid-19? Quy định mới của Bộ Y tế đã chỉ rõ 6 biện pháp để người dân thích ứng an toàn, hiệu quả và kiểm soát tốt dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Bình Minh - Ngọc Châu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguyen-nhan-gay-dau-nguc-tim-dap-nhanh-du-da-khoi-covid-19-post1273642.html